Lễ mừng cơm mới của đồng bào Mông ở Hồng Ca
- Cập nhật: Thứ tư, 15/6/2016 | 9:44:46 AM
YBĐT - Lễ mừng cơm mới là nghi lễ để cảm ơn tổ tiên, trời đất đã ban cho gia đình có vụ mùa bội thu và cầu mong vụ mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh...
Mùa thu hoạch của đồng bào Mông ở Hồng Ca (Trấn Yên).
|
Cùng với các địa phương khác, hiện nay bà con nhân dân xã Hồng Ca (Trấn Yên) đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch lúa xuân. Bà con ở đây rất vui mừng bởi có thêm một vụ mùa bội thu. Với đồng bào dân tộc Mông ở 4 thôn trong xã, niềm vui được mùa hiển hiện rõ hơn, khi nhà nào cũng tất bật chuẩn bị lễ cúng cơm mới - một nét đẹp truyền thống từ bao đời nay vẫn được giữ gìn.
Đây là nghi lễ để cảm ơn tổ tiên, trời đất đã ban cho gia đình có vụ mùa bội thu và cầu mong vụ mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh... Trải qua nhiều thế hệ, cho đến ngày nay, dù cuộc sống đã nhiều thay đổi, song người Mông Hồng Ca vẫn giữ nguyên tập tục này.
Đến thăm già làng Sổng A Phai ở thôn Khuôn Bổ, đúng hôm gia đình ông làm lễ cúng cơm mới. Dù bận rộn chuẩn bị sửa sang lễ cúng nhưng ông Phai vui vẻ cho biết: “Lễ cúng cơm mới của người Mông đã có từ bao đời nay. Trước kia, người Mông chỉ gieo cấy một vụ trên nương, nên chỉ làm 1 lần lễ cơm mới, còn nay, nghe theo tiếng gọi của Đảng, người Mông đã định cư, biết làm lúa nước và gieo cấy 2 vụ/năm. Vì vậy, cứ đến mùa lúa chín, nhà nhà lại tổ chức lễ cúng cơm mới. Chỉ khi nào làm xong lễ cúng cơm mới, thì nhà đó mới được ăn cơm gạo mới, nếu chưa làm thì chưa ai được ăn. Vụ này gia đình tôi thu hoạch được gần 1,5 tấn thóc. Để cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất, tôi làm vài mâm cỗ mời anh em, con cháu trong dòng họ, hàng xóm láng giềng đến để chia vui cùng gia đình”.
Anh Cháng Giống Dê, hàng xóm của gia đình ông Phai cho biết: “Lễ mừng cơm mới rất có ý nghĩa với từng gia đình người Mông ở Hồng Ca, nên dù bận đến mấy tôi cũng phải sắp xếp để đến mừng cho nhà ông Phai. Khách đến nhà ăn cơm mới không cần quà cáp cho gia chủ mà chúc nhau là chính, cùng vui, cùng mừng cho gia đình được mùa màng và mong vụ sau sẽ còn được mùa hơn nữa...”.
Với người Mông ở Hồng Ca, việc chọn ngày tổ chức lễ cúng cơm mới không phụ thuộc vào một ngày nhất định, mà phụ thuộc vào thời điểm lúa chín ở từng vụ. Việc tổ chức lễ cúng cơm mới đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình.
Những gia đình có điều kiện, nhiều ruộng, nhiều gia súc, trong lễ cúng cơm mới người ta có thể mổ lợn, gà, để mời tất cả những người thân trong dòng tộc và bạn bè đến dự để cùng hưởng niềm vui với gia đình trong mùa thu hoạch. Nhưng dù gia đình có điều kiện hay không có điều kiện, thì mâm lễ cúng bắt buộc phải có 1 bát cơm to, vài cái thìa cắm úp vào bát cơm, 3 chén rượu (một chén cho người cúng, một chén cho thổ công và chén còn lại là của cha mẹ đã khuất), 1 bát nước luộc gà, một bát con thịt gà đã chặt và vài cái ghế để xung quanh mâm lễ.
Khi đồ lễ chuẩn bị xong thì sắp ra một mâm ở giữa nhà (hướng ra cửa chính) để chủ nhà (bắt buộc phải là đàn ông) ngồi trước mâm cúng tiến hành các nghi thức cúng tế truyền thống. Sau khi thắp hương nơi đặt vị trí thổ công (trên vách giữa nhà), cột chống nóc (dù nhà xây hay nhà gỗ vẫn có cột chống nóc), vị trí bếp và 2 cánh cửa chính, chủ nhà tiến hành bài cúng nôm, đại ý rằng: nhờ sự phù hộ của thổ công, thần linh, ông bà, tổ tiên và sự lao động vất vả của cả gia đình, năm nay gia đình đã thu hoạch được nhiều thóc; con cháu có cơm mới, có rượu và thịt, con chưa ăn, con mời thổ công, thần linh cùng tổ tiên, ông bà về ăn trước và chứng giám cho lòng thành của con cháu hôm nay. Mong thổ công và tổ tiên xua đuổi những điều không may mắn để cuộc sống gia đình được bình yên hòa thuận, trời đất cho mưa thuận, gió hòa để có thêm những mùa vàng bội thu…
Kết thúc nghi lễ, gia chủ cầm thìa cơm và đứng trước cửa chính để mời thần núi, thần nước về ăn cùng. Sau đó, người cúng lễ quay về ngồi bên mâm cúng và uống một chén rượu, ăn mấy thìa cơm, có nghĩa là cùng ăn với thổ công và tổ tiên cho vui. Sau đó, bày các mâm cỗ mời khách, họ hàng cùng ăn, uống vui vẻ với những lời chúc tốt đẹp nhất. Chỉ sau lễ cúng cơm mới, người Mông mới được sử dụng thóc mới.
Lễ cơm mới là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, đồng thời là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đạo lý, lối sống đúng mực ở đời. Vì thế, dù công việc bận rộn đến đâu, con cháu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về sum vầy cùng gia đình trong ngày lễ mừng cơm mới.
Đây thực sự là một nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào Mông xã Hồng Ca và thể hiện nét văn hóa độc đáo, đạo lý làm người, hướng về cội nguồn tổ tiên, trời đất. Vì vậy, Đảng uỷ, chính quyền địa phương xã Hồng Ca đã và đang cố gắng bảo tồn giá trị truyền thống dân gian này.
Ông Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động và tiếp cận các già làng, trưởng bản, hoặc những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông để vận động cho bà con duy trì tục lệ truyền thống này, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân gian. Đặc biệt là lễ mừng cơm mới, bởi đây là dịp người Mông thành kính với tổ tiên, cũng như các vị thần linh đã giúp họ bảo vệ mùa màng”.
Thanh Hùng (Đài TT-TH Trấn Yên)
Các tin khác
Lễ hội xăm mình quốc tế Hanoink Fes sẽ diễn ra trong hai ngày 23/06 và 24/06 tại Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa, Hà Nội.
Sáng 12-6, tại Đầm Vực, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), chính quyền địa phương cùng đông đảo các tầng lớp bà con nhân dân trên đại bàn đã tổ chức lễ hội truyền thống đánh cá Đồng Hoa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1853/QĐ-BVHTTDL phê duyệt nội dung Đề cương, nhiệm vụ của Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2030”.
Đến hẹn lại lên, cứ vào độ mận Tam hoa chín rộ, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai lại tổ chức Giải đua ngựa truyền thống của địa phương. Năm nay, Giải đua ngựa truyền thống lần thứ 10 đã diễn ra sôi động, hấp dẫn người xem, trên sân vận động của huyện Bắc Hà trong hai ngày 4-5/6.