Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ.
P.V: Thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án "Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021- 2025”. Xin đồng chí cho biết những kết quả mà thị xã đạt được trong quá trình thực hiện Đề án đến thời điểm này!
Đồng chí Lương Mạnh Hà: Việc triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025” đã bước đầu góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch.
Đồng chí Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ.
Đặc biệt, quá trình triển khai thực hiện Đề án khi
"Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản
Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã tạo động lực to lớn để cấp ủy, chính quyền và nhân dân cùng đồng hành triển khai với mục tiêu chung xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch và thị xã cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025 gắn với chương trình phát triển đô thị thị xã và xây dựng 6 xã thành phường. Rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được triển khai mạnh mẽ và tích cực, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia như: Hội thi "Lung linh vòng xòe” thị xã Nghĩa Lộ lần thứ Nhất, giải bóng đá nam 11 người và các hội thi dân vũ, mở các lớp Khắp Thái truyền dạy cho thế hệ trẻ…
Qua 2 năm tập trung triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch đã góp phần phục hồi phát triển du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từng bước xây dựng điểm đến du lịch vùng văn hóa Mường Lò; xác định được các sản phẩm du lịch nổi bật và đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, trong đó tập trung vào loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và hình thành loại hình du lịch mới - du lịch MICE. Với những kết quả đạt được, bước đầu đã góp phần khẳng định vị trí trung tâm du lịch phía Tây của tỉnh, là điểm kết nối du lịch giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh bạn trong cả nước.
P.V: Được biết, trong quá trình thực hiện Đề án, thị xã đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện. Vậy, đồng chí có thể nói rõ hơn về các nhiệm vụ đã đề ra?
Đồng chí Lương Mạnh Hà: Để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch, Ủy ban nhân dân thị xã đã ban hành Kế hoạch số 199 ngày 24/11/2021 về triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng thị xã
Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021- 2025”; Kế hoạch số 14 ngày 15/01/2022 về triển khai thực hiện Đề án năm 2022.
Đề án đề ra 33 chỉ tiêu và xác định 76 nhiệm vụ cụ thể (trong đó có 37 nhiệm vụ về văn hóa, 39 nhiệm vụ về du lịch); giao cho 16 cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và 14 xã, phường chủ trì thực hiện.
Mỗi nhiệm vụ phân công theo hình thức "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” đều do lãnh đạo thị xã chủ trì, chịu trách nhiệm chỉ đạo và cơ quan chuyên môn tham mưu, cơ quan phối hợp, đặc biệt yêu cầu tiến độ thời gian hoàn thành.
Trên cơ sở đó, hàng tháng, hàng quý rà soát kiểm tra đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện, kịp thời bổ sung các giải pháp để tổ chức thực hiện. Việc phân công, phân cấp rõ ràng và thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tập thể đối với việc triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, đảm bảo sâu sát, thực tế và hiệu quả.
P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Đề án, thị xã Nghĩa Lộ gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lương Mạnh Hà: Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025” chúng tôi còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Triển khai thực hiện Đề án trong thời điểm cả nước cũng như tỉnh và thị xã tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 bùng phát trên diện rộng. Đây là một đề án lớn, cần nhiều nguồn lực.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, hiện tại đang kết hợp triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nghị quyết số 10 ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh Yên Bái.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phát triển du lịch còn thiếu; kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn của lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch; tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch còn thấp, lao động có chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề còn ít, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao…
Thêm nữa là việc thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ còn chậm tiến độ như: xây dựng tuyến phố đi bộ, văn hóa, ẩm thực gặp khó khăn, chưa kêu gọi, thu hút được nhà đầu tư; việc phát triển các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của thị xã (từ khâu sản xuất, thiết kế bao bì sản phẩm, công tác tiếp thị trên thị trường) còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu tính hấp dẫn, do đó chưa kích thích được nhu cầu chi tiêu mua sắm của du khách; còn chậm trong xây dựng hồ sơ công nhận điểm du lịch cấp tỉnh, đề nghị công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia...
P.V: Để xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch theo đúng lộ trình, trong thời gian tới, thị xã sẽ tập trung vào các giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lương Mạnh Hà: Để xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch theo đúng lộ trình đã đề ra, trong thời gian tới, thị xã sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, nhất quán quan điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Giữ vững vai trò nền tảng của văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế.
Thứ hai, thị xã sẽ tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá, để mang hình ảnh mảnh đất và con người Nghĩa Lộ đến với du khách trong và ngoài nước; tiếp tục tổ chức tốt các sự kiện, các hoạt động lễ hội văn hóa, du lịch gắn với khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò hàng năm, vì đây là lễ hội lớn nhất, thu hút lượng khách lớn nhất trong năm.
Thứ ba, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để phục vụ nhu cầu của du khách. Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch trên địa bàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời tăng cường kêu gọi, vận động thu hút các nguồn lực đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Văn Tuấn (thực hiện)