Năn bộp xào tép, món ăn dân dã miền Tây

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/1/2014 | 8:24:08 AM

Chỉ là loại cây hoang dại mọc trên các cánh đồng hoang hóa ngập nước, giờ năn bộp lại được dân sành ăn ở các đô thị ưa chuộng nên nghiễm nhiên trở thành đặc sản và được dân miền Tây trồng bán cho thương lái.

Đĩa năn bộp xào tép thơm ngon và hấp dẫn.
Đĩa năn bộp xào tép thơm ngon và hấp dẫn.

Mùa mưa đến, khi nước trên các cánh đồng hoang hóa hoặc vùng đất trũng ngập mặn ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... dâng cao cỡ thắt lưng, nếu chú ý quan sát dưới ruộng chúng ta sẽ thấy những vạt năn bộp mọc xanh rờn trải dài ngút mắt.

Năn bộp có cọng hình trụ, to bằng chiếc đũa, thân rỗng, suôn dài, có thể cao tới 1m, bên trong có từng vách ngăn xốp, thoạt nhìn như cọng hành. Người dân miền sông nước chỉ cần nhìn là đã có thể phân biệt với năn kim, cọng nhỏ hơn và không dùng chế biến thức ăn.

Phía bên ngoài gốc năn bộp phủ một màu vàng nâu vì nhiễm phèn, khi lột bỏ phần ngoài hiện ra phần nõn bên trong màu trắng ngà bắt mắt. Mỗi khi dùng tay vuốt nhẹ vào cọng sẽ phát ra tiếng kêu “rắc rắc” thật vui tai. Vì là loại cây hoang dại nên khi vào mùa mưa, người dân cứ việc ra đồng nhổ năn bộp về chế biến món ăn.

Theo các nhà khoa học, củ năn bộp có chứa 60% tinh bột, 7-8% protein và một lượng đường nhất định, nếu kể chung hydrat carbon có thể tới 77%. Theo y học dân gian, thân năn bộp có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, minh mục, giáng hỏa, khai vị, giải thử.

(Theo Tự điển Cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi)

Đọt năn bộp là loại rau sạch được mọi người ưa thích vì lạ miệng, giòn, có mùi thơm thoảng đặc trưng. Và từ món ăn dân dã, năn bộp giờ đã “chễm chệ" nơi các nhà hàng, quán ăn địa phương miền Tây.

Hiện nay, năn bộp được người dân nơi phố thị ưa chuộng, có giá trị kinh tế, nên nông dân bắt đầu trồng để bán cho thương lái. Giá hiện khoảng 10.000 đồng/bó.

Ngoài những món ăn truyền thống như ăn sống (chấm mắm kho, thịt kho), làm dưa (bóp giấm)... năn bộp đã được các nghệ nhân ẩm thực “nâng lên tầm cao mới” góp phần làm thăng hoa hương vị món ăn như xào thịt, trộn gỏi gà, nhúng lẩu… Nhưng món ăn đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi khi còn ở dưới quê vẫn là năn bộp xào tép.

Năn bộp mới hái đem về cắt bỏ bớt phần ngọn, lấy phần gốc từ 1-1,5 tấc trở lên. Dùng ngón tay tách nhẹ lấy phần nõn màu trắng, bỏ phần già dai, có màu xanh nhạt, cắt khúc vừa đũa gắp, rửa sạch để ráo. Kế đến, bắc chảo lên bếp phi dầu tỏi thơm cho tép cùng gia vị vào xào chín rồi mới cho năn bộp vào.

Dùng xạng đảo đều nhiều lần, khi thấy đọt năn bộp hơi mềm, nhắc xuống, cho thêm một ít hành lá xắt nhuyễn, một ít ngò rí, một chút tiêu xay cho có mùi thơm và màu sắc bắt mắt, múc ra đĩa cùng chén nước mắm chanh tỏi ớt là xong.  

Dùng đũa gắp một con tép cùng đọt năn bộp chấm vào chén nước mắm chua ngọt đưa lên miệng nhai chầm chậm. Vị ngọt, béo của tép hòa lẫn cảm giác giòn giòn và mùi thơm thoảng đặc trưng của đọt năn bộp thấm đẫm mọi giác quan. Và miếng cơm nóng vào nữa, khiến ai cũng có thể luyến nhớ mãi một món ăn dân dã nơi miền Tây thân yêu.

Nếu có dịp về đồng bằng sông Cửu Long, rong ruổi trên những cánh đồng ngập mặn còn thấm đẫm mùi hoang dã, bạn hãy thử một lần khám phá món ăn dân dã nhưng không kém phần quý hiếm này...

(Theo TTO)

Các tin khác
Thanh niên người Mông tham gia lễ hội Vỗ mông

Hội diễn ra tại xã Lũng Pù đã thu hút được đông đảo bà con nhân dân và du khách đến tham gia và thượng ngoạn.

Một bữa cơm tiếp khách với những món ăn độc đáo của người Tày xã Đông Cuông (Văn Yên).

YBĐT - Người Tày với truyền thống trồng lúa nước, thêm nghề trồng bông dệt vải thổ cẩm, họ sống với nhau trong một gia đình có nhiều thế hệ, có gia đình có tới 4 thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Khởi nguồn từ thực tế xa xưa tự cung, tự cấp, tự sản, tự tiêu nên người Tày có bản sắc văn hóa cũng như văn hóa ẩm thực riêng biệt không giống như dân tộc khác.

Một nghi lễ cúng của người Mông trong ngày Tết.

Theo phong tục người Mông, ngày mùng Một chỉ đi chúc Tết, uống rượu và đặc biệt kiêng kỵ việc tiêu tiền.

Cồn Phú Đa là một trong hàng trăm cồn ở Bến Tre, nhưng nơi đây trở nên đặc biệt hơn khi là nơi sinh sống của loài ốc gạo. Ốc gạo Phú Đa nổi tiếng thơm ngon vì độ giòn và béo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục