Du lịch cộng đồng hướng đi mới
- Cập nhật: Thứ tư, 25/12/2013 | 2:40:19 PM
YBĐT - Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch mới, mang lại lợi ích không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo tồn văn hóa của các dân tộc các địa phương đồng thời có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên của vùng.
Một bữa cơm tiếp khách theo mô hình du lịch cộng đồng của người Tày xã Đông Cuông (Văn Yên).
|
Các sáng kiến về du lịch cộng đồng nhằm vào mục tiêu thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc vận hành, quản lý các dự án du lịch nhỏ như một phương tiện mang lại thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng và khuyến khích, tôn trọng các truyền thống, văn hóa địa phương cũng như các di sản thiên nhiên. Các loại hình du lịch cộng đồng hiện đang được rất nhiều khách du lịch ưa thích như: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch làng nghề, du lịch dân tộc hay bản địa và du lịch văn hóa... đang ngày càng được chú trọng phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Rất nhiều khu du lịch cộng đồng của Yên Bái đã được đưa vào các tuyến phục vụ du khách trong và ngoài nước, điển hình như Khu du lịch Ngòi Tu (Yên Bình), Nghĩa An (Nghĩa Lộ), Khai Trung (Lục Yên), bản Bon (Văn Chấn)… Đối tượng chính của loại hình du lịch cộng đồng thường có các đặc điểm như tôn trọng các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa và các điểm thăm quan; quan tâm đến tác động của du lịch đối với môi trường và các giá trị bền vững khác; yêu thích chỗ ở có quy mô nhỏ của người dân địa phương; tìm kiếm những khía cạnh chân thực của cuộc sống như: đặc sản địa phương, những thiết kế mộc mạc và tự nhiên, các yếu tố mang đậm tính truyền thống bản địa; tìm kiếm sự tương tác với con người, lối sống và các nền văn hóa riêng biệt của chính họ…
Du lịch cộng đồng ở Yên Bái hiện nay tuy đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ đối với du khách. Yên Bái có rất nhiều các địa danh nổi tiếng, phong cảnh đẹp như hồ Thác Bà, quần thể di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang La Pán Tẩn - Chế Cu Nha - Dế Xu Phình, bình nguyên xanh Khai Trung... cùng nhiều thác, hồ, suối, nguồn nước nóng khác.
Yên Bái cũng là địa bàn sinh sống của rất nhiều dân tộc, tiêu biểu có các dân tộc Thái, Mông, Tày, Dao, Cao Lan… Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng độc đáo, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca dân vũ (6 điệu xòe Thái cổ, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Gầu tào, lễ hội Xếp xí…) cộng với các nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực với các món ăn dân dã, hấp dẫn như: cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rêu đá, bánh chưng đen... Đây chính là thế mạnh để Yên Bái phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
Tuy vậy, hiện tại, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ để phát, triển du lịch cộng đồng tại Yên Bái vẫn còn khá nhiều hạn chế; chưa có một dự án du lịch cộng đồng nào được triển khai theo quy mô lớn và thực sự khoa học, đúng tầm. Mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, chưa tham gia vào quá trình tổ chức và ra quyết định, xây dựng các kế hoạch thực hiện trong du lịch cộng đồng.
Việc tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập chương trình cho các tuyến, chương trình du lịch tại cộng đồng còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Chủng loại, kiểu dáng các sản phẩm thủ công truyền thống chưa phong phú, đa dạng và chất lượng chưa cao để thu hút khách du lịch.
Trong khi đó, các công ty du lịch lại chưa đánh giá, đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu để nắm bắt nhu cầu và mong muốn của khách du lịch. Hai bộ phận doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng hoạt động chưa có sự gắn kết chặt chẽ với nhau… Thực trạng và những hạn chế này cho thấy, muốn phát triển du lịch bền vững thì vấn đề tổ chức và cách làm có ý nghĩa rất quan trọng.
Vừa qua, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) đã xây dựng khá thành công mô hình du lịch cộng đồng. Những sản phẩm du lịch còn hạn chế nhưng mô hình này được đánh giá khá cao về tính toàn diện: từ các món ăn, nơi ngủ nghỉ, phương tiện đi lại đến việc chiêm ngưỡng, trải nghiệm các nét đẹp văn hóa, con người thực hiện khá bài, mang lại sự hài lòng cho phần lớn du khách. Mô hình này hiện vẫn đang thu hút nhiều người đến thăm và đây chính là điểm nhấn, là hình mẫu theo hướng phục vụ du khách tại cộng đồng cho các địa phương khác học tập, làm theo.
Bà Lò Thị Huân - Bí thư Đảng ủy thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Xây dựng làng du lịch cộng đồng sẽ đem lại sự đổi thay theo hướng tích cực đối với các làng bản, nhận thức của cán bộ và người dân về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng từng bước sẽ được nâng lên. Người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, ý thức bảo tồn văn hóa, bảo vệ tài nguyên du lịch được hình thành và củng cố. Qua đó, nhiều gia đình có thể chủ động và tham gia hiệu quả vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương như: cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ và đón khách du lịch thăm quan, lưu trú; nâng cao ý thức sống vệ sinh, các công trình vệ sinh sẽ được xây dựng thay thế cho công trình vệ sinh truyền thống; người dân sẽ chú trọng giữ gìn và làm đẹp cảnh quan làng bản".
Phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững và hiệu quả, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, Yên Bái cần phải có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới như: lựa chọn, quy hoạch và phát triển các làng du lịch cộng đồng có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn, an ninh để đầu tư xây dựng; nâng cấp hạ tầng cơ sở, chú trọng đến các điểm, các làng bản nằm trong tuyến du lịch chính của tỉnh; có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên và nhân viên phục vụ tại các thôn bản; đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người.
Tại đây, các hộ dân được hỗ trợ, tập huấn kỹ năng giao tiếp, tổ chức vệ sinh nhà ở và thành lập các đội văn nghệ thôn, bản, sẵn sàng biểu diễn phục vụ khi du khách có nhu cầu. Bên cạnh đó, khuyến khích các hộ dân bảo tồn và phát triển một số ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thủ công, mây tre đan…
Hoàn thiện chiến lược tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch sinh thái tại cộng đồng tạo điều kiện cho du khách khám phá bản sắc văn hóa phong phú trong cảnh tự nhiên nguyên sơ của các bản làng cũng như góp phần giữ gìn, phục hồi các ngành nghề thủ công truyền thống, các nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Các địa phương tích cực chỉ đạo các xã, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp tục bảo tồn, phục dựng những nét đẹp văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, tăng cường vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên để phát triển du lịch bền vững… Đây chính là những việc cần làm ngay để du lịch cộng đồng thực sự trở thành hướng đi mới và hiệu quả.
Thiên Cầm
Các tin khác
Sau gần 3 tháng lắp đặt và vận hành thử nghiệm, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, đến nay, Thừa Thiên Huế đã hoàn tất 9 điểm wifi công cộng và đưa vào sử dụng.
Bà Yoshimi Mutu đến từ Nhật Bản, đang du lịch tại khu nghỉ dưỡng Ana Mandara (Huế) đã trở thành du khách thứ 2 triệu đến tham quan hệ thống các di tích Huế trong năm 2013.
Tiêu biểu cho kiến trúc cổ điển Pháp tại Đà Lạt không thể không nhắc đến Dinh III, một tòa dinh thự vô cùng trang nhã, gắn mình trong khung cảnh thơ mộng của đồi thông.