7 lễ hội độc đáo đầu xuân 2014 ở miền Bắc
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/1/2014 | 8:20:31 AM
Du xuân ở miền Bắc không chỉ là để thưởng thức không khí Tết se lạnh mà còn được thưởng lãm nhiều lễ hội truyền thống độc đáo.
|
Miền Bắc là cái nôi của cội nguồn văn hóa dân tộc. Mảnh đất trải qua mấy ngàn năm lịch sử còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều giá trị thiên nhiên và nhân văn vô cùng phong phú. Hàng năm, nơi đây thường diễn ra rất nhiều lễ hội, từ những lễ hội nhỏ như làng, xã, lớn hơn thì có đình, đền và đặc sắc nhất là các lễ hội cấp quốc gia.
1. Hội Cổ Loa
Lễ hội Cổ Loa là một trong những lễ hội tiêu biểu của đất nước, tưởng nhớ và suy tôn An Dương Vương Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Lễ hội Cổ Loa diễn ra tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, từ ngày 6 đến 16 tháng Giêng Âm lịch. Không chỉ có các nghi lễ tế, rước truyền thống, lễ hội Cổ Loa còn tưng bừng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đánh đu, đấu vật truyền thống, hát quan họ trên thuyền, bên giếng Ngọc trước cửa đền Thượng...
Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ 6 đến 16 tháng giêng để tưởng nhớ An Dương Vương.
2. Đến hội Lim và đền bà chúa Kho
Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vào 8h sáng, hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần cây số. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Hội thi hát được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ xúng xính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội hội Lim.
Lễ hội Lim nổi bật với dân ca quan họ ngọt ngào.
Hội đền Bà Chúa Kho diễn ra vào 15 tháng giêng tại làng Cổ Mễ, một làng ven chân núi Kho, nằm bên bờ sông Cầu, thuộc phường Vũ Minh, TP Bắc Ninh. Hàng nghìn du khách thập phương đổ về đây dự hội dâng hương, oản quả lên đền Bà Chúa kho để cầu tài, lộc .Ngôi đền nổi tiếng này được những người làm ăn kinh doanh hay lui tới vào dịp đầu năm để “vay tiền” Bà Chúa Kho làm ăn và trả lễ vào cuối năm...
3. Hội Gióng Phù Đổng
Lễ hội kéo dài từ mùng 6 - 12 tháng 4 Âm lịch
Hội Gióng Phù Đổng là hội làng truyền thống tưởng nhớ công đức của vị Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), được tổ chức thường niên tại xã Phù Đổng, huỵện Gia Lâm, Hà Nội, nơi sinh ra người anh hùng huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương”. Đây là một lễ hội đặc sắc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Hội Gióng Phù Đổng tái hiện cảnh đoàn quân Thánh Gióng xuất thân từ những người dân lam lũ đứng lên đánh giặc Ân đến từ phương Bắc, bảo vệ bờ cõi khi bị xâm lăng.
Lễ hội Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Bà Katherine Muller – Marin, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đánh giá: Hội Gióng đã ăn sâu trong đời sống của các cộng đồng dân cư vùng châu thổ sông Hồng như một phần bản sắc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một dòng chảy liên tục. Việc ghi danh Hội gióng vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, sẽ góp phần thúc đẩy tính sáng tạo của con người và thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể nói chung.
4. Lễ hội Chùa Hương
Đã thành thông lệ, cứ vào những ngày đầu năm mới, hàng triệu Phật tử và du khách từ bốn phương lại nô nức kéo về trẩy hội Chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), về với miền đất Phật, nơi Quan Thế Âm Bồ Tát tu hành để dâng lên Người nén hương cùng lời nguyện cầu cho một năm mới bình an.
Ngày mồng 6 tháng Giêng được coi là ngày khai hội Chùa Hương, và lễ hội được kéo dài cho đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch. Tất cả đền, chùa, đình, miếu thời gian này đều nghi ngút khói hương, cùng với màn sương dày đặc phủ kín núi rừng, càng khiến ta có cảm giác như lạc vào cảnh tiên cõi Phật.
Lễ hội chùa Hương - hành hương về miền đất Phật với lời nguyện cầu bình an trong năm mới.
Vào ngày khai hội, người dân thường tổ chức rước thần ra đình. Cờ trống đi trước, dàn nhạc bát âm theo sau, mọi người thành tâm tiễn thần. Không khí đó làm tâm hồn mỗi người được sảng khoái, thanh tịnh. Còn trong suốt những ngày hội, từng đoàn người trẩy hội vào ra, kẻ đi lên, người đi xuống, dù quen hay không quen cũng vui vẻ chào nhau: “Nam mô A di đà Phật”, như gửi gắm lời chúc bình an trong năm mới.
Trên sông nước, hàng trăm con thuyền tấp nập vào ra. Đây là nét độc đáo của lễ hội Chùa Hương khi những du khách được hưởng thú vui ngồi trên thuyền, hòa mình vào sông nước mênh mông, ngắm cảnh núi non tiên bồng.
Đến với lễ hội này, ngoài lênh đênh trên sông nước, du khách còn có một hành trình leo núi thăm các hang, động, vãn cảnh chùa chiền. Bởi vậy, dù một vài năm gần đây, tuy đã có cáp treo giúp đi lại thuận tiện, nhanh chóng nhưng Phật tử bốn phương dù mệt vẫn muốn tự mình leo núi, một là để thể hiện sự thành tâm hướng Phật, hai là được ngắm cảnh núi sông, hòa mình vào không khí ngày hội.
5. Lễ hội ở đền Trần (Nam Định)
Lễ hội ở đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Năm nay, lễ hội đền Trần sẽ phát ấn trong vòng 3 ngày 15, 16 và 17 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm).
Người ta đến đền Trần để xin ấn mong thăng tiến trong nghề nghiệp.
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.
6. Lễ hội Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh)
Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).
Hàng năm, tới dịp lễ hội, hàng nghìn du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) từ sáng sớm, hăm hở leo núi để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.
Từ xưa, núi rừng Yên Tử được biết đến và ngợi ca là "phúc địa", bởi nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ, có không gian thiên nhiên bao la kỳ vĩ. Yên Tử là vùng non thiêng đại ngàn trong tâm thức của người Việt Nam, nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm, một dòng Thiền mang đậm bản sắc văn hoá, tín ngưỡng dân tộc...
Lễ hội Yến Tử mang đậm bản sắc văn hoá và tín ngưỡng dân tộc.
Khu di tích Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, Uông Bí. Đặc biệt, Chùa Đồng - "đoá sen" trên đỉnh Phù Vân chỉ "cách trời ba thước" sẽ là tâm điểm của du khách.
Yên Tử đã được đầu tư xây dựng 2 tuyến cáp treo từ chân Giải Oan lên đến chùa Hoa Yên và từ chùa Một Mái lên đỉnh An Kỳ Sinh nên việc hành hương lên đỉnh non thiêng đã rút ngắn được thời gian và sức lực cho du khách hành hương tìm về với nguồn cội. Đây là hệ thống cáp treo đạt nhiều kỷ lục về sự hiện đại, tiến độ thi công, địa hình dốc đứng và độ cao, với tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng.
Về với cõi thiêng Yên Tử, du khách cùng dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị anh hùng dân tộc, vị Vua Phật của Việt Nam, cảm nhận tấm lòng của phật tử Trúc Lâm, những phật tử nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.
Một trong những lễ hội quan trọng không thể thiếu là lễ hội Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương tại Phú Thọ. Từ xa xưa đã lưu truyền:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Gỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Bởi vậy, hàng năm cứ đến ngày 10/3 âm lịch, du khách khắp nơi lại nô nức về đây dâng hương, tạ lễ thể hiện lòng thành hướng về nguồn cội. Dù chưa phải chính hội nhưng những ngày này, hàng trăm ngàn du khách trong nước và Việt kiều.., không quản ngại đường sá xa xôi đã về Đền Hùng thắp hương, tỏ lòng biết ơn các vị vua Hùng đã có công dựng nước.
Lễ hội Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương là tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương là tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đây là Quốc Giỗ - một truyền thống không một nước nào trên thế giới có được. Lễ hội không chỉ cuốn hút du khách bởi những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc mà còn bởi tính thiêng liêng, cao cả của cuộc hành trình về với quê cha đất Tổ. Truyền thống đó đã ăn sâu vào tâm khảm, trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt: Cho dù ở bất cứ nơi đâu đều hướng về nguồn cội với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc.
Đền Hùng thực sự trở thành điểm đến không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mỗi người Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức tổ tiên.
(Theo Phụ nữ)
Các tin khác
Thành phố “hoa hồng của phương Bắc” - Chiang Mai cuốn hút du khách thập phương bởi lễ hội hoa diễn ra từ ngày 7 đến 9/2.
Các chuyên gia chiếu sáng thế giới đánh giá thiết kế chiếu sáng mỹ thuật Cầu Rồng (Đà Nẵng) là "một giải pháp đầy cảm hứng cho một công trình độc đáo".
Trong không khí xuân tràn ngập trên cao nguyên đá, các cô gái, chàng trai miền sơn cước tìm đến nhau bằng những cái vỗ mông đầy tình tứ, e lệ, để rồi nên vợ thành chồng.
Trong năm 2013, vịnh Hạ Long đã đón 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó có hơn 1,6 triệu khách nước ngoài.