Tin một khởi đầu trọn vẹn

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/3/2015 | 2:51:54 PM

YBĐT - Theo chu kì vận hành của vũ trụ, mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc khiến con người ta tin tưởng rằng mùa xuân là mùa diệu kì nhất có thể xóa đi mọi lo toan muộn phiền của đời thường để bắt đầu một năm mới. Các lễ hội mùa xuân là nơi không gian văn hóa mà ở đó mọi người được bình đẳng thể hiện lòng thành và ước vọng những điều tốt đẹp nhất cho năm mới.

Lễ “Cầu cơm mới” tại lễ hội đền Đông Cuông.
(Ảnh: Ngọc Đồng)
Lễ “Cầu cơm mới” tại lễ hội đền Đông Cuông. (Ảnh: Ngọc Đồng)

Yên Bái là tỉnh có nhiều hoạt động lễ hội truyền thống nên mỗi dịp xuân về, người dân nô nức chuẩn bị, vui xuân, vui hội không quên những tiết lễ truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của người dân bản địa.

Khác với những năm trước, lễ hội đền Đông Cuông năm nay được tổ chức chỉ sau lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập huyện Văn Yên có hai ngày. Niềm vui trong niềm vui và sự hân hoan được nhân đôi. Những ngày này, không chỉ xã Đông Cuông mà khắp các vùng trong huyện người dân đã nô nức chờ đón lễ hội - tiết lễ quan trọng trong năm với lễ Mẫu và rước Mẫu. Bà Vũ Minh Huê - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Công tác chuẩn bị cho lễ hội đền Đông Cuông được triển khai từ trước tết Nguyên đán. Cùng với đó, người dân trên địa bàn xã hiểu rõ ý nghĩa và trách nhiệm của mình nên rất tích cực tham gia công tác chuẩn bị cho lễ hội. Do vậy, Ban tổ chức lễ hội hoàn tất công tác chuẩn bị từ rất sớm. Đặc biệt, năm nay trước lễ hội có lễ kỷ niệm 50 năm thành lập huyện Văn Yên - một sự kiện quan trọng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, do đó không khí lễ hội sẽ đến sớm hơn, người dân vô cùng phấn khởi, háo hức”.

Từ thị trấn Mậu A đi Đông Cuông, đâu đâu chúng tôi cũng cảm nhận không khí nô nức của người dân đón chào hai sự kiện quan trọng của địa phương. Cờ hoa rực rỡ, đường làng ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, những cây xanh mới được trồng từ lễ ra quân Tết trồng cây đầu xuân đang lên xanh, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ. Dưới ruộng đồng, mạ đang ra ruộng, không khí cũng rộn ràng không kém.

Chị Hoàng Thị Sinh - thôn Cầu Có, xã Đồng Cuông vừa nhanh tay làm mạ vừa chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng cấy xong sớm để dự ngày khai hội. Năm nào tôi cũng đi rước, xin Mẫu phù hộ cho mùa màng tươi tốt, gia đình mạnh khỏe, an vui”. Từ thửa ruộng bên, anh Hoàng Văn Quý, cùng thôn với sang: “Năm nay có cả chọi trâu, đấy các bác ạ. Hôm trước em thấy xã san gạt một bãi đất lớn lắm gần khu vực nhà đền để làm sới. Lễ hội năm nay sẽ vui lắm đây!”. Những câu chuyện chờ đón lễ hội Đền Đông Cuông của những người nông dân như tiếp thêm cho họ niềm tin một vụ mùa bội thu nữa.

Đường vào đền Đông Cuông thẳng tắp, sạch sẽ. Cận kề ngày lễ chính, Chủ tịch UBND xã Cao Mạnh Khởi trực tiếp đi kiểm tra các phần việc, nhiệm vụ cho ngày khai hội. Anh cho biết: “Công tác chuẩn bị vệ sinh môi trường, an ninh trật tự của xã đã được đảm bảo cho ngày lễ hội chính. Sau tết Nguyên đán, xã đã yêu cầu ngày nào cũng có hai công an xã trực 24/24h tại đền, phối hợp với nhân viên bảo vệ nhà đền giữ gìn trật tự. Đến ngày hội chính sẽ huy động cả lực lượng dân quân tự vệ tham gia. Đặc biệt, xã không để tình trạng ăn xin, ăn mày làm mất mỹ quan nơi cổng đền”.

Dự kiến lượng khách đến với lễ hội năm nay sẽ tăng đột biến bởi đường giao thông đi lại đã rất tốt và thuận tiện. Lường trước điều này, chính quyền xã đã kiểm tra, xem xét, dự kiến nơi lưu trú cho khách. Chủ tịch Cao Mạnh Khởi cho biết thêm: “Ước năm nay lượng khách đến với lễ hội trên 3 vạn. Bên cạnh sự hỗ trợ về chỗ ở cho khách của những nhà nghỉ, khách sạn tại thị trấn Mậu A, xã cũng có những nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, những nhà nghỉ nhà sàn thời vụ và đặc biệt chúng tôi sẽ thu hút khách vào làng du lịch cộng đồng thôn Cầu Có mới được ra mắt năm 2014. Hiện nay có 4 hộ nhà sàn rộng, có thể phục vụ du khách dịch vụ ăn, nghỉ. Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng như vậy, chúng tôi tin tưởng sẽ đáp ứng được nhu cầu của du khách”.

 

Một giá hầu đồng tại đền Đông Cuông trước lễ chính.

Đền Đông Cuông những ngày này đã tấp nập, nhộn nhịp lắm rồi. Hầu như ngày nào đền cũng có đoàn hầu, tế. Những khúc nhạc lúc trầm lúc bổng, lời hát văn ngẫu hứng, kể chuyện vang lên giữa tiết xuân càng làm cho lễ hội mùa xuân thêm phần tươi vui nhộn nhịp. Trong tiếng nhạc rộn rã, tiếng nguyện cầu cho một năm an lành của du khách thập phương, ông Nguyễn Đức Thọ - Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban quản lý di tích đền Đông Cuông - người rất tận tâm với công việc trông nom, lưu giữ, phục dựng di tích đền, chia sẻ: “Mọi công đoạn, thủ tục, lễ lạt cho phần lễ đã được nhà đền chuẩn bị chu đáo. Một đội tế với 18 trai chay và 12 nữ tịnh đã sẵn sàng cho tiết lễ chính. Đặc biệt, “ông trâu” trắng tế năm nay rất đẹp, được chọn lựa rất kĩ càng với xoáy chính giữa đầu, lông trắng tinh, bóng mượt, da hồng hào”. Chưa được tận mắt nhìn thấy “ông trâu” tế, chỉ nghe qua lời miêu tả của ông Thọ, chúng tôi tin chắc rằng, lễ hội đền Đông Cuông sẽ thành công, thỏa được ước nguyện của người dân về một năm mới bình an, hạnh phúc.

Chưa vào chính hội, nhưng khách thập phương đã đổ về với Đông Cuông để cầu an cho năm Ất Mùi. Chị Nguyễn Thu Vân ở Võng La, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: “Tôi đã được nghe tiếng đền Đông Cuông rất linh thiêng. Đây là lần đầu tiên tôi đến. Tôi thấy không cảnh thật yên bình, cho một cảm giác thanh thản. Các dịch vụ giá cả phải chăng. Điều tôi rất ấn tượng là ở đây không có người ăn xin, ăn mày nơi cổng đền. Chắc chắn năm sau tôi sẽ đến vào lễ chính vì tôi nghe nói có phần tế trâu và nhiều trò chơi dân gian truyền thống của vùng”.

Còn bác Nguyễn Đức Tân - xã Xuân Ái tới đền đặt lịch tế Mẫu phấn khởi cho biết: “Nhà đền sắp cho đội tế của Xuân Ái vào ngày 11Âm lịch. Chúng tôi mừng lắm. Năm nào chúng tôi cũng xuống đây tế Mẫu, tỏ lòng biết ơn Mẫu, cầu cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, bình an”.  Anh Phạm Văn Hiển - quận Lê Chân - thành phố Hải Phòng chia sẻ: “Mấy năm rồi tôi không có điều kiện lên đây. Hôm nay trở lại tôi thấy đền khang trang, rộng rãi, đẹp đẽ hơn rất nhiều. Đặc biệt ở đây không có dịch vụ đổi tiền lẻ theo kiểu 10 ăn 7 hay 10 ăn 8”.

Đúng vậy! Thực hiện nghiêm túc Nghị định của Chính phủ về việc nghiêm cấm dịch vụ đổi tiền lẻ trong các lễ hội, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là những hộ kinh doanh dịch vụ phục vụ lễ hội thực hiện nghiêm túc điều này. Trong ngày gần kề lễ hội chính, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái chủ trì đã kiểm tra tại đền Đông Cuông. Ông Đinh Trọng Giang - Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Qua kiểm tra các hộ kinh doanh dịch vụ xung quanh đền, chúng tôi không phát hiện hộ kinh doanh nào vi phạm”.

Chính thức khai mạc vào 19h30 ngày 3/3/2015 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Ất Mùi), lễ hội đền Đông Cuông  sẽ mở màn cho loạt lễ hội mùa xuân 2015 của tỉnh như Thác Bà, Nam Cường, Đại Cại... Một khởi đầu trọn vẹn ở Đông Cuông hứa hẹn lễ hội mùa xuân của tỉnh Yên Bái sẽ tươi vui, lành mạnh, ước nguyện một năm an khang - thịnh vượng cho mọi người, mọi nhà.

Thanh Ba - Hoài Anh

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Thăng Bình nhận Bằng xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội rước Cộ Bà Chợ Được.

Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được nhằm tưởng nhớ công đức của người sáng lập Chợ Được, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình.

Các liền anh, liền chị của Hội Lim.

Hôm nay (2/3 - 12 tháng Giêng), Hội Lim - một trong những lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc sẽ khai hội.

Đoàn rước kiệu Ngọc Lộ rước chân nhang từ chùa Phổ Minh quay về Đền Trần.

Sáng 1/3, tại Khu di tích Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, Ban tổ chức lễ hội khai ấn Đền Trần năm 2015 đã cho phục dựng lại nghi lễ “rước kiệu Ngọc Lộ”.

Hội Xuân Yên tử năm nay sẽ có nhiều điểm mới

Lá cờ phật giáo này có chiều dài 25,58m, chiều ngang 20m, nặng 60kg, được may bằng vải 5 sắc được coi là một trong những điểm nhấn thú vị của Hội xuân Yên Tử 2015. Hội xuân Yên Tử 2015 sẽ khai hội vào ngày 10 tháng Giêng (tức thứ 7 ngày 28-2).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục