Thông qua việc xúc tiến, quảng bá du lịch, huyện luôn tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân đầu tư, xây dựng các mô hình du lịch, góp phần mở rộng các loại hình du lịch, thu hút đông đảo du khách đến với Văn Chấn.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện mô hình du lịch homestay, năm 2019, gia đình anh Sa Văn Hướng ở tổ dân phố Suối Khoáng, thị trấn Sơn Thịnh quyết định nâng cấp quy mô và các loại hình phục vụ khách du lịch.
Ngoài mở rộng diện tích chỗ ăn, nghỉ cho khách du lịch, gia đình anh còn đầu tư hệ thống phòng tắm khoáng nóng và tổ chức cho khách tắm thuốc lá của người Thái đen khi có yêu cầu. Gia đình anh cũng tổ chức cho khách tham quan, tìm hiểu đời sống sinh hoạt, bản sắc văn hóa dân tộc Thái, thông qua việc tham quan bản làng, tìm hiểu quy trình sản xuất vải thổ cẩm...
Với việc mở rộng quy mô và các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch, đến nay, mỗi ngày gia đình anh có thể phục vụ 120 - 150 lượt khách. Anh Hướng chia sẻ: "Từ năm 2012, khi có chủ trương quy hoạch phát triển du lịch làng Thái cổ, gia đình tôi đã đăng ký làm du lịch cộng đồng. Đến nay, nhận thấy nhu cầu của du khách ngày càng cao nên gia đình nâng cấp một phòng ăn có sân khấu để phục vụ khách du lịch thưởng thức các món ăn dân tộc và giao lưu văn hóa, văn nghệ. Ngoài ra, gia đình còn có đầy đủ dịch vụ cho du khách nghỉ dưỡng, tham quan dài ngày”.
Nằm bên con Suối Nhì thơ mộng, tổ dân phố Suối Khoáng, thị trấn Sơn Thịnh có trên 150 hộ dân, trong đó trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Thái đen. Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây nguồn suối khoáng nóng tự nhiên, cảnh quan hùng vĩ là điều kiện lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Phát huy lợi thế đó, những năm qua, nhân dân tổ dân phố Suối Khoáng đã tích cực cải tạo cảnh quan môi trường, khuôn viên gia đình.
Đến nay, cả thôn có 6 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng. Ngoài việc tổ chức cho du khách ăn nghỉ tại chỗ, nhiều hộ bắt đầu phát triển du lịch theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; đồng thời, liên kết trong tổ chức các dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Anh Vi Quang Thuật - chủ mô hình du lịch cộng đồng ở tổ dân phố Suối Khoáng cho biết: "Bắt tay vào làm du lịch, gia đình đã định hướng là làm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa bản địa. Gia đình đã sửa chữa nhà sàn với mái nhà có biểu tượng "Khau cút”, để giới thiệu cho khách tham quan; bên dưới có không gian văn hóa của người Thái cổ với khung cửi, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng. Du khách có thể trải nghiệm dệt những tấm vải thổ cẩm với hoa văn, họa tiết ưa thích, thưởng thức món ăn dân tộc theo yêu cầu”.
Cùng với Sơn Thịnh, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Văn Chấn đã phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường và khí hậu để phát triển du lịch, theo mô hình du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch thám hiểm.
Đặc biệt, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể về phát triển du lịch, gắn phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp với phát triển du lịch xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như: Suối Giàng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, Tú Lệ phát triển du lịch xanh, giàu bản sắc, Sơn Thịnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng Thái cổ...
Kết hợp các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch với việc khuyến khích động viên các đơn vị, doanh nghiệp phát triển các dịch vụ du lịch, đến nay, Văn Chấn có khu nghỉ dưỡng cao cấp Le Champ Tú Lệ Resort, Không gian văn hóa trà Suối Giàng, gần 30 hộ tham gia làm dịch vụ du lịch cộng đồng và hàng chục nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách.
Trong 9 tháng qua, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các cơ sở hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã đón tiếp trên 70.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 21 tỷ đồng. Phát huy kết quả đạt được, huyện Văn Chấn đang tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động, các sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn của địa phương; đồng thời, kêu gọi, thu hút đầu tư mở rộng các loại hình dịch vụ du lịch.
Bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: "Chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện quan tâm phát triển 3 loại hình du lịch chủ yếu là du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch ẩm thực. Để phát huy được tiềm năng thế mạnh về du lịch của địa phương, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi cũng tham mưu với huyện hỗ trợ thêm các cơ chế khuyến khích đầu tư, vận động nhân dân đầu tư, mở rộng thêm các loại hình, dịch vụ du lịch như: vui chơi, giải trí làm đồ thủ công mỹ nghệ, sản xuất quà tặng cho khách du lịch”.
Có thể thấy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng những giải pháp tích cực, những năm qua, hoạt động du lịch ở Văn Chấn đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở Văn Chấn chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của địa phương. Để ngành du lịch thực sự phát triển tương xứng, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, rất cần có sự mạnh dạn đầu tư bài bản của các đơn vị, tổ chức, cá nhân để Văn Chấn có những điểm đến thực sự thu hút du khách nghỉ dưỡng dài ngày.
Trần Van