Du lịch tâm linh - thế mạnh của du lịch Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 27/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo thống kê của ngành thương mại du lịch Yên Bái, những năm gần đây khách du lịch trong và ngoài nước đến với Yên Bái ngày càng tăng, nhất là vào dịp đầu năm mới, mùa lễ hội. Kéo theo đó là doanh thu từ dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng cũng tăng lên đáng kể, với doanh thu chỉ tính từ đầu năm đến nay đã đạt gần 50 tỷ đồng, chiếm 13% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội toàn tỉnh.
Rước kiệu Mẫu Thượng Ngàn tại lễ hội đền Đông Cuông ở Văn Yên.
|
Doanh thu từ các cơ sở lưu trú đạt trên 10 tỷ, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2006. Để đạt được những kết quả quan trọng và sự tăng trưởng của ngành du lịch thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng các khu du lịch danh lam thắng cảnh trên địa bàn còn phải kể đến loại hình du lịch văn hóa tâm linh, hoạt động đang được coi là thế mạnh của ngành du lịch Yên Bái.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có hàng chục đền, chùa và có nhiều đền chùa được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của nhân dân. Điển hình là đền Đông Cuông (Văn Yên), chùa Am, đền Tuần Quán, đền Bách Lẫm (thành phố Yên Bái), đền Mẫu Thác Bà (Yên Bình), đền Đại Cại (Lục Yên)… Hầu hết các du khách khi đến với Yên Bái đều tỏ ra hài lòng với cung cách hoạt động cũng như những nét đặc sắc của các đền chùa.
Việc đi lễ đầu xuân trước đây theo quan niệm chỉ là của những người mê tín dị đoan hay những người chuyên kinh doanh làm ăn buôn bán, có điều kiện kinh tế khá giả. Nhưng ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống kinh tế của mỗi người được nâng lên thì việc đi lễ đầu xuân đã trở thành một thói quen không thể thiếu của nhiều người dân ở cả nông thôn và thành thị. Đó cũng là một nét văn hóa tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và nó được thể hiện rõ nhất mỗi độ xuân về. Nhận thấy rõ tiềm năng, thế mạnh của du lịch tâm linh thời gian qua, tỉnh Yên Bái cũng đã có sự quan tâm, đầu tư đáng kể, nâng cấp, cải tạo, tu sửa đền chùa, miếu mạo đẹp, khang trang, bề thế hơn. Việc tổ chức, quản lý các dịch vụ văn hóa ở đền chùa ngày càng được chặt chẽ, đi vào nề nếp ổn định, không có hiện tượng người bán hàng, cò mồi chèo kéo khách du lịch, đồng thời cũng không có các tụ điểm và điểm nóng về những hoạt động tín ngưỡng không lành mạnh. Chính vì những đặc điểm đó mà chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2007 toàn tỉnh đã đón và phục vụ trên 30 nghìn lượt khách, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách du lịch quốc tế đạt gần 1 nghìn lượt người. Đặc biệt khi đến với Yên Bái trong mùa lễ hội du khách còn có điều kiện để hiểu thêm về truyền thống lịch sử của quê hương Yên Bái; được xem và tham gia nhiều trò chơi dân gian, các lễ nghi mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Việt Nam nói chung và nét văn hóa vùng Tây Bắc nói riêng.
Nhờ thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan đi lễ hội mà thời gian qua các đền chùa ở Yên Bái đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp to lớn của du khách để xây dựng, sửa sang, tu bổ cơ sở vật chất, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn phát huy các di sản văn hóa và quảng bá tiềm năng văn hóa du lịch, một ngành còn rất trẻ ở tỉnh nhà. Bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động du lịch tâm linh thời gian qua cũng phải thẳng thắn nhìn nhận ở Yên Bái vẫn còn một số hạn chế trong việc quảng bá tiềm năng du lịch. Hiện nay các tua, tuyến du lịch trong tỉnh chưa được quan tâm hình thành rõ nét. Loại hình du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái, du lịch văn hóa chưa được gắn kết với nhau để tạo thành một thế mạnh. Nhiều cơ sở đền, chùa ở Yên Bái cũng chưa tạo thành những điểm thu hút khách thăm quan. Ở các đền, chùa còn rất thiếu những chỗ ăn nghỉ, tạo sự yên tâm thoải mái cho khách du lịch, trong mùa lễ hội năm nay vẫn còn hiện tượng khách du lịch ngủ, nghỉ ngay tại các đền, chùa.
Nếu chúng ta có nhiều giải pháp quan tâm đầu tư đúng hướng, tin rằng hoạt động du lịch tâm linh ở Yên Bái sẽ ngày một phát triển, mà một trong số đó là ngành du lịch thương mại Yên Bái có thể gắn kết 2 loại hình, hình thành những tua, tuyến du lịch hấp dẫn hướng dẫn du khách đi theo một lộ trình có thứ tự, tạo cảm giác yên tâm thoải mái để thu hút khách.
Bích Thu
Các tin khác
YBĐT - Ngược quốc lộ 2, xe chúng tôi đi qua các thị trấn Bắc Quang, Vị Xuyên rồi vào thị xã Hà Giang. Con đường từ ngày được cải tạo nâng cấp đã tấp nập xe khách, xe tải ngược xuôi. Hai bên đường, những vườn cam quả chín đỏ xen lẫn với vạt rừng xanh ngút ngàn. Thi thoảng lại xuất hiện một công trình công nghiệp như: nhà máy thủy điện, nhà máy tinh lọc cao lanh, nhà máy xi măng hay lắp ráp ô tô... làm cho bức tranh thiên nhiên Hà Giang đã bớt đi phần tĩnh lặng.
YBĐT - Đền Đại Cại - một trong những địa điểm trong quần thể di tích lịch sử văn hoá - khảo cổ học đã được Bộ Văn hoá thông tin công nhận tại xã Tân Lĩnh huyện Lục Yên. Tại đây có di tích chùa tháp Hắc Y bằng đất nung thuộc đời Trần, được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về tầm vóc lịch sử. Đền có từ ngàn xưa do nhân dân lập nên thờ bà chúa quân lương thành nhà Bầu Vũ Thị Ngọc Anh ( Tên tựa là Ngọc Nữ Huỳnh Dung).
YBĐT – Theo dòng du khách thập phương đổ về đất Văn Yên (Yên Bái), những ngày đầu xuân này chúng tôi tìm về đền Đông Cuông, một trong hai ngôi đền lớn ở thượng lưu sông Hồng. Tại đây, vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống và nét đặc trưng riêng có trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày Khao. YBĐT xin giới thiệu cùng quý vị và các bạn toàn cảnh không khí lễ hội này.
Ở thành phố hiện nay có nhiều điểm hoạt động văn hóa tín ngưỡng như: Đền Đông Cuông Vọng, Đền Tuần Quán, Chùa Ngọc Am… trong đó có Đền Mẫu, thuộc địa phận xã Nam Cường.