Nghị quyết 28: Đưa Yên Bái tăng tốc và bứt phá phát triển du lịch

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/1/2023 | 2:21:38 PM

YênBái - Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28 ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Du lịch Yên Bái không chỉ tăng tốc và bứt phá ở số lượng mà còn ở chất lượng, trở thành từ khóa được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm kiếm.

Tiết mục múa chuông của Đội Văn nghệ xã Yên Thành, huyện Yên Bình biểu diễn tại “Con đường sắc màu văn hóa” trong Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà năm 2022.
Tiết mục múa chuông của Đội Văn nghệ xã Yên Thành, huyện Yên Bình biểu diễn tại “Con đường sắc màu văn hóa” trong Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà năm 2022.

Thực hiện Nghị quyết 28, tỉnh đã chú trọng khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch hiện có, đồng thời thực hiện các chiến lược, quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng xanh, bền vững. 

Đến hết tháng 11/2022, Yên Bái đã thu hút 21 dự án trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 13.171,2 tỷ đồng và 3,2 triệu USD.

Trong đó có nhiều dự án lớn như: Dự án đầu tư Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí hồ Thác Bà; Dự án Khu du lịch Bình nguyên xanh Khai Trung; Dự án Khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải; Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế Vân Hội… 

Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng tại 4 vùng du lịch trọng điểm là: vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy, vùng thành phố Yên Bái và phụ cận, vùng du lịch miền Tây và vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên,  trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp… 

Để thúc đẩy phát triển du lịch, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đầu tư trên địa bàn được tỉnh ban hành. Một trong những chính sách được các địa phương và người dân quan tâm là Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025. 

Từ chính sách này, đến nay toàn tỉnh có 107 hồ sơ đảm bảo quy định được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 2.640 triệu đồng như: hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; hỗ trợ mua sắm thiết bị thu gom rác thải tại các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng. 

Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Thực hiện Nghị quyết, huyện có Đội Văn nghệ dân tộc Cao Lan, thôn Khuân La, xã Tân Hương; Đội Văn nghệ dân tộc Tày, thôn Suối Hốc, xã Ngọc Chấn được thành lập mới cùng 6 đội văn nghệ của các xã Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai, Vũ Linh được hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động. Từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở đã góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đó là những yếu tố tích cực thu hút khách du lịch đến với địa phương”. 

Có thể thấy, quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 28 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo được chuyển biến về tư duy, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Nghị quyết chính là động lực để toàn ngành du lịch tỉnh tạo nên những đột phá với con số ấn tượng: gần 1.590.000 lượt khách đến Yên Bái (vượt 44,4% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế ước đạt 28.000 lượt, doanh thu ước đạt trên 1.100 tỷ đồng. Sự tăng trưởng của du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt vấn đề việc làm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
Thanh Chi

Tags Yên Bái phát triển du lịch bền vững Nghị quyết 28 Dự án Khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải; Khu du lịch sinh thái đầm Vân Hội…

Các tin khác
Du khách trải nghiệm xe địa hình ATV chinh phục những cung đường gập ghềnh để tận hưởng cảnh đẹp của ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Nhận diện đúng những tiềm năng nổi bật, khác biệt để định hướng quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch, Yên Bái đang đón đầu xu hướng du lịch mới theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Từ cách làm ấy đã đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc, được du khách tìm kiếm nhiều trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Vòng đại xòe tại Lễ vinh danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với các biện pháp kích cầu, mở cửa hoạt động du lịch đồng bộ, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và khai thác hiệu quả tiềm năng, kết thúc năm 2022, ngành du lịch Yên Bái không chỉ phục hồi mạnh mẽ mà còn tạo ra nhiều điểm đến ấn tượng, hấp dẫn.

Dưới sắc hoa tớ dày Mù Cang Chải.

Ngày 24/12, lễ hội hoa tớ dày lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nhằm thu hút khách du lịch. Tớ dày là loài hoa thân gỗ đặc trưng của núi rừng Mù Cang Chải, mang nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông nơi đây, và đang dần trở thành một sản phẩm du lịch mới.

Nhằm bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Mông tiến tới xây dựng nền văn hóa địa phương tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, ngày 30/12/2022, huyện Trạm Tấu tổ chức Lễ hội Gầu Tào năm 2022. Đây là sinh hoạt tín ngưỡng có từ lâu đời của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu, thường được tổ chức vào dịp đón năm mới hàng năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục