Quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc
- Cập nhật: Thứ ba, 22/11/2016 | 8:53:12 AM
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hồ Núi Cốc phấn đấu đón 4 triệu lượt khách du lịch
|
Theo đó, Khu vực quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) hồ Núi Cốc thuộc địa bàn: thành phố Thái Nguyên (các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương), huyện Đại Từ (các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu và thị trấn Quân Chu), thị xã Phổ Yên (xã Phúc Tân) và toàn bộ thắng cảnh hồ Núi Cốc.
Diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành Khu du lịch quốc gia (DLQG) là 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước).
Theo định hướng, sản phẩm du lịch chính của Khu DLQG Hồ Núi Cốc là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao gắn liền với tài nguyên hồ, đảo trên hồ; du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa trà; du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng Vườn quốc gia Tam Đảo (khu vực xã Quân Chu), hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái chè.
Các sản phẩm du lịch bổ trợ như: du lịch văn hoá - tâm linh, cắm trại, dã ngoại, nghỉ dưỡng cuối tuần; dịch vụ vui chơi giải trí và thể thao cao cấp; mua sắm; văn hóa ẩm thực...
Tổ chức không gian phát triển du lịch trên nguyên tắc: Khai thác hợp lý lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên trên bờ và không gian mặt nước hồ; hình thành mối liên hệ giữa các khu, phân khu chức năng, giữa các điểm du lịch trong khu vực nhằm tạo không gian kiến trúc, cảnh quan hấp dẫn; liên kết với vùng lân cận; hạn chế tối đa tác động đến môi trường nước hồ Núi Cốc, chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng và di chuyển dân trong khu du lịch.
Mục tiêu phấn đấu trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Khu DLQG Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa Trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Khu DLQG Hồ Núi Cốc phấn đấu đến năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách; đạt doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Lần thứ 2 thành phố Đà Nẵng lọt vào “Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á năm 2016” do độc giả Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn.
Phí thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (bao gồm: cấp mới, cấp đổi, cấp lại) là 3 triệu đồng/giấy phép, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch là 650 nghìn đồng/thẻ.
Ngày 21/10, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố Đà Nẵng vừa vinh dự đạt được danh hiệu “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2016”.
Với việc hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, lượng khách du lịch qua lại giữa hai nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới.