Lễ hội kéo co “độc nhất vô nhị” ở xứ Kinh Bắc

  • Cập nhật: Chủ nhật, 2/2/2014 | 8:03:03 AM

Thi kéo co nhưng không dùng dây, 70 trai làng vạm vỡ nhất được tuyển chọn kỹ lưỡng, chia làm hai đội cùng căng sức kéo giữa tiếng hò reo vang dội của cả nghìn người cổ vũ.

Các trai làng Hữu Chấp trong lễ hội kéo co.
Các trai làng Hữu Chấp trong lễ hội kéo co.

Những điểm khác biệt và sự náo nhiệt của lễ hội kéo co làng Hữu Chấp (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) khiến cho đây luôn là điểm du Xuân hấp dẫn mỗi độ Tết đến Xuân về:

Mồng 4 đi hội kéo co
Mồng 5 hội Ó chẳng cho nhau về. 

Kéo co bằng… tre

Hội kéo co làng Hữu Chấp là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất của vùng Kinh Bắc, không ai biết nó bắt đầu từ khi nào. Hội được tổ chức hai năm một lần, diễn ra vào ngày Mùng 4 Tết, trong đó buổi sáng là hoạt động tế lễ, buổi chiều thi kéo co.

Tuy nhiên, trưởng thôn Hữu Chấp Nguyễn Hữu Huynh cho biết, công tác chuẩn bị cho lễ hội rất công phu và thường được diễn ra cả tháng trước Tết.

Điểm đặc biệt ở lễ hội kéo co của làng là không dùng dây mà dùng hai cây tre để kéo. Tre được chọn phải dài chừng 20m, thân thẳng, không bị kiến, không bị sâu và phải của gia đình trong năm không có tang. Để đảm bảo độ dẻo dai, dân làng Hữu Chấp thường tìm tre ở tận xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cách làng chừng 3km.

Theo anh Huynh, Ninh Sơn là vùng đồi núi, tre ở đây vì thế có độ dẻo dai hơn so với tre khu vực đồng bằng như Hữu Chấp.

Tre được cạo sạch vỏ, đục lỗ rồi lồng hai chiếc đòn gánh vào để nối hay cây lại với nhau. Muốn thêm sự chắc chắn, người dân lấy lạt quấn chặt chỗ nối rồi tết lạt lại thành hình ba con nhện, một con to ở giữa, hai con nhỏ ở hai đầu. Sau đó, tre được treo lên trước cửa đình để thờ, chờ đến ngày khai hội.

Không chỉ lựa tre, việc tuyển người tham gia kéo co cũng rất tỷ mỷ. Các trai làng phải là những người khỏe mạnh, vạm vỡ, trong gia đình không có tang (người dân gọi là không có bụi) mới được tham gia.

Có tới 70 người kéo, chia làm hai phe, phe Đông và phe Tây, mỗi bên 35 người. Đội hình kéo cũng được bố trí cẩn thận. Bốn người to khỏe nhất sẽ được chọn đứng đầu đòn gánh, những người còn lại cứ ai khỏe hơn được đứng lên phía trên, bám vào thân tre mà kéo. Tất cả đều cởi trần, đóng khố, thắt lưng nhiễu điều, đầu chít khăn lụa.

Anh Nguyễn Văn Sơn, người được chọn tham gia đội kéo năm nay vui vẻ cho biết: “Với tôi cũng như tất cả các trai tráng trong làng, được chọn vào đội kéo là một niềm vui, một vinh dự lớn.” Khuôn mặt rạng rỡ, anh Sơn không quên giới thiệu đầy tự hào: “Tôi sẽ là một trong bốn người đứng đầu đòn gánh, vị trí quan trọng của đội kéo bên Đông.”

Ước vọng mùa màng

Lễ hội được bắt đầu bằng lễ rước kiệu xuống sông để mang nước về đình làng tế lễ vào buổi sáng. Nước là thứ không thể thiếu trong đời sống hàng ngày và đặc biệt là cho sự sinh trưởng của cây lúa nên lễ rước nước thường xuất hiện ở khá nhiều lễ hội của người nông dân Việt Nam, cả ở miền xuôi và miền ngược, với ước vọng về một mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa.

Buổi chiều, sau lễ hạ dây kéo, bốn ông Hóa cầm cờ lệnh dẫn hai phe ra làm lễ thần Thành hoàng, chào dân làng. Ba hồi trống lệnh vang lên, cuộc kéo co bắt đầu. Trò kéo co diễn ra trong tiếng trống thúc vang dồn, tiếng reo hò dậy đất của người xem. Quy định là phải kéo 3 keo, bên nào kéo được 2 keo bên đó thắng. Đặc biệt, tới keo thứ 3 thì người xem được quyền vào kéo giúp.

Quan niệm của người dân cho rằng Đông là biểu tượng của hướng Mặt Trời, của mùa Xuân, của sinh sôi nảy nở và nếu bên Đông thắng, năm đó làng sẽ được mùa. Bên Tây thắng thì năm đó làng mất mùa. Vì thế, thường đến keo thứ ba, dân làng sẽ xúm vào giúp bên Đông. Bên Đông theo đó mà thắng cuộc, nhưng bên Tây không vì thế mà buồn, vì bên Đông thắng nghĩa là một năm mới sẽ no ấm hơn.

Theo truyền thống, kết thúc trò kéo co sẽ có màn đốt pháo. Tiếng pháo cũng là biểu tượng cho việc cầu mùa màng bội thu bởi người ta quan niệm tiếng pháo cũng như tiếng sấm “lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”.

Không chỉ mang đậm nét văn hóa lúa nước, lễ hội kéo co Hữu Chấp còn gắn với đặc điểm nghề nghiệp riêng có của làng từ thời xa xưa. Hữu Chấp nằm nép mình bên dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy. Theo các cụ cao niên trong làng, khi xưa, các đinh tráng trong làng thường làm nghề kéo gỗ thuê ở các bến sông. Công việc nặng nhọc ấy đã được người dân ước lệ hóa thành trò chơi kéo co.

Bên cạnh hoạt động này, lễ hội làng Hữu Chấp cũng có hát quan họ giao duyên, đặc sản đặc trưng của chiếc nôi quan họ kinh Bắc.

Theo ông Lê Danh Khiêm, nguyên Trưởng ban nghiên cứu văn hóa quan họ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, hội kéo co làng Hữu Chấp là một trong những lễ hội cầu mùa đặc trưng, tiêu biểu của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng lúa nước sông Hồng. Đây vừa là cơ hội để người dân rèn luyện thân thể, vừa gửi gắm ước vọng một năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, vừa mang lại niềm vui, không khí náo nhiệt mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Có lẽ bởi thế nên hội luôn thu hút sự tham gia của hàng nghìn người tứ xứ. Còn với dân làng Hữu Chấp, trưởng thôn Nguyễn Hữu Huynh cười tươi nói: “Hội là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là niềm tự hào của chúng tôi, để dù đi bất cứ đâu vẫn nhớ: Mồng 4 đi kéo co/ Mồng 5 hội Ó chẳng cho nhau về”.

(Theo TTXVN)

 

Các tin khác

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2014 sẽ được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 13 - 22/2 (tức ngày 14 – 23 tháng Giêng âm lịch).

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai dự lễ thông hầm qua núi gói thầu A6 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn địa phận huyện Văn Yên.

YBĐT - Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án trọng điểm quốc gia, nằm trong chương trình hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về xây dựng và phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm. Tuyến đường đi qua 5 tỉnh, thành là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Dự án được khởi công từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm nay 2014.

Cách thành phố Thanh Hóa hơn 200 km về phía Tây, chợ Na Mèo (gần cửa khẩu quốc tế Na Mèo, huyện Quan Sơn) là khu chợ biên giới độc đáo nhất xứ Thanh. Mỗi tuần, chợ được tổ chức một lần vào thứ bảy. Phiên đông người và kéo dài nhất chính là ngày thứ bảy cuối cùng trong năm. Hầu hết người đến chợ là cư dân các bản người Mông, Dao Thái ở huyện biên giới Quan Sơn và người dân Lào.

Chợ Na Mèo (Thanh Hóa) mang đậm bản sắc của một phiên chợ quê, với hàng hóa chủ yếu là các sản vật trong vùng như lợn cắp nách, gà mông, ngô nếp nương...

Đúng 19h tối 28/1 (28 tháng chạp Âm lịch), đường hoa Nguyễn Huệ 2014 mang chủ đề “TPHCM - Thành phố tôi yêu” đã chính thức được khai mạc và mở cửa chào đón du khách tham quan trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục