DLNT có nhiều loại hình, nhưng có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản: du lịch cộng đồng (DLCĐ), du lịch canh nông (DLCN) và du lịch sinh thái (DLST). Trong đó, DLST là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa còn tương đối hoang sơ. DLCN hay du lịch trang trại nông nghiệp là du lịch ở vùng nông nghiệp được canh tác theo hướng truyền thống, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn cho sức khỏe con người.
DLCN giúp du khách trải nghiệm tại trang trại trồng trọt hoặc chăn nuôi, bao gồm canh tác nông nghiệp, thưởng thức sản phẩm nông trại và lưu trú. Còn DLCĐ là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Mô hình này khai thác các nét nguyên bản trong cộng đồng.
DLCĐ tại Yên Bái bắt đầu từ năm 2005 ở thôn Bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; sau đó, phát triển sang các thôn bản khác. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 209 hộ hoạt động DLCĐ. Với nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương, sự nỗ lực của các hộ kinh doanh, cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.
Ngoài cung cấp điểm lưu trú, các hộ kinh doanh còn kết hợp bán các mặt hàng nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ của địa phương.
Với DLST, tại các địa phương trong tỉnh đã hình thành những khu du lịch và bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả như du lịch hồ Thác Bà, huyện Yên Bình, suối nước nóng ở huyện Trạm Tấu, khu du lịch đầm Vân Hội, huyện Trấn Yên…
Với loại hình DLCN trên địa bàn tỉnh đang manh nha phát triển và ở Yên Bái, DLCN có tiềm năng với các lợi thế như: mùa nước đổ, mùa lúa chín ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải; tham quan vùng cam sành Lục Yên, hái bưởi Đại Minh, nuôi cá lồng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình và trải nghiệm hái, sao thưởng thức trà tại vùng chè Shan tuyết Suối Giàng, huyện Văn Chấn…
Cùng với các loại hình du lịch khác, DLNT được tỉnh triển khai có lộ trình phát triển cụ thể. Theo đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển DLNT trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu mỗi địa phương có ít nhất một điểm DLNT được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái... phù hợp với lợi thế. Ưu tiên phát triển các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với định hướng đầu tư về cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới và các sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng, miền, sản phẩm DLCĐ.
Tập trung phát triển các ngành dịch vụ phục vụ du lịch, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các dịch vụ về lữ hành, vận tải, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm.
Phấn đấu 100% điểm DLNT được giới thiệu, quảng bá; 100% số cơ sở kinh doanh dịch vụ DLNT được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách; 50% điểm DLNT được công nhận trở lên ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý, kinh doanh và quảng bá sản phẩm.
Tại mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch, xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù; phấn đấu ít nhất 70% số chủ cơ sở DLNT được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% số lao động DLNT được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch; trong đó, ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đặt ra các các giải pháp thiết thực như: xây dựng, ban hành văn bản triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình, điểm DLNT phù hợp với thế mạnh và lợi thế của địa phương; tuyên truyền, tập huấn và nâng cao năng lực về du lịch nông nghiệp, nông thôn; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển DLNT; triển khai áp dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và triển khai hiệu quả các hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Thu Hiền