Cờ người - Nét độc đáo trong các lễ hội mùa xuân

  • Cập nhật: Chủ nhật, 8/3/2015 | 5:50:31 AM

Cờ người là trò chơi dân gian mang tinh thần thể thao và tính trí tuệ, đã trở thành điểm nhấn đặc sắc ở nhiều lễ hội Xuân của Việt Nam.

Cờ người thể hiện nét văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc Việt có luật chơi của môn cờ tướng với các quân cờ do người đóng thế. Từ một trò chơi dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đến nay Cờ người đã xuất hiện ở nhiều làng, xã trên cả nước vào các dịp hội Xuân.

Không gian được chọn để chơi cờ người là những sân đất rộng như sân đình, chùa. Giống như cờ tướng, mỗi ván cờ có 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ chia làm hai đội. Những người được chọn đóng vai quân cờ đều là các nam thanh, nữ tú được dân làng yêu mến, quý trọng.

Các quân cờ đều mặc những bộ quần áo sặc sỡ, thêu biểu tượng của quân cờ mình thủ vai để dễ phân biệt, tiện cho người xem theo dõi diễn biến ván cờ. Trong đó, Tướng Ông và Tướng Bà - người đứng đầu mỗi đội có ngoại hình nổi bật nhất trong số 32 quân cờ.

Ngoài 32 người chơi trong sân cờ, Cờ người không thể thiếu Tổng Cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp Ban giám khảo theo dõi việc thắng, thua của cuộc đấu.

Hai người chơi cờ sẽ đứng trong sân trực tiếp chỉ đạo từng quân cờ di chuyển. Mỗi lần quân cờ của hai bên giáp mặt nhau, hai quân sẽ thể hiện các bài diễn song đấu hoặc tự vệ. Hấp dẫn nhất là khi trận cờ bước vào những phút cuối, khi thế trận của các “quân cờ” quyết liệt và dữ dội nhất. Cuộc đấu trí càng căng thẳng hơn khi mỗi nước cờ đều có tiếng trống thúc giục. Mỗi cuộc thi cờ là một cuộc đấu trí, đấu lực và cả tốc độ. Đến khi bên nào bị chiếu tướng (quân Tướng Ông/Tướng Bà bị quân đối phương tấn công) là thua.

Khác với không khí cổ vũ tưng bừng của các môn thể thao như bóng đá, đấu vật, khán giả của cờ người luôn cố giữ im lặng để người chơi không bị phân tán. Người xem không được nói trước, khi quân cờ đi rồi mới bình luận về nước đi và ý đồ của mỗi đội. Người chơi cờ phải bình tĩnh và chủ động, đi một nước phải tính trước 2, 3 nước tiếp theo để không bị bất ngờ trước đối thủ của mình.

Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, cờ người luôn giữ cho mình thần thái đặc trưng của một trò chơi dân gian trí tuệ. Đến với một trận cờ, mỗi người chơi được sống lại với những trận chiến oanh liệt trong lịch sử, với niềm tự hào về những chiến công hiển hách của dân tộc. Cờ người đẹp ở sự bình dị mà tinh tế, trầm tĩnh mà mang đậm nét truyền thống hào hùng của dân tộc.

Bằng sự tao nhã của mình, Cờ người đã tạo nên điểm nhấn thú vị, đậm đà nét mộc mạc của làng quê Việt trong không khí tưng bừng với sắc xuân trên mọi miền đất nước, khiến cho con người và trời đất được giao hòa, gắn kết với hi vọng bao điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

(Theo VTV)

Các tin khác
Ảnh minh họa

6 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Lâm Đồng, Quảng Trị sẽ được hỗ trợ phục dựng cho mỗi lễ hội truyền thống là 100 triệu đồng.

YBĐT - Trong hai ngày 4 – 5/3, tại huyện Lục Yên (Yên Bái) đã diễn ra vòng chung kết Hội chọi trâu truyền thống lần thứ VI năm 2015.

Lễ hội đền thờ Vua Thái Tông lần đầu tiên được tổ chức, là sự kiện văn hóa quan trọng nằm trong chương trình phát triển Du lịch năm 2015 của Sơn La.

Trong hai ngày 14-15/3 tới đây (tức ngày 24-25 tháng Giêng năm Ất Mùi), lễ hội chọi trâu huyện Phúc Thọ sẽ diễn ra tại sân vận động Trung tâm thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục