“Phố” lạp xưởng đón tết

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/2/2015 | 2:02:28 PM

YBĐT - Cứ vào dịp giáp tết khoảng 3 tháng, người dân ở tổ 27 – đường Bùi Thị Xuân – phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái lại bận rộn với công việc chế biến lạp xưởng. Đã từ lâu nơi đây là địa điểm chế biến và cung cấp lạp xưởng cho các đại lý lớn, nhỏ, các cơ quan, đoàn thể cũng đặt và mua để làm quà biếu gần xa...

Khu phố lạp xưởng phường Hồng Hà này được vận hành đến nay đã được gần 10 năm và được rất nhiều người tiêu dùng tin cậy về chất lượng của món ăn. Cả phố có khoảng 15 hộ gia đình làm nghề này, ban đầu chỉ làm nhỏ, lẻ theo hình thức tự phát, về sau do uy tín về chất lượng và nhu cầu của người tiêu dùng mà nghề này ngày càng  phát triển và chuyển dần sang hình thức chế biến, cung cấp lạp xưởng cho người dân thành phố Yên Bái, thậm chí là các tỉnh, thành vùng xuôi và một số siêu thị trong nước. 

Lạp xưởng là món ăn ngon được người dân làm để ăn quanh năm, song trong những ngày tết không thể thiếu món đặc sản này, họ đặt làm trước Tết vài ba tháng, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, để quanh năm không hỏng, ăn quanh năm lúc nào cũng ngon. Nếu ai ko thích mùi vị của nó thì có thể sẽ không động đũa, nhưng ai mà đã “nghiền” món ăn này thì ăn mãi cũng không thấy chán.

Để có thể cho ra một sản phẩm ngon phải qua rất nhiều công đoạn, những người làm nghề phải thật cẩn thận, tỷ mỉ. Có thể nói, bí quyết làm lạp xưởng là bí quyết của người có nghề, mỗi một khâu làm là phải có bí quyết riêng. Khâu quan trọng nhất đó chính là khâu chọn và mua nguyên liệu, nghe có vẻ đơn giản nhưng mua nguyên liệu làm sao cho thịt tươi, ngon, lòng làm sao phải nhỏ, mỏng, dai, kinh nghiệm này phải là người làm nghề lâu năm mới biết được. Lòng lợn để làm lạp xưởng phải là lòng non, lòng được rửa thật sạch bằng rượu trắng, nhân làm lạp xưởng là thịt thăn, nạc vai hoặc nạc mông, những phần ngon của con lợn. Thịt được thái nhỏ như  hạt lựu được và tẩm ướp với gia vị. Gia vị đặc biệt mà người có kinh nghiệm chế biến không thể thiếu một loại rượu được ngâm 5 loại hoa, quả tạo mùi thơm đặc biệt cho nhân lạp xưởng. Nhân được nhồi vào khúc ruột sao cho chặt, song khúc lạp xưởng phải giữ được tròn đều và căng mọng.

Theo người dân trong phố chia sẻ, trước kia thường phải làm gia công nhồi bằng tay nên năng suất không được cao, bây giờ sử dụng bằng máy, nên rút ngắn được thời gian, sản phẩm đạt năng xuất hơn. Lạp xưởng nhồi căng, độ dài của mỗi lạp xưởng tùy theo độ dài của lòng non mà khi nhồi đảm bảo không bị vỡ, thường người ta để độ dài khoảng 20 – 30 cm, sau đó đem treo lên lò hun trong khoảng 2 ngày.

Món ăn đặc biệt tất nhiên cách thức làm cũng đặc biệt không kém, hun lạp xưởng luôn phải để lửa nhỏ, củi hun phải là củi của cây quế thì lạp xưởng mới được thơm, ngon. Sau khi hun xong, đưa sản phẩm ra lau qua rượu rồi lại cho qua lò 10 – 15 phút để rượu được ngấm vào miếng lạp xưởng, tạo màu hồng trông hấp dẫn hơn. Khi sản phẩm ra lò, khúc lạp xưởng phải mỏng, trong và rắn mới đạt yêu cầu.

Lạp xưởng được bán ra với giá 250.000 đồng/1 kg, giá thành rất hợp lý đối với một sản phẩm chất lượng như thế này. Khi hỏi về vấn đề an toàn thực phẩm, gia đình ông, bà Tuyết – Lịch, một trong những hộ làm lạp xưởng lâu năm và có uy tín cho biết: “Thật ra để làm được ra một mẻ lạp xưởng thơm, ngon cũng vất vả lắm, 2 ngày mới được 1 mẻ, bắt đầu đưa vào lò từ sáng sớm hôm trước, đến 10 giờ đêm hôm sau mới được ra lò. Về an toàn thực phẩm, thực chất chưa có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng, song chúng tôi bằng lương tâm của mình”.

Nói về lương tâm, bà Tuyết cũng chia sẻ thêm: “ Làm lạp xưởng này phải thật tỷ mỉ từng công đoạn, vệ sinh sạch sẽ, tẩm ướp gia vị đúng cách thì mới ra được đúng vị của món ăn đồng thời, thời gian bảo quản cũng được lâu, chính vì vậy nên gia đình tôi rất được sự tín nhiệm của những khách quen, hay cả khách phương xa cũng tìm đến để mua …”. Bà Vân cũng là một người làm nghề cho biết: “ Nhờ làm nghề này mà đời sống của gia đình tôi được cải thiện rất nhiều…”.

Sản phẩm mang đi xa được đóng gói và hút chân không trong túi nilon, đảm bảo vệ sinh và thời gian sử dụng. Người dân ở phố lạp xưởng mong muốn món ăn của họ được vươn xa ra thị trường trong nước, để người tiêu dùng khắp nơi được  biết đến món đặc sản ngon do chính tay họ chế biến.

Để mâm cơm ngày cái tết có thêm món ăn ngon, lạ, lại an toàn, những người nội trợ của gia đình có thể nên tìm cho gia đình mình những nơi mua, bán đồ ăn uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phố lạp xưởng phường Hồng Hà này chắc chắn sẽ là điểm cung cấp uy tín cho người tiêu dùng.

Hải Hà

Các tin khác

Nghi thức khai đao chém lợn giữa sân đình vẫn được giữ nguyên như mọi năm, du khách trẻ em không bị hạn chế vào xem.

YBĐT - Nhắc đến Yên Bái, ta nhớ đến Hồ Thác Bà – nơi được ví như Vịnh Hạ Long trên núi với những đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình...

Chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 22/2 (tức mùng 4 Tết) hàng vạn lượt du khách thập phương tấp nập về chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn cầu quốc thái dân an, năm mới an lành, nhiều may mắn.

YBĐT - Thịt dê có thể chế biến thành nhiều món ăn, mới nghe qua đã hấp dẫn như dê tái chanh, xào lăn, áp chảo, chiên xù, bóp thấu, hấp cách thủy, hầm rượu vang, nướng ngũ vị, nấu cà ri, sốt vang, chao dầu… Không chỉ thơm ngon, thịt dê còn là một vị thuốc quý, được ghi trong các sách Đông y với tên là dương nhục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục