Du lịch Yên Bái: Khách quốc tế: vì sao còn ít?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/4/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Theo báo cáo của Sở Thương mại và Du lịch, trong tổng số 170.051 lượt du khách đến tham quan du lịch tại Yên Bái trong năm 2006 vừa qua chỉ có 9.400 lượt khách quốc tế. Trong quý I/2007 có 52 ngàn lượt khách đến Yên Bái nhưng khách nước ngoài cũng chỉ có hơn 400 lượt. So với tiềm năng về du lịch của tỉnh nhà, đây là con số khá khiêm tốn.

Du thuyền trên đầm Hậu, xã Minh Quân (Trấn Yên). (Ảnh: Thanh Phúc)
Du thuyền trên đầm Hậu, xã Minh Quân (Trấn Yên). (Ảnh: Thanh Phúc)

Làm gì để thu hút khách quốc tế nhằm tạo nguồn thu, giải quyết công ăn việc làm, đồng thời giới thiệu đến bạn bè quốc tế về mảnh đất và con người Yên Bái đang là những thách thức lớn đối với những người làm công tác du lịch.   

Là tỉnh nằm ở lưu vực 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, phân chia Yên Bái thành những vùng văn hoá mang những nét riêng biệt, độc đáo làm nên những giá trị rất riêng không nơi nào có được. Đặc biệt hơn, Yên Bái còn là mảnh đất cư trú đầu tiên của người Thái Đen ở Việt Nam. Xét về nhiều phương diện, có thể khẳng định Yên Bái là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, với nhiều di tích thắng cảnh nổi tiếng như hồ Thác Bà, đất ngọc Lục Yên, bình nguyên xanh Khai Trung, cánh đồng Mường Lò...; đền Đông Cuông, Đại Cại, Thác Bà, chùa Ngọc Am, Tuần Quán; suối nước khoáng nóng thiên nhiên bản Bon, Bản Hốc (Văn Chấn)...

Các giá trị văn hóa dân gian khá độc đáo, lôi cuốn với nhiều lễ hội, tục lệ truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: lễ hội Lồng Tồng, Xên bản xên mường, Hạn Khuống của người Thái, lễ hội Tăm khẳu mẩu của người Tày, lễ hội cấp sắc của người Dao, lễ cầu mùa của người Khơ Mú, lễ mừng cơm mới của người Xa Phó... Bên cạnh đó là những nét sinh hoạt văn hoá đặc thù của các dân tộc với những điệu múa, những bản trường ca trữ tình cùng những nhạc cụ giàu âm điệu ...Không những thế, Yên Bái còn có những di tích lịch sử, đồng thời là di tích thắng cảnh được tôn tạo và lưu giữ như: di tích chiến khu Vần, Căng-đồn Nghĩa Lộ và bến Âu Lâu anh hùng như vẫn còn thấy âm vang của lịch  sử vọng về. 

Chính vì vậy, nếu như năm 2005 có 130 ngàn lượt khách đến Yên Bái thì năm 2006 có hơn 170.000 lượt du khách, doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, song nhìn chung tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến với Yên Bái còn quá ít và chủ yếu đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Xét theo quốc tịch thì du khách Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất (trên 70%), còn các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Singapore.. tới Yên Bái còn rất ít.

Sở dĩ, không thu hút được nhiều du khách quốc tế là do thực trạng của ngành du lịch tỉnh nhà còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất vẫn là thách thức lớn nhất. Có thể nhận thấy rằng, nhiều năm qua mà đặc biệt là trong hai năm trở lại đây, tỉnh đã bỏ nhiều tỷ đồng để đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông, hệ thống cơ sở lưu trú, nhưng nhìn chung cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn khá khiêm tốn. Khu du lịch hồ Thác Bà, du lịch Suối Giàng, suối nước nóng thiên nhiên bản Bon, du lịch đầm Hậu...là các điểm du lịch được xem như đầu đàn trong việc thu hút khách quốc tế nhưng cũng chỉ dừng ở mức sơ khai nên chưa thu hút được du khách nước ngoài. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền quảng bá các thương hiệu du lịch ra bên ngoài. Hồ Thác Bà, cánh đồng Mường Lò, suối nước nóng thiên nhiên bản Bon, động chùa Hương Thảo, bến Âu Lâu, Căng-đồn Nghĩa Lộ... và rất nhiều danh lam thắng cảnh khác lâu nay chúng ta chưa có được chiến lược quảng bá hợp lý.

Bà Maria- một du khách đến từ Canada nói: " Mảnh đất và con người của các bạn rất đẹp. Cảnh quan tự nhiên dường như chưa hề bị con người chi phối và đó là lý do để khách ngoại quốc như chúng tôi ưa thích. Tuy nhiên, các bạn cần phải đẩy mạnh quảng bá ra bên ngoài để thu hút du khách". Điều đáng suy nghĩ, lẽ ra trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém thì chúng ta cần xây dựng chiếc lược quảng bá các thương hiệu du lịch để phát triển kinh tế du lịch sinh thái, du lịch văn hoá nhằm tạo tiền đề thu hút du khách khi cơ sở hạ tầng được cải thiện.

Trình độ chuyên nghiệp hoá của đội ngũ làm công tác du lịch cũng còn nhiều hạn chế. Điều này không chỉ thể hiện ở hoạt động kinh doanh du lịch, công tác nghiên cứu thị trường còn thiếu kinh nghiệm mà  đơn giản nhất, còn ở trình độ ngoại ngữ của đội ngũ nhân viên du lịch. Ông Cù Đức Đua- Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch cho biết: " Hiện nay, tổng số lao động trong ngành có khoảng 600 người, trong đó có khoảng 30% được đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn, 20% không đúng ngành nghề còn lại là những lao động trong dân không qua đào tạo. Phần lớn lực lượng lao động trong ngành không qua đào tạo chính quy mà chỉ được bồi dưỡng ngắn hạn nên chất lượng phục vụ còn thấp. Đặc biệt, trình độ ngoại ngữ là một vấn đề nan giải". Cho dù, trong nhiều năm qua, chúng ta đã có nhiều cảnh báo về sự thiếu hụt đội ngũ nhân viên du lịch có trình độ ngoại ngữ nhưng thực tế này vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể do nhiều nguyên nhân...

Có thể nói rằng, những lý do này đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà, bởi một điều chắc chắn, nhiều khách quốc tế đến tham quan du lịch không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho địa phương mà chính bản thân họ cũng là đội ngũ rất có ý thức trong viêc bảo vệ tài nguyên môi trường Bởi vậy, thu hút du khách quốc tế nên chăng cần đưa thành một mục tiêu chiến lược trong kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tiếp theo.

Văn Tuấn

Các tin khác
Nhũ đá.

YBĐT - Xin mời du khách hãy một lần đến với Pu-Samcap thuộc tỉnh Lai Châu – một điểm du lịch hấp dẫn và lý thú mà chưa được nhiều người biết đến. Đến với Pu-Samcap du khách sẽ được chiêm ngưỡng, thưởng thức những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.

Rước kiệu Mẫu Thượng Ngàn tại lễ hội đền Đông Cuông ở Văn Yên.

YBĐT - Theo thống kê của ngành thương mại du lịch Yên Bái, những năm gần đây khách du lịch trong và ngoài nước đến với Yên Bái ngày càng tăng, nhất là vào dịp đầu năm mới, mùa lễ hội. Kéo theo đó là doanh thu từ dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng cũng tăng lên đáng kể, với doanh thu chỉ tính từ đầu năm đến nay đã đạt gần 50 tỷ đồng, chiếm 13% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội toàn tỉnh.

Cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang).

YBĐT - Ngược quốc lộ 2, xe chúng tôi đi qua các thị trấn Bắc Quang, Vị Xuyên rồi vào thị xã Hà Giang. Con đường từ ngày được cải tạo nâng cấp đã tấp nập xe khách, xe tải ngược xuôi. Hai bên đường, những vườn cam quả chín đỏ xen lẫn với vạt rừng xanh ngút ngàn. Thi thoảng lại xuất hiện một công trình công nghiệp như: nhà máy thủy điện, nhà máy tinh lọc cao lanh, nhà máy xi măng hay lắp ráp ô tô... làm cho bức tranh thiên nhiên Hà Giang đã bớt đi phần tĩnh lặng.

YBĐT - Đền Đại Cại - một trong những địa điểm trong quần thể di tích lịch sử văn hoá - khảo cổ học đã được Bộ Văn hoá thông tin công nhận tại xã Tân Lĩnh huyện Lục Yên. Tại đây có di tích chùa tháp Hắc Y bằng đất nung thuộc đời Trần, được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về tầm vóc lịch sử. Đền có từ ngàn xưa do nhân dân lập nên thờ bà chúa quân lương thành nhà Bầu Vũ Thị Ngọc Anh ( Tên tựa là Ngọc Nữ Huỳnh Dung).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục