I. TÊN GỌI CỦA DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Lễ hội đền Đông Cuông.
II. LOẠI HÌNH
Lễ hội đền Đông Cuông xã Đông Cuông, huyện Văn Yên được xếp vào loại hình "Lễ hội truyền thống”.
III. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ DI SẢN
Lễ hội đền Đông Cuông được phân bố tại hai xã Đông Cuông và xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
IV. CHỦ THỂ VĂN HÓA
Chủ thể văn hóa là cộng đồng người Tày Khao ở xã Đông Cuông và xã Tân Hợp của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
V. MIÊU TẢ VỀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
1. Truyền thuyết dân gian, tư liệu lịch sử và nguồn gốc của lễ hội
Theo ngôn ngữ dân gian bản địa, trong lịch sử, đền Đông Cuông còn được người Tày gọi là "miếu”, "đình Mường Khà”, "đền Đông”, "đền Mẫu Đông”, "Đông Quang linh từ”, hiện nay, cộng đồng thường gọi là "Đền Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn”, tức đền thờ Đông Quang/Cuông Công chúa.
Qua truyền thuyết dân gian, tư liệu lịch sử (trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn; sách Những thần nữ danh tiếng trong văn hóa - tín ngưỡng Việt Nam, Nguyễn Minh San), bước đầu có thể khẳng định: Lễ hội đền Đông Cuông là một lễ hội có truyền thống lâu đời, gắn liền với cư dân Đông Cuông và Tân Hợp, huyện Văn Yên và vùng phụ cận, với không gian trọng điểm là đền Đông Cuông, miếu Cô, miếu Cậu và miếu Ghềnh Ngai (miếu Đức Ông) và đền Giếng (Giếng thần). Hạt nhân tín ngưỡng của lễ hội xoay tục thờ Thủy thần, Mẫu Thượng Ngàn (Bà chúa Rừng) - Đông Cuông Công chúa, chúa Đất, kết hợp với tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, anh hùng dân tộc (Thần Vệ Quốc, Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương…) và nhiều tín ngưỡng dân gian khác. "Thời điểm thiêng” để tổ chức lễ hội cũng được định rõ qua truyền thuyết và lịch sử, theo thông lệ "xuân thu nhị kỳ”, với hội Xuân được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của mùa Xuân và hội Thu được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của mùa thu…
2. Hình thức biểu hiện
Lễ hội đền Đông Cuông là loại hình lễ hội truyền thống đã có từ lâu đời gắn với đời sống văn hóa tinh thần của người Tày Khao và cộng đồng các dân tộc xã Đông Cuông, tổng Đông Cuông, phủ Quy Hoá xưa và nay là huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái và ngày nay đã lan tỏa khắp cả nước; là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng hợp được biểu hiện dưới dạng truyền khẩu từ đời trước sang đời sau để truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc.
3. Quy trình thực hành
3.1. Công tác chuẩn bị Lễ hội:
Trước khi vào hội, cộng đồng tổ chức hội họp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia đảm đương các việc: chủ lễ, chủ tế, lễ/vật tế, rước kiệu, hậu cần và cùng nhau tập duyệt.
3.2. Chủ lễ:
Từ xưa chủ lễ thường do ông Mo hoặc Thổ đạo đảm nhiệm. Người này được bà con trong thôn bản và các dòng họ uy tín bầu ra. Chủ lễ thường là người cao tuổi, hiểu biết về các tục hèm, lời khấn bằng tiếng Tày, đảm đương vai trò là "cầu nối” giữa thần linh và cộng đồng trong dịp hội...
3.3. Đội lễ nghi:
3.3.1. Giai chay - trai đinh đảm đương nhiệm vụ rước kiệu Mẫu và kiệu vua Páo, ngai, đồ nghi trượng và mang lễ vật. Lễ hội đầu Xuân - Lễ hội đền Đông Cuông (ngày Mão đầu tháng Giêng) có 18 giai chay phục vụ. Lễ hội Cơm mới (ngày Mão đầu tháng Chín) có 6 giai chay phục vụ.
3.3.2. Đội xòe then hầu Mẫu: Đội xòe có 12 người (6 nam, 6 nữ), có nhiệm vụ giúp việc cho thầy Mo cúng tế Thánh Mẫu và Thần Vệ quốc, chư vị thần linh.
3.4. Lễ vật:
3.4.1. Trâu hiến tế: Người Tày Khao là cư dân nông nghiệp nên họ rất yêu quý con trâu, bởi "con trâu là đầu cơ nghiệp". Chính vì thế mà một trong những lễ vật dâng cúng trong hội đền Đông Cuông không thể thiếu trâu hiến tế - dâng một trâu trắng vào ngày Mão tháng Giêng và dâng một trâu đen vào ngày Mão tháng Chín, nhằm tạ ơn thần linh, cầu mong mọi điều tốt lành, cầu mùa màng bội thu, bà con thôn bản được luôn mạnh khỏe…
3.4.2. Lợn: Thầy Mo chuẩn bị 2 con lợn, khoảng 70-90kg, màu trắng, béo khỏe. 1 con để cúng tế Mẫu tại đền Đông Cuông; 1 con để cúng tế tại miếu Đức Ông (Ghềnh Ngai).
3.4.3. Gà: chọn những con gà trống có mào cờ, lông đỏ đẹp.
3.4.4. Quả còn: Quả còn làm bằng những miếng vải mầu xanh, đỏ, vàng, tím... hình vuông được khâu ghép lại mỗi cạnh khoảng 4cm, bên trong nhồi hạt bông, hạt thóc, hạt đỗ đậu, hạt vừng... dây còn làm bằng vải bền chắc, dài khoảng 50cm, dây còn có những tua rua với các mầu sắc làm cho quả còn đẹp, định hướng khi bay.
3.4.5. Ngoài các lễ vật để cúng tế, nhà đền còn chuẩn bị vải đỏ để trang trí kiệu rước Mẫu (Vua Mẹ) và rước con trai (Vua Báo) qua sông Thao (sông Hồng) sang miếu Đức Ông bên Ghềnh Ngai (xã Tân Hợp).
Lễ dâng: cúng chay gồm măng, xôi, rượu nếp ủ, các loại bánh…; cúng tạp (mặn) thường là những sản phẩm mà người dân thu hoạch được trong năm: lợn, gà, vịt, xôi, rượu, măng, cá suối, thịt thú hoang…
3.5. Thời gian và không gian:
3.5.1. Về thời gian:
Truyền thuyết và lịch sử đã khẳng định, từ xa xưa, Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức theo thông lệ "xuân thu nhị kỳ”, với hội Xuân được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và hội Thu được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Chín.
3.5.2. Về không gian:
Không gian tổ chức Lễ hội hiện nay cũng tương đối rộng, với vùng lõi liên kết các khu vực: đền Đông Cuông (đền chính), bến nước và khúc sông trước cửa đền; miếu Cô, miếu Cậu, miếu Ghềnh Ngai (miếu Đức Ông) và Giếng nước (giếng thần) thôn Đồng Dẹt.
4. Diễn trình Lễ hội đầu Xuân-Lễ hội đền Đông Cuông (ngày Mão đầu tháng Giêng)
4.1. Lễ rước thầy Mo và trống cái từ nhà thầy Mo lên đền:
Ngay từ sáng sớm tất cả mọi người đã có mặt tại nhà ông Mo thắp hương xin phép Tổ tiên cho phép thầy được lên làm lễ cúng tế ở đền. Đúng 8h sáng, đoàn rước thầy Mo và trống cái bắt đầu xuất phát đi lên đền. Khi đoàn rước đi đến cổng miếu Cô, miếu Cậu cả đoàn dừng lại, đánh 1 hồi trống với mục đích báo hiệu đoàn rước đã đến chấp tay vái vọng kính báo và xin phép vào đền chuẩn bị tổ chức Lễ hội.
Khi đến cửa chính của đền, ba hồi trống lại vang lên báo hiệu đoàn rước đã đến. Thầy Mo đốt nhang ở cây hương trước cửa đền, xin phép các vị thần linh để vào trong đền chuẩn bị tổ chức lễ hội đầu Xuân.
4.2. Lễ Bao sái (vệ sinh ban thờ, đồ thờ):
Để chuẩn bị cho lễ bao sái, các cảnh cửa của đền đóng lại; theo sự phân công từ trước mọi người tiến hành các công việc lau vệ sinh ban thờ, bát hương, tượng thờ, đồ thờ, rửa kiệu. Việc vệ sinh cũng phải theo thứ tự từ trong cung cấm ra bên ngoài. Nước dùng để lau vệ sinh ban thờ, đồ thờ là nước thơm đun bằng lá bưởi, lá quế... khăn dùng để lau ban thờ, tượng thờ, đồ thờ là khăn mầu đỏ.
Thầy mo phụ trách công việc bao sái trong cung cấm còn những người phục vụ dọn dẹp các cung ngoài. Việc rửa kiệu do giai chay làm; rửa kiệu Mẹ (kiệu Mẫu) trước; sau đó mới rửa kiệu con (Vua con). Nước rửa kiệu lấy ở miếu Cô.
4.3. Dâng hương cúng Tiệc chiều:
Tiệc chiều dâng lên Mẫu gồm có lễ chay và lễ mặn. Lễ chay bao gồm hoa quả, bánh khảo, oản... Lễ mặn bao gồm xôi, thịt lợn, thịt gà... lợn được chặt chia thành 6 miếng to/6 mâm, luộc chín. Sau khi đã chuẩn bị xong, lễ dâng hương cúng tiệc chiều bắt đầu. Thầy Mo đốt 12 nén nhang, khấn cúng mời Mẫu, Thần Vệ quốc, chư vị thần linh về dự tiệc và kính báo cho phép mở hội.
Cùng thời gian, miếu Đức Ông bên Ghềnh Ngai (xã Tân Hợp) cũng tiến hành cúng kính báo, xin Đức Ông để tổ chức lễ hội đầu Xuân và lễ đón Vua Mẹ. Lễ vật dâng cúng Đức Ông là 1 con lợn, thủ lợn phủ 1 lớp mỡ chài.
4. 4. Lễ mổ trâu tế Mẫu và chư vị thần linh:
Lễ hội đền Đông Cuông cũng được mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu và chư vị thần linh, với lệ từ xa xưa - đầu năm trâu trắng (ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng. Lễ mổ trâu trắng được cử hành vào giờ Tý - thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm. Trâu dùng để tế phải là trâu đực trắng, to khỏe, được tuyển chọn thật kỹ lưỡng từ nhiều ngày trước khi làm lễ.
Tới giờ "thiêng” (thời khắc đầu tiên của ngày Mão), ông Mo bước từ cung cấm ra, cùng các trai đinh và dân bản cử hành làm lễ hiến sinh, cầu mong mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, cầu cho linh hồn các anh hùng đã hy sinh tại thác Ghềnh Ngai.
Các công đoạn mổ trâu được tiến hành rất nhanh gọn, trong không gian thiêng và kín đáo. Sau đó, chủ lễ đem 12 chén tiết xuống bến sông hành lễ.
Sau khi trâu trắng được làm sạch, theo hiệu lệnh của chiêng, trống, giai chay (các trai đinh) sẽ khiêng lễ vật (trâu trắng, để nguyên cả con) cùng với lòng, tiết vào gian chính của đền để bày lễ, tế trâu. Khi lễ vật đã chuẩn bị xong thầy Mo bắt đầu khấn thỉnh mời Thánh Mẫu, chư vị Thần linh về thụ hưởng.
Kết thúc, thầy Mo xin âm - dương; sau khi xin được âm – dương xin cho phép hạ lễ để mang trâu xuống chế biến, chuẩn bị lễ cúng tế sáng hôm sau.
4.5. Lễ rước Mẫu (Vua Mẹ, Vua Con) qua sông:
Sau lễ Mổ trâu tế Mẫu và chư vị Thần linh là lễ rước Mẫu qua sông - Kiệu Mẫu được trai đinh chuẩn bị và được các tín nữ trang trí từ hôm trước. Đúng 8 giờ sáng, Lễ rước Mẫu qua sông được tiến hành tuần tự theo đúng nghi thức trang trọng và linh thiêng nhất của nhà đền. Thầy Mo và những người giúp việc trong trang phục truyền thống của người Tày Khao làm thủ tục sửa soạn những vận dụng cần thiết cho Mẫu. Các giai chay đưa kiệu đã lau rửa sạch sẽ ra giữa gian chính điện (cung Công Đồng) để lắp kiệu. Lắp kiệu trang trí xong thì di chuyển tượng Mẫu (Vua Mẹ) và tượng Vua Báo (con trai) từ cung cấm ra kiệu. Tượng Vua Mẹ và Vua Báo được cuốn xung quanh bằng vải nhiễu đỏ; các giai chay rước bát hương lớn, hộp sắc, cơi trầu và bát đựng 2 quả trứng vịt nhuộm mầu đỏ hồng và một mâm lễ từ cung cấm ra cung Công Đồng.
Dân bản rước kiệu Mẫu từ đền Đông Cuông sang miếu Ghềnh thăm Đức Ông. Thứ tự đội hình rước kiệu được bố trí như sau: 1, Cờ ngũ hành → 2, Cờ hội → 3, Chiêng → 4, Trống → 5, Đội múa dân tộc → 6, Lễ vật → 7, Đôi vật → 8, Chủ lễ, thầy mo (bê hòm sắc phong) → 9, Kiệu Mẫu → 10, Nhạc bát âm → 11, Kiệu vua Páo → Quan viên và đông đảo nhân dân thôn bản, du khách, thiện tín thập phương…
Một thuyền lớn hoặc một bè/mảng lớn túc trực dưới sông đón kiệu. Đến mép nước, kiệu Vua Con ở lại trên bờ, chỉ có kiệu vua Mẹ xuống thuyền cùng 11 người sang miếu Ghềnh Ngai. Khi mọi thủ tục cúng tế xong đúng 10h kiệu Mẫu và kiệu vua con lại tiếp tục được rước quay về đền và an vị trong cung cấm.
4.6. Lễ dâng hương tế Mẫu:
Khi tượng Mẫu và vua con an vị thì nhà đền tiến hành lễ Dâng hương tế Mẫu. Lễ dâng hương cúng tiệc chính gồm 36 mâm với các lễ vật có rượu, thịt trâu luộc chín, xôi, trầu cau, dấm bỗng, tiền dương, tiền âm, 6 bát, 6 đôi đũa, 6 chén rượu. Một điều đặc biệt trầu cau phải đặt hướng đầu lá trầu vào trong hướng cung cấm. Thầy Mo dâng hương, dâng rượu 3 lần. Sau khi kết thúc lễ dâng hương kết thúc thì nhân dân cùng du khách thập phương cùng nhau thụ lộc của Mẫu với mong ước những điều may mắn sẽ đến với gia đình, người thân, bạn bè trong cả năm...
4.7. Đóng cửa Cung cấm.
Khi tất cả các nghi lễ kết thúc thầy Mo thực hiện nghi lễ cuối cùng là đóng cửa cung cấm và cửa chính của đền kết thúc lễ hội đầu Xuân của đền Đông Cuông.
5. Diễn trình Lễ hội Cơm mới (ngày Mão tháng Chín)
5.1. Lễ đón rước thầy Mo và trống cái từ nhà thầy Mo lên đền:
Ngay từ sáng sớm, tất cả các thầy phụ, những người phục vụ lễ hội, các giai chay đã có mặt tại nhà thầy Mo Hà Mạnh Chinh để tiến hành nghi lễ xin phép đón rước thầy Mo và rước trống cái lên đền chuẩn bị tổ chức lễ hội Cơm mới vào ngày Mão đầu của tháng Chín.
Đoàn rước thầy Mo đến cửa chính của đền, đánh ba hồi trống báo hiệu đoàn đón rước thầy Mo đã đến. Thầy Mo thắp hương trên cây hương ở sân trước cửa đền làm thủ tục kính báo đoàn rước đã đến và xin phép với Mẫu và chư vị thần linh cho phép vào đền để thực hiện các nghi lễ cúng Cơm mới.
5.2. Lễ dâng hương, cúng Tiệc tuần:
- Lễ vật: 1 con lợn khoảng 70-80kg, luộc chín rồi chặt làm 6 phần chia làm 2 mâm; xôi trắng, 2 đĩa oản làm bằng xôi trắng (1 đĩa oản mặn; 1 đĩa oản ngọt); mỗi đĩa xếp 12 oản; hương hoa, trầu cau, rượu chè…
- Theo quy định, đúng 15h ngày Mão đầu của tháng Chín, lễ dâng hương cúng Tiệc tuần bắt đầu. Bên trái cung Mẫu là mâm lễ (mâm rồng) thịt lợn có thân, đùi, lòng lợn. Mâm lễ bên phải cung Mẫu gồm thân, đùi, đầu lợn có phủ một lớp mỡ chài. Ban Mẫu còn bày 2 đĩa xôi trắng, 2 đĩa oản tượng trưng cho 12 tháng. Thầy Mo lên hương thỉnh mời Mẫu và các vị Chư thần linh về dự lễ Tiệc tuần. Sau ba tuần hương ở ban Mẫu thì chuyển mâm lễ ra ban cung Chúa để thỉnh mời vong linh các ông Mo, ông từ, ông tạo… đã qua đời được nhân dân đưa vào đền thờ phụng về dự Tiệc tuần, ăn cơm mới. Sau ba lần thầy Mo lên hương cúng và xin đài xong thì kết thúc lễ cúng Tiệc tuần.
5.3. Lễ mổ trâu đen tế Mẫu:
Lễ hội Cơm mới (ngày Mão tháng Chín) lại mổ trâu đen. Đúng giờ Tý (00h), ngày Mão tháng Chín thầy Mo tiến hành làm lễ trong cung cấm, đứng trước ban thờ Mẫu, thầy Mo thỉnh cầu Mẫu cho mổ trâu để cúng tế. Khi làm xong mọi thủ tục, thầy Mo lấy 9 chén tiết mang vào dâng lên Mẫu để cầu mong mưa thuận gió hoà, vạn vật sinh sôi, quốc thái dân an... Công việc mổ trâu xong, nhà đền mang trâu đi chế biến để chuẩn bị các mâm lễ sáng sớm tiến hành dâng cúng Tiệc chính.
5.4. Nghi lễ cúng Tiệc chính:
Ngay từ 6h sáng, các giai chay đã chuẩn bị xong các mâm lễ cúng Tiệc chính. Tiệc chính lễ hội Cơm mới (ngày Mão tháng Chín) thịt trâu đã được chế biến thành các món chín đặt lên mâm. Tiệc chính lễ hội Cơm mới có 36 mâm lễ với lễ vật chế biến từ thịt trâu tế và đĩa cốm – lễ vật không thể thiếu trong lễ hội tháng chín.
Khi các mâm lễ bày đặt ngay ngắn trên các ban thờ, thầy Mo bắt đầu lên hương khấn tạ ơn trời - đất, Thánh Mẫu, Thần Vệ quốc, chư vị thần linh đã che chở, phù hộ cho nhân dân được khoẻ mạnh, quốc thái dân an, mùa màng bội thu và thỉnh mời Mẫu, Thần Vệ quốc, chư vị thần linh về hâm hưởng lễ vật và dự lễ hội Cơm mới với dân làng xã. Sau 3 lần thầy Mo lên hương và 3 lần thỉnh Mẫu, chư vị thần linh thì kết thúc nghi lễ. Khi lễ đã xong thì tất cả các mâm lễ được đưa ra ngoài để nhân dân, khách thập phương cùng thụ lộc Mẫu.
5.5. Đóng cửa cung cấm và cửa chính của đền:
Kết thúc nghi lễ cúng Tiệc tuần xong, thầy Mo thực hiện công việc đóng cửa cung cấm và đóng cửa chính của đền (cửa chính của đền chỉ mở khi đề tổ chức lễ hội).
6. Phần hội: Trò dân gian, diễn xướng nghệ thuật trong hội
Sau các nghi lễ chính, các trò dân gian, diễn xướng nghệ thuật sôi nổi trong hội, như hội thi khéo tay làm cốm, đẩy gậy, kéo co, đấu vật, đánh du, ném còn… và nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian khác như hát then, hát chèo
7. Không gian văn hóa liên quan, các sản phẩm vật chất tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể
7.1. Không gian văn hoá liên quan đến Lễ hội đền Đông Cuông:
Xuân thu nhị kỳ, đền Đông Cuông tổ chức lễ hội vào đầu Xuân năm mới (gọi là Lễ hội đền Đông Cuông; mở lễ hội vào ngày Mão đầu tháng Giêng) và Lễ hội Cơm mới (mở hội vào ngày Mão đầu của tháng Chín). Khởi đầu phạm vị không gian văn hóa liên quan đến lễ hội đền Đông Cuông chủ yếu ở xã Đông Cuông và xã Tân Hợp; điểm lõi là đền chính, miếu Cô, miếu Cậu, bến nước (thôn Bến Đền), Giếng nước-Giếng thần (thôn Đồng Dẹt) và miếu Đức Ông (thôn Ghềnh Ngai, xã Tân Hợp).
7.2. Các sản phẩm vật chất tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể:
Lễ hội đền Đông Cuông mang đậm tính đa dạng, tính dung hợp, tính hệ thống, tính dân tộc, nhân văn và tính nghệ thuật... vì vậy, trong quá trình tồn tại và phát triển lễ hội đền Đông Cuông luôn gắn bó với cộng đồng các dân tộc Đông Cuông; là nơi hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, giúp con người giải toả nhu cầu tâm linh, gửi gắm những hy vọng, mơ ước về cuộc sống no đủ, yên vui, khát vọng, hướng thiện. Thông qua lễ hội, các giá trị truyền thống của làng xã được khơi dậy, bảo tồn và phát huy như: hướng về về cội nguồn, tổ tiên dân tộc, uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai sơn phá thạch, có công chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước; gắn kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng.
VI. GIÁ TRỊ CỦA DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Khảo cổ học đã chứng minh, Đông Cuông là địa điểm từng phát hiện Văn hóa Sơn Vi, một nền văn hóa khảo cổ học, có niên đại cách ngày nay khoảng 23.000 năm đến 11.000 năm. Tư liệu lịch sử và truyền thuyết cũng cho thấy, dưới thời Trần, lịch sử đã từng chứng kiến 3 lần quân dân nhà Trần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông.
Trong những chiến thắng này, có công lao không nhỏ của đồng bào, quân dân các dân tộc ở khu vực Tây Bắc, đặc biệt là vùng đất đất Đông Cuông, tiêu biểu là những danh tướng dòng họ Hà, như Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương. Mặt khác, ngay từ đầu thời tự chủ, Đông Cuông còn giữ vai trò là khu vực tiền đồn (ít nhất từ thời Trần), đồng thời là nơi đặt đình trạm - một trung tâm trao đổi tin tức, giao thương buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược, giữa chính quyền trung ương (Thăng Long) và địa phương vùng Tây Bắc. Vị thế địa - văn hóa này đã tạo cho Đông Cuông hội tụ được nhiều đặc trưng văn hóa đa vùng/miền, đa sắc tộc. Vì vậy, Lễ hội đền Đông Cuông giữ vai trò như một "bảo tàng” sống động, đang lưu giữ những "hóa thạch văn hóa tinh thần” của vùng đất Đông Cuông.
Lễ hội đền Đông Cuông hội tụ đa sắc thái văn hóa, với khởi đầu là tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc, Thành hoàng làng, mà đỉnh cao là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng được coi là tôn giáo - tín ngưỡng nội sinh của người Việt, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.
Trong hệ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đền Đông Cuông được coi là địa điểm chính thờ bà chúa Rừng (Mẫu Thượng Ngàn), thuộc hệ Mẫu tứ phủ. Với những chức năng văn hóa tín ngưỡng, tâm linh ấy, từ xa xưa, đền Đông Cuông đã trở thành một điểm hành hương quan trọng không thể thiếu đối với các tín đồ thờ Mẫu, đặc biệt là những dịp lễ hội.
Trong bối cảnh hiện nay, khi "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2016), thì một điểm được coi như khởi phát của Tín ngưỡng thờ Mẫu như Đông Cuông càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, duy trì, củng cố khối đại đoàn kết các cộng đồng, dân tộc trong khu vực và cả nước…
Thực tiễn cho thấy, Lễ hội đền Đông Cuông góp phần không nhỏ trong việc duy trì, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư địa phương và các tín đồ thờ Mẫu. Rõ ràng, đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, được cộng đồng luôn duy trì, gìn giữ trong mọi điều kiện và hoàn cảnh lịch sử…
VII. HIỆN TRẠNG DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ.
Lễ hội đền Đông Cuông luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng các tộc người ở địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ ra các cộng đồng lân cận. Lễ hội đền Đông Cuông dù được tổ chức với quy mô lớn hay nhỏ, các yếu tố truyền thống vẫn luôn được bảo tồn, duy trì bên cạnh những yếu tố hiện đại, dù được thể hiện ở dưới hình thức nào cũng không thể thiếu sự biểu dương các giá trị văn hóa và sức mạnh cố kết cộng đồng.
Việc duy trì Lễ hội đền Đông Cuông đã và đang góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa tộc người địa phương, vùng miền và dân tộc. Nét đẹp và sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hóa tộc người, vùng miền trong lễ hội Đông Cuông mãi được duy trì, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự lưu truyền này không chỉ thể hiện trong những hoạt động hội mà còn nằm trong chính tâm thức của mỗi người và cộng đồng.
Sự tồn tại và phát triển, lan tỏa của Lễ hội đền Đông Cuông là minh chứng sống động cho vai trò nuôi dưỡng và phát triển nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng, phần nào thể hiện thái độ ứng xử hòa hợp với thiên nhiên, mong muốn được thiên nhiên ưu đãi, che chở và đón nhận...
Thông qua Lễ hội, cộng đồng dân cư thường gửi gắm trọn niềm tin vào thần linh để cùng hướng đến một cuộc sống bình an, khỏe mạnh và sung túc… Đó là ước vọng muôn đời, muôn thuở gắn với cư dân nông nghiệp Việt mà chúng ta cần đặc biệt chú ý trong các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội truyền thống. Trong xu thế phát triển chung của xã hội hiện nay, Lễ hội đền Đông Cuông còn góp phần đáng kể vào sự phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch về nguồn, phục vụ nhu cầu của cộng đồng địa phương và khách thập phương.
Có thể khẳng định, Lễ hội đền Đông Cuông truyền thống hiện vẫn được cộng đồng duy trì, phát huy giá trị, xứng đáng là một trong những điểm sáng về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Yên Bái cũng như của cả nước…
YBĐT