Huyện Văn Yên có hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải thuận tiện với đường bộ, đường sắt, đường thủy và đây chính là một trong những cơ hội, điều tốt cho phát triển du lịch. Huyện có 12 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có một sắc thái văn hóa đặc trưng, độc đáo; có nhiều sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm du lịch như: các sản phẩm từ quế, văn hóa phi vật thể, ẩm thực địa phương; y dược học cổ truyền - tiềm năng cho du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, Văn Yên cũng được biết là huyện có di tích lịch sử, văn hóa được công nhận, xếp hạng di tích nhiều nhất tỉnh, với 28 di tích. Cùng đó, huyện có nhiều cảnh đẹp: thác nước, hang động, ruộng bậc thang, suối khoáng nóng, nhiều hồ thủy điện có thể phát triển du lịch trên lòng hồ...
Xác định rõ tiềm năng du lịch, do đó, mục tiêu phát triển du lịch huyện Văn Yên được nêu trong Nghị quyết XVI Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 là "Xây dựng huyện Văn Yên trở thành trung tâm về du lịch của vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên”.
Trên cơ sở các tiềm năng, thế mạnh của huyện, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm và coi phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để chỉ đạo thực hiện, tập trung làm tốt tuyên truyền, quảng bá về du lịch Văn Yên bằng nhiều hình thức, trọng tâm là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư, lễ hội. Huyện cũng đã định hình được 4 loại hình du lịch để tập trung phát triển.
Theo đó, huyện đã phát huy được tiềm năng các di tích để phát triển du lịch tâm linh và là điểm du lịch tâm linh trọng điểm của tỉnh; hình thành được 6 mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng; 1 điểm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với hội nghị, hội thảo; 2 điểm du lịch Farmstay.
Huyện huy động các nguồn lực Nhà nước và xã hội hóa để củng cố hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Phục dựng và bảo tồn các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt Lễ hội đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Huyện cũng đã thành lập mới được 4 hợp tác xã du lịch và hình thành được một số tour du lịch kết nối các điểm du lịch của huyện…
Qua 6 tháng đầu năm 2023, huyện Văn Yên đón khoảng 230.150 lượt khách du lịch; trong đó, khách lưu trú khoảng 38.000 lượt người, khách quốc tế khoảng 1.240 lượt người, doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 128,5 tỷ đồng và lượng khách trên chủ yếu đến các điểm di tích về tâm linh, đặc biệt là đền Đông Cuông.
Mặc dù đã đạt được kết quả quan trọng, nhưng trong phát triển du lịch của huyện Văn Yên vẫn còn gặp một số khó khăn. Trong đó, du lịch của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; các dịch vụ, chất lượng hạn chế, sản phẩm du lịch còn ít, kết cấu hạ tầng du lịch còn thiếu và chưa đồng bộ.
Việc huy động các thành phần kinh tế tham gia dịch vụ du lịch còn hạn chế, chưa có nhà đầu tư lớn đầu tư vào địa bàn; các tuor, tuyến, điểm đến hình thành chưa rõ nét; các sản phẩm lưu niệm, hàng hóa mang tính đặc trưng của địa phương chưa hấp dẫn du khách; nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch còn thiếu, chất lượng không cao; nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn chế.
Huyện Văn Yên được tỉnh xác định du lịch tâm linh sẽ là du lịch chủ đạo, đặc trưng để thu hút du khách đến với địa phương cũng như kết nối với các loại hình du lịch khác trên địa bàn huyện. Do đó, trong thời gian tới, huyện sẽ nâng cấp đường giao thông đến khu di tích; đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình tín ngưỡng gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng, địa phương tham gia vào hoạt động du lịch.
Tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện du lịch có trách nhiệm và giữ gìn điểm đến sạch đẹp đối với người dân địa phương cũng như du khách. Tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các công ty du lịch, lữ hành khai thác các tour văn hóa tâm linh…
Thu Hiền