Lễ hội làng Sen - 2015: Vun đắp niềm tin lãnh tụ Hồ Chí Minh
- Cập nhật: Thứ tư, 13/5/2015 | 1:56:54 PM
Ngày 12-5, những hoạt động đầu tiên của Lễ hội làng Sen-2015 đã được tổ chức ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tại Trung tâm Điện ảnh 12-9 và Trường Đại học Vinh đã khai mạc đợt phim kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự; tiếp đó là rất nhiều hoạt động diễn ra đến hết ngày 19-5.
Rước ảnh Bác Hồ trong Lễ hội làng Sen hằng năm.
|
Nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An: Lễ hội Làng Sen-2015 kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2015) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức với quy mô toàn quốc. Thông qua các hoạt động Lễ hội Làng Sen để tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời quảng bá hình ảnh Nghệ An với cả nước và quốc tế. Lễ hội Làng Sen, với hoạt động nổi bật là Liên hoan "Tiếng hát Làng Sen" nhằm thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật của nhân dân… Trong liên hoan, có sự góp mặt của hai đoàn nghệ thuật tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và Na-khon-pha-nom (Thái Lan) cùng 30 đoàn nghệ thuật quần chúng của các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số miền Trung lần thứ nhất do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Nghệ An tổ chức là một hoạt động đáng chú ý. Nhiều triển lãm mỹ thuật-nhiếp ảnh, tranh cổ động tấm lớn và trưng bày hiện vật với chủ đề về Bác Hồ như: “Bác Hồ với các dân tộc miền Trung”, “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh”... chứa đựng nhiều nội dung phong phú, bổ ích.
Tiến sĩ Lê Thanh Nga, giảng viên Khoa Sư phạm Ngữ văn-Trường Đại học Vinh cho hay: Liên hoan "Tiếng hát Làng Sen" là một sinh hoạt văn hóa-văn nghệ quần chúng đang ngày càng hướng đến khẳng định tính chuyên nghiệp với những giá trị, hiệu quả tích cực không thể phủ nhận. Đây là sinh hoạt kế thừa truyền thống "uống nước nhớ nguồn", tri ân người có công với dân tộc, với nhân dân, với lịch sử, cụ thể là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là hoạt động quan trọng góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm lành mạnh hơn và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, thanh lọc tâm hồn con người, giúp con người mở rộng cánh cửa của sự hướng thiện, hướng mỹ. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn nghệ từ quần chúng, bổ sung đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân chuyên nghiệp.
Những ngày này, rất nhiều người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc và du khách quốc tế đã về xứ Nghệ để thăm quê Bác và tham dự Lễ hội Làng Sen. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Hồng Phúc, giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một lần đầu về với Nam Đàn (Nghệ An), chia sẻ: “Lần đầu tiên đến thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham dự Lễ hội Làng Sen, tôi cảm thấy hạnh phúc và hiểu thêm rằng những đức tính cần cù, chịu khó, nhẫn nại, thân thiện của con người nơi đây là tài sản tinh thần quý báu, cần được gìn giữ, phát huy. Qua đó, tôi cũng hiểu thêm nguồn gốc sự vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh…”.
Mong Lễ hội Làng Sen ngày càng hấp dẫn
Đã 33 năm kể từ khi Liên hoan “Hát từ Làng Sen” rồi “Tiếng hát Làng Sen” và sau này là “Lễ hội Làng Sen” được tổ chức nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của mọi tầng lớp nhân dân đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Những thành công của Lễ hội Làng Sen là rất to lớn. Tuy nhiên, theo mong mỏi của nhiều người dân và nhà nghiên cứu văn hóa thì cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện lễ hội có giá trị đặc biệt sâu sắc này.
Ông Phan Văn Thắng, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An, nói: Tôi cho rằng, chủ trương lễ hội hóa Liên hoan nghệ thuật quần chúng "Tiếng hát Làng Sen" bước đầu đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần và tâm linh của đông đảo nhân dân. Mấu chốt thành công của Liên hoan là ở chỗ đã định vị được hình tượng âm nhạc nhất quán từ đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, Liên hoan "Tiếng hát Làng Sen" đã góp phần quan trọng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tâm thức của cộng đồng. Đó là hạt nhân cơ bản để Liên hoan có thể từng bước chuyển hóa sang một sinh hoạt văn hóa có hình thức phong phú hơn, đa dạng hơn, có ý nghĩa biểu tượng và tâm linh sâu sắc hơn-lễ hội. Từ năm 2002, Liên hoan "Tiếng hát Làng Sen" đã được Bộ Văn hóa-Thông tin và tỉnh Nghệ An chủ trương làm phong phú nội dung, trên cơ sở đó chuyển hóa tính chất để định danh là Lễ hội Làng Sen, được tổ chức hằng năm vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tùy vào điều kiện cụ thể, quy mô hoạt động thường là do tỉnh tổ chức, nhưng đã 3 lần có quy mô toàn quốc, huy động sự tham gia của đông đảo lực lượng văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của cả nước.
Ông Đặng Khắc Thắng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho rằng: Tôi thấy Lễ hội làng Sen hiện nay đang trong quá trình hình thành và phát triển, hoàn thiện. Tuy đã có những yếu tố cơ bản nhất để cấu thành một lễ hội, nhưng hiện giờ thì chưa thực sự đầy đủ về tính chất, nội dung, diễn trình của phần "lễ", mà chủ yếu vẫn là phần "hội". Yếu tố cơ bản nhất để tạo nên Lễ hội làng Sen là đã có tính thiêng với nhân vật thiêng là Hồ Chí Minh, không gian thiêng là làng Sen, cụ thể hơn nữa là Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Sen. Có thể có các cách gọi, cách định danh khác nhau, nhưng tôi quan niệm đây là Đền thờ Hồ Chí Minh ở làng Sen. Những yếu tố đó là cốt lõi để hình thành nên Lễ hội làng Sen.
Vấn đề quan trọng nhất, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, là hiện nay Lễ hội Làng Sen cần tăng thêm phần "lễ" để có thể chuyển tải được ý niệm về tính thiêng của Hồ Chí Minh như tâm thức của cộng đồng và đáp ứng được niềm tin tín ngưỡng của nhân dân đối với nhân vật thiêng liêng-huyền thoại Hồ Chí Minh. Khi phần "lễ" được coi trọng hơn sẽ càng thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người thể hiện tình cảm, niềm tin tuyệt đối của mình đối với Bác Hồ thông qua các nghi lễ cổ truyền, tập tục văn hóa truyền thống. Theo ý kiến của ông Phan Văn Thắng, cần xác định không gian chính của lễ hội là ở Kim Liên, ở làng Sen và làng Hoàng Trù và tốt hơn là mở rộng đến động Tranh, nơi đặt mộ cụ bà Hoàng Thị Loan.
Lễ hội là một trầm tích văn hóa xét cả về thời gian và không gian. Theo thời gian, mong rằng Lễ hội làng Sen sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện dần để phù hợp với nguyện vọng của đại đa số quần chúng nhân dân và du khách, trở thành hoạt động văn hóa ngày càng có giá trị sâu sắc, góp phần khẳng định và tôn vinh mãi mãi con người vĩ đại-huyền thoại Hồ Chí Minh, đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa của xứ Nghệ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
(Theo QĐND)
Các tin khác
Dự án “The Beauty of Vietnam” được Trung tâm UNESCO Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo (UNESCO-CEP) thực hiện với mục đích gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt Nam đã chính thức khởi động vào tối 12/5 tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 75/141 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (TTCI), tăng 5 bậc so với năm 2013.
Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội chợ tình Khau Vai là một hoạt động văn hóa truyền thống hàng năm nổi tiếng của cao nguyên đá Đồng Văn sẽ chính thức diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 13-16/5 (tức ngày 25-28/3 Âm lịch) tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Tối 9/5, tại Quảng trường Nhà hát lớn Hải Phòng, thành phố Hải Phòng khai mạc Lễ hội Hoa phượng đỏ lần thứ 4 với chủ đề “Hải Phòng - Bản hùng ca 60 năm".