Lễ hội Xên đông ở Mường Lò
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/2/2014 | 2:16:11 PM
YBĐT - Mỗi độ xuân về, người Thái Mường Lò (Yên Bái) lại tưng bừng tổ chức các lễ hội mang đậm nét bản sắc dân tộc mình như: Lễ hội Lồng tồng, Xên mường, Xên bản… với mong muốn một năm mới tốt lành, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc. Và xuân Giáp Ngọ năm nay, người Thái ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn lại rộn ràng tổ chức lễ hội Xên đông – lễ hội “Cúng rừng”.
Thực hiện nghi lễ cúng thần rừng.
|
Là những cư dân nông nghiệp lúa nước sống ở vùng bán sơn địa, người Thái hiểu rất rõ vai trò của rừng đầu nguồn đối với cuộc sống và mùa màng. Có thể nói, rừng góp phần nuôi sống con người và đến khi theo quy luật của tạo hóa, mỗi người qua đời, rừng lại đón về ấp ủ như người mẹ. Người Thái có câu “Tai pá phăng, nhăng pá liệng” có nghĩa là: “Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”.
Vì vậy, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người và đã trở thành lệ của bản mường – “hịt khong bản mường”. Người Thái nơi đây, đời này sang đời khác vẫn nhắc nhau: Giữ rừng cho muôn đời phát triển, để cho muôn mó nước tuôn trào. Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người.
Bởi vậy, ngay sau lễ khai mạc, mọi người cùng hướng về khu rừng Pu Loong “đồi rồng” nơi có cây co lông (cây cổ thụ) thực hiện nghi lễ cùng rừng. Lễ vật cúng tế gồm: 1 con trâu, gà, vịt, rượu, hương, hoa quả, bánh chưng, bánh dày, trứng gà, vịt, giấy màu đỏ, màu xanh, màu đen… thể hiện cho mọi ước mong của con người; một áo của tạo mường (người có chức sắc trong xã).
Theo quan niệm của người Thái, khi cúng Xên đông, áo của tạo mường sẽ là cầu nối giữa thế giới hiện tại (trần gian) với mường phi (ma mường – có 3 mường) nhằm kính báo với các phi những gì cuộc sống dưới trần gian đang có.
Sôi nổi trò chơi dân gian trong phần hội.
Buổi cúng lễ Xên đông giống như một cuộc trao đổi, chuyện trò giữa 3 thầy mo và các phi. Các thầy mo sẽ lần lượt hỏi ý kiến các phi về những việc cần làm và không cần làm… Nếu các phi đồng ý thì hai đồng tiền xu sẽ có một mặt sấp và một mặt ngửa, không đồng ý có thể cả hai đồng cùng sấp. Còn các phi cho rằng đó là điều sai phạm, không đồng ý sẽ rất tức giận có khi hất tung đồng xu xuống nền và như vậy, các thầy mo và đồng bào phải xin và hỏi nguyên do, đến khi nào các phi đồng ý thì các nghi lễ cúng tế tiếp theo mới được thực hiện…
Thầy mo Lò Văn Phong - người được đồng bào người Thái nơi đây rất tôn kính, là người đại diện cho tiếng nói của họ đối với các phi cho biết: “Tục cúng Xên đông đã có từ rất lâu đời. Tôi biết các thủ tục trong lễ cúng tế bởi cha tôi và một người thầy truyền lại. Đối với người Thái nói chung và người Thái ở Hạnh Sơn nói riêng, rừng, đặc biệt là rừng thiêng có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống và tâm linh.
Đó là những cánh rừng đầu nguồn bảo vệ cho bản mường luôn mát lành với những mó nước tuôn trào, cung cấp cho con người bao sản vật quý. Những khu rừng thiêng còn là những cánh rừng để cúng tế (đông xên), rừng nghĩa địa chôn cất những người quá cố (đông pá heo), còn rừng cấm, rừng kiêng, rừng linh thiêng (đông căm) chỉ để thờ cúng…
Vì vậy, người Thái chúng tôi phải biết trân trọng, kính trọng rừng thì rừng mới đem lại cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt, gia đình hạnh phúc và đặc biệt không bị thiên tai, lũ lụt vì đã có rừng chở che”. Bên cạnh đó, những khu rừng thiêng của dân tộc Thái tuy có mang những yếu tố huyền bí, tâm linh nhưng đằng sau sự thần thánh hóa ấy là thái độ sống và bảo vệ rừng cụ thể bằng những luật tục bất di bất dịch từ ngàn đời nay…
Sau khi lễ hội tế rừng xong, tất cả mọi người cùng hướng về nhà văn hóa và thành Viềng Công ở thôn Phai Lò thắp hương tưởng nhớ công ơn của các vị tướng ngày xưa bị giặc Cờ Vàng giết hại…
Phần lễ kết thúc là lúc phần hội bắt đầu. Từ người già đến trẻ nhỏ cùng nhau hướng ra sân đình của xã tổ chức các trò chơi dân gian, dân vũ đặc trưng cho nét đẹp văn hóa của người Thái vùng Mường Lò.
Trần Ngọc
Các tin khác
Trong bốn cực của lãnh thổ Việt Nam, cực Tây A Pa Chải nằm trong địa phận tỉnh Điện Biên được xem là điểm khó chinh phục nhất.
YBĐT - Trong hành trình tâm linh trên thành cổ Tuyên Quang, người ta không thể bỏ qua Đền Mẫu Thượng, ngôi đền cổ nổi tiếng linh thiêng nằm soi mình bên dòng sông Lô lịch sử thơ mộng, phong cảnh hữu tình...
Sẽ không có gì hấp dẫn hơn trong những ngày gió lạnh khi được xuýt xoa vị ốc xào dừa, me, xả ớt hay chỉ đơn giản là luộc ăn cùng thứ nước chấm chua cay.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản.