Hơn một năm nay, gia đình chị Hà Thị Kíu ở bản Đoàn Kết, xã Sơn A, huyện Văn Chấn triển khai làm dịch vụ du lịch cộng đồng. Để đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của du khách, gia đình chị đã đầu tư 250 triệu đồng để nâng cấp nhà cửa, làm phòng nghỉ khang trang, sạch sẽ. Xung quanh nhà, chị còn trồng rau, chăn nuôi gia cầm đảm bảo nguồn thực phẩm sạch phục vụ du khách.
Ngoài ra, chị còn phối hợp với các đội văn nghệ biểu diễn các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường để du khách thưởng thức. Với 4 gian nhà sàn luôn sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp, có thể đủ chỗ nghỉ cho 50 đến 60 khách nên vào dịp cuối tuần đều có các đoàn khách đăng ký ăn, nghỉ tại đây.
Xã Sơn A có hơn 80% dân số là người dân tộc Thái và Mường, có hơn 30 hộ nhen nhóm đầu tư làm du lịch cộng đồng. Ngoài tiềm năng sẵn có thì người dân nơi đây thu hút khách du lịch bằng những món ăn đặc trưng của người Mường cùng văn hóa dân gian. Hiện, xã đã hoàn thiện 10 hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Sầm Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Sơn A cho biết: "Du lịch cộng đồng là một thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Các hộ làm du lịch đã ý thức được những giá trị văn hóa của vùng miền, tích cực tìm hiểu phương pháp và tham gia tập huấn kỹ năng làm du lịch”.
Cùng với người dân Sơn A, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Văn Chấn cũng đã, đang triển khai, phát triển loại hình du lịch này, tiêu biểu là các xã: Suối Giàng, Thanh Lương, Thạch Lương, Tú Lệ, Sơn A, Sơn Thịnh.
Một số điểm còn thu hút khách du lịch tới tắm suối khoáng nóng như ở Tú Lệ, Sơn Thịnh, Sơn A. Các hoạt động du lịch này đã và đang tạo sức hấp dẫn du khách, cơ bản các điểm du lịch cộng đồng đáp ứng được nhu cầu ăn uống, lưu trú của du khách.
Để tạo điều kiện và khuyến khích các hộ dân phát triển các loại hình du lịch, huyện Văn Chấn cũng đang hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh cho 26 hộ.
Bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: "Du lịch cộng đồng ngày càng tăng cả về quy mô và số lượng. Các hộ đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh và bản sắc văn hóa các dân tộc để đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị nhất, đồng thời hướng dẫn các xã có điểm du lịch cộng đồng thành lập các đội văn nghệ, các hợp tác xã và tổ hợp tác về du lịch để tạo ra sự tập hợp, liên kết và chia sẻ lợi ích trong phát triển du lịch cộng đồng”.
Có thể khẳng định, du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân Văn Chấn chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế bền vững mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái và bảo tồn phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo.
Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng ở Văn Chấn phát triển bền vững, đòi hỏi các địa phương và các hộ gia đình cần phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp từng vùng, có quy hoạch và chọn lọc, hấp dẫn đối với du khách; đồng thời, cũng cần có sự hỗ trợ từ huyện và tỉnh trong việc định hướng thị trường, giúp các hộ dân có nguồn khách ổn định, lâu dài và tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm để thu hút du khách.
Phát triển các mô hình du lịch cộng đồng sẽ là giải pháp cơ bản giúp Văn Chấn hoàn thành mục tiêu mỗi năm đón khoảng 45.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch hơn 20 tỷ đồng.
Ngọc Lan - Hoàng Minh (Trung tâm TT & Văn hóa Văn Chấn)