Các hộ gia đình ông Sùng Nhà Páo - thôn bản Tát, ông Ly A Vư - thôn Trung Tâm trở thành điểm thăm quan, trải nghiệm nghề rèn cơ khí truyền thống của người Mông. Hộ gia đình bà Chư Thị Ninh, Cư Thị Pang - thôn Trung Tâm lại vui mừng đón du khách ưa thích khám phá nét đẹp của nghề thêu thổ cẩm truyền thống. Nhiều người hào hứng với trải nghiệm bắt ốc - một đặc sản ẩm thực của Nà Hẩu, tại hộ gia đình ông Giàng A Châu và bà Mua Thị Sâu.
"Hội chợ quê người Mông” tại sân vận động Nà Hẩu là nơi mà du khách có thể khám phá, trao đổi mua bán các sản phẩm nông sản, cơ khí thủ công, đạo cụ âm nhạc, trang phục, ẩm thực… Đây cũng là dịp giới thiệu điểm săn mây đỉnh Ba Khuy, các hang động và thác nước hệ sinh thái rừng nguyên sinh với những du khách ưa thích khám phá thiên nhiên.
Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu Lý Tòn Cầu cho biết: "Tết rừng Nà Hẩu năm nay được tổ chức gắn với Ngày hội văn hóa dân tộc Mông khơi dậy được nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông và đánh thức được tiềm năng tự nhiên của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu để phát triển du lịch”.
Phát triển du lịch đang là hướng đi mới ở Nà Hẩu. Chia sẻ từ Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu, xã có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với hệ sinh thái rừng đa dạng là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Thác bản Tát, thác Tiên, Hang Dơi, hang Vàng là những yếu tố thuận lợi phát triển loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm. Khí hậu, thời tiết không những tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo là điểm săn mây trên đỉnh Ba Khuy mà còn là điều kiện phát triển nhiều sản phẩm ẩm thực đã và đang được nhiều người biết đến, như: các loài cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm. Gà đen, ốc rạ cũng là món ẩm thực cùng các loại rau rừng không thể không nhắc đến ở Nà Hẩu…
Khai thác các tiềm năng đó, đến nay, trên địa bàn xã thành lập được 2 hợp tác xã gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, Hợp tác xã Dược liệu và Du lịch Nà Hẩu Xanh vừa để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của xã vừa phục vụ dịch vụ du lịch.
Từ thành công trong phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản của các hợp tác xã, xã cũng tuyên truyền, vận động các hộ dân tận dụng các điều kiện tự nhiên phát triển các sản phẩm đặc sản phục vụ phát triển dịch vụ du lịch như cá tầm, ốc rạ, gà đen… Hiện nay, trong xã có 4 hộ nuôi cá tầm và 20 hộ phát triển nuôi ốc thương phẩm. Trên địa bàn xã cũng đã có 8 hộ gia đình đầu tư sửa sang nhà cửa làm du lịch cộng đồng.
Cùng với đó, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như nghề cơ khí rèn truyền thống, nghề thêu dệt thổ cẩm, các điệu dân ca, dân vũ… để phục vụ dịch vụ du lịch. Hộ gia đình bà Chư Thị Ninh - thôn Trung Tâm được lựa chọn làm điểm thăm quan nghề thêu dệt trong dịp Tết rừng Nà Hẩu và Ngày hội văn hóa dân tộc Mông năm nay.
Bà Chư Thị Ninh chia sẻ: "Thêu dệt thổ cẩm là công việc xưa nay vẫn làm, nay có du khách đến tìm hiểu, thăm quan cũng là cơ hội để gia đình giới thiệu nhiều sản phẩm thêu dệt cho du khách”.
Trong năm 2022, có khoảng hơn 6.000 du khách đã đến với Nà Hẩu, tập trung nhiều vào mùa hè. Cùng với việc chỉ đạo các hợp tác xã và tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tận dụng các điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm phục vụ dịch vụ du lịch thì cấp ủy, chính quyền và nhân dân Nà Hẩu cũng mong muốn có thêm điều kiện thuận lợi hơn nữa để có thể tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của xã.
Chủ tịch UBND xã Lý Tòn Cầu chia sẻ: "Mong rằng Nà Hẩu tiếp tục được quan tâm đầu tư mở rộng tuyến đường liên xã Đại Sơn - Nà Hẩu hiện nay khá nhỏ hẹp và mở tuyến đường Nà Hẩu - Mỏ Vàng hiện nay chỉ là đường mòn. Đồng thời, Nà Hẩu cũng mong được quan tâm tạo điều kiện để chuyển đổi một số diện tích đất đặc dụng không còn rừng sang đất thổ cư phục vụ phát triển du lịch”.
Thu Hạnh