Tưng bừng Lễ Mẫu Đền Đông Cuông

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/3/2015 | 7:46:28 PM

YBĐT - Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2009. Lễ mổ trâu trắng tế Mẫu là một lễ hội đặc sắc trong nghi thức Lễ Mẫu của đền. Lễ được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm mới. Nghi thức mổ trâu tế Mẫu được thực hiện vào thời khắc sang canh (0 giờ) của ngày Mão. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc, riêng có ở địa phương này.

Toạ lạc bên bờ sông Hồng hiền hoà thuộc địa phận thôn Cầu Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái), từ lâu đền Đông Cuông đã nổi tiếng là ngôi đền tôn nghiêm còn nguyên giá trị lịch sử và trở thành điểm đến của đông đảo du khách thập phương trong hành trình tâm linh cầu tài cầu lộc đầu xuân. Ngôi đền hiện vẫn còn lưu giữ  được những giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày Khao.

Đây là nghi thức dâng hương trước khi nhiều nghi lễ quan trọng khác trong trong Lễ tế Mẫu được cử hành. Những người được tham gia vào nghi lễ này phải là những người được giao nắm giữ trọng trách chăm lo cho trăm dân trong vùng. Lễ vật dâng cúng trang trọng, thành kính theo lệ tục của bản đền và nghi lễ của đồng bào Tày Khao. Khác với mọi năm, Lễ mổ trâu trắng tế Mẫu của bản đền năm nay được tổ chức vào ngày Mão hai của tháng đầu tiên trong năm, tức là vào ngày mười bốn tháng Giêng.

Ông Hà Văn Giấy - Thủ từ đời thứ 5 của dòng họ Hà coi giữ Đền Đông Cuông cho hay: Theo thần tích dòng họ Hà, Đền Đông Cuông khởi đầu là miếu thờ Đông Quang công chúa do các dòng họ Hà, họ Hoàng người Tày Khao Mang sáng lập. Công chúa Đông Quang tên thật là Lê Thị Kiểm, vợ của ông Hà Văn Thiên, người Tày, hậu duệ của Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương – chủ trại Quy Hóa. Bởi vùng đất này chiếm giữ vị trí  hiểm yếu nên ông Hà Văn Thiên đã được nhà vua gả công chúa; được triều đình giao cai quản cả một vùng ngoại vi rộng lớn. Ông Hà Văn Thiên đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Nguyên Mông. Khi ông mất nhân dân lập miến thờ ở Ghềnh Ngai; vợ ông  - công chúa Lê Thị Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông và mất tại đây nên được thờ ở Đền Đông Cuông.

Đền Đông Cuông xưa kia được nhà bác học Lê Quý Đôn đặt tên là Đền Tâm linh. Đền đã được bốn đời vua sắc phong về công lao bảo vệ đất nước, che chở nhân dân là đời Vua Đồng Khánh (năm thứ 2), Tự Đức (năm thứ 33), Duy Tân (năm thứ 3), Khải Định (năm thứ 9).

Lễ hội Đền Đông Cuông là một trong những sinh hoạt văn hóa tâm linh và lễ hội tôn giáo lớn của tỉnh Yên Bái. Ngày chính lễ và càng gần đến thời khắc diễn ra nghi lễ quan trọng bậc nhất của lễ hội,  cũng là nét độc đáo, khác biệt với nhiều lễ hội khác trong vùng  - Lễ mổ trâu trắng tế Mẫu, hàng nghìn người dân trong vùng và du khách thập phương đã đổ về chật kín sân đền những mong được tận mắt chứng kiến những điều mới lạ, để thỏa lòng hiếu kỳ, một phần cũng là để thỏa nguyện sự thành tâm ngưỡng vọng đối với các đấng anh linh.

Lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương về tham quan chiêm bái

Nghi thức treo trâu được cử hành vào thời khắc sang canh của ngày Mão. Con trâu trắng này đã được chọn lựa rất khắt khe và chăm sóc rất kỹ lưỡng trước được chọn khi làm vật tế Mẫu. Trâu trắng được 7 chàng trai to khoẻ kéo lên cành mít có niên đại hàng trăm năm tuổi trước sân đền. Trâu được xoay nhiều vòng theo lời khẩn cầu bí ẩn của thầy mo cho đến khi chết và được mổ theo đúng nghi thức cúng tế xưa, rồi theo hiệu lệnh trống hội mà rước vào gian chính điện cử hành lễ tế, với ý niệm cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhân dân được thái bình, no ấm.

Lễ mổ trâu tế Mẫu diễn ra trong khoảng 3 canh giờ với sự tham gia của hàng ngàn người dân trong vùng và du khách thập phương. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng không thể thiếu để chuẩn bị cho 2 lễ hội chính của đền đó là lễ rước Mẫu qua sông và lễ dâng hương tế Mẫu được tổ chức tại miếu Ghềnh Ngai diễn ra lúc trời sáng. Đúng 8 giờ sáng ngày Mão, lễ rước Mẫu qua sông về Miếu Ghềnh Ngai gặp Đức Ông được thực hiện tuần tự theo đúng nghi thức cổ của đền. Thành kính và linh thiêng, tượng Mẫu được rước từ cung cấm ra tới bờ sông Hồng rồi trở bằng bè nứa qua sông. Ai cũng mong được chạm tay vào tượng, được chui qua bè khiêng, được sờ tay vào khăn nhiễu đỏ buộc trên ngai để mong nhận được điều may mắn, tốt lành cho cả năm.

Nghi lễ rước Mẫu qua sông

Công tác đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực chính hội cũng như các hoạt động khác của lễ hội năm nay được các ngành chức năng của tỉnh, huyện và Ban tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm. Lực lượng cán bộ chiến sỹ Công an huyện Văn Yên; cán bộ, chiến sỹ của Phòng Cảnh sát giao thông; Cảnh sát cơ động Công an tỉnh được tăng cường làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực lễ hội. Vì thế mà việc đi lại của du khách được đảm bảo an toàn; hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân quanh khu vực diễn ra lễ hội được quản lý chặt chẽ, đảm bảo môi trường lễ hội lành mạnh. Đặc biệt, một trong những chuyển biến lớn dễ nhận thấy tại lễ hội Đền Đông Cuông năm nay đó là không còn tình trạng ăn mày ăn xin, đổi tiền lẻ, hay các hình thức đánh bạc trá hình qua các trò chơi được tổ chức tại lễ hội.

Theo đánh giá của Ban tổ chức lễ hội Đền Đông Cuông thì lượng du khách đến với lễ hội đền năm nay tăng gần gấp đôi so với mùa lễ năm 2014 với khoảng gần hai mươi nghìn lượt khách. Trong đó, từ đầu Xuân Ất Mùi 2015 đến nay, trung bình mỗi ngày Đền Đông Cuông đón tiếp khoảng 1 nghìn khách du lịch trong và ngoài tỉnh hành hương chiêm bái. Một trong những lý do khiến lượng du khách tăng đó là hệ thống giao thông đường bộ nối Văn Yên với các điểm danh thắng và du lịch văn hóa tâm linh trong vùng và ngoài tỉnh đã trở nên rất thuận lợi khi mà hệ thống đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được thông tuyến; tuyến quốc lộ Yên Bái - Khe Sang được nâng cấp; đặc biệt các tuyến đường nội huyện đã cơ bản được sửa chữa nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thu hút ngày một đông khách du lịch đến với địa phương.

Lễ Mẫu  - tiệc lễ quan trọng nhất khởi đầu cho một năm mới quốc thái dân an đã khép lại trong niềm hoan hỷ, viên mãn của du khách thập phương và nhân dân trong vùng. Lễ khai hội Đền Đông Cuông chỉ diễn ra trong 3 ngày từ ngày từ ngày 2 - 4/3/2015, song các hoạt động khách hành hương chiếm bãi kéo dài suốt cả bốn mùa trong năm.


Phòng YBĐT

Các tin khác

YBĐT - Miền tây Yên Bái bao gồm huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, cửa ngõ giao thương với các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu... Nơi đây có thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, với 13 dân tộc anh em chung sống từ lâu đời, có một nền văn hóa đậm đà bản sắc.

“Cướp” ở lễ hội Gióng là một nét văn hóa có từ lâu đời và nó cũng nằm trong hồ sơ trình để UNESCO công nhận lễ hội Gióng là văn hóa phi vật thể, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí chiều 3/3.

Đồng chí Lưu Văn Đoàn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên nổi trống Khai hội Đền Đông Cuông.

YBĐT - Tối ngày 3/3, Huyện Văn Yên đã tưng bừng tổ chức Khai hội Đền Đông Cuông năm Ất Mùi 2015 tại khu quần thể Di tích lịch sử quốc gia Đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).

YBĐT – Trong không khí của những ngày đầu Xuân mới, “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, quê hương đổi mới”, đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Xuân về tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) lại tổ chức Lễ hội đền Đông Cuông, thu hút đông đảo du khách bốn phương đến chiêm bái, cầu cho quốc thái dân an, một năm mưa thuận, gió hòa…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục