Khám phá Cù lao Chàm
- Cập nhật: Thứ hai, 23/4/2007 | 12:00:00 AM
Ra đảo Cù lao Chàm - một cụm đảo với 8 hòn đảo nhỏ để khám phá sườn đồi là một niềm vui thú mới đối với cư dân Hội An và du khách.
Khách đến Cù lao.
|
Bỏ qua những bãi cát dài trắng mịn phản chiếu ngũ sắc trong nắng sớm, xỏ giày leo lên những sườn đồi, bạn như được thiên nhiên bao bọc trong sắc xanh của lá, những đóm hồng của cây ngô đồng và hơi lạnh của đá.
Tạo tác thiên nhiên
Theo các nhà địa chất, Cù lao Chàm là phần kéo dài về phía đông nam của khối đá hoa cương (granit) Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà được hình thành cách đây khoảng 230 triệu năm. Hệ thống đứt gãy này đã tạo điều kiện cho sự mở rộng các thung lũng, làm nên nhiều hồ chứa nước trên sườn đồi và hàng trăm hang, hốc sâu - những cảnh đẹp thơ mộng, huyền ảo. Ở phía đông của Hòn Lao, vách đá dựng đứng cao đến 100m thường xuyên bị sóng dữ vỗ tạo thành tháp, tường, đá chồng, thác nước, đá đổ và các mạch nước ngầm thành hình các bàn cờ, rùa, đá, đầu người, trống - mái...
Trong khi khảo sát môi trường và tài nguyên biển đảo để thực hiện dự án Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm, chuyên gia Hans Dilev của Đại học Aarhus - Đan Mạch khẳng định đây là nơi lý tưởng cho du lịch sinh thái, tổ chức tốt các hoạt động du lịch lặn biển và là một trong số rất ít đảo của Việt Nam còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn.
Thảm thực vật đa dạng
Khi men theo những con đường mòn leo lên sườn núi, trên những lùm cây lá thấp là rừng xanh cây lá rộng nhiệt đới phân bố từ độ cao 50 - 500m, có nhiều loại gỗ quý như gõ biển, huỷnh, lim xẹt và vô vàn chủng loại lâm sản như song, mây, cây làm thuốc. Thú vị nhất là nhiều loại phong lan nở hoa quanh năm với loài huyết nhung tía. Ở sườn đồi phía đông của đảo, do địa hình dốc vẫn tồn tại thảm thực vật cây bụi và những trảng cỏ với nhiều loại đặc trưng như sến đất, huyết giác và cỏ cứng.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Khoa học tự nhiên - Hà Nội, tại Cù lao Chàm có nhiều loại cây cảnh rất đẹp đã sống vài ba trăm năm với hình dạng lạ mắt. Bạn có thể đi dạo, nghỉ ngơi, ngồi bên con Suối Tình ngắm dòng nước chảy hay trông thấy những cây tuế cao 2 - 3m mọc nhiều trên đảo Hòn Dài, chiêm ngưỡng dáng vẻ kỳ lạ của cây vông nem đường kính gần 2m, có bạnh lớn - một loài đa rễ bám vào tảng đá hoặc quấn quanh thân gỗ khác. Đây là hiện tượng mà giới chuyên môn gọi là "bóp cổ".
Có cả động vật hoang dã
Thảm thực vật có độ bao phủ lớn chính là nơi cư trú của nhiều loại động vật. Hiện Cù lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái. Trong đó có 2 loài được ghi vào Sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài. Đối với cư dân cù lao, những chú khỉ đuôi dài tinh nghịch xuống tận bờ đá giáp với mặt nước biển vào mỗi sớm chiều đã trở thành nếp sinh hoạt thường nhật. Nhiều người kể rằng, chúng khoái chí ném đá ra biển và hét toáng lên khi thấy tàu thuyền đi ngang.
Trên 8 hòn đảo nhỏ, mỗi nơi có mỗi điều kỳ thú khác. Tuy nhiên, chỉ cần đi theo con đường nhựa cấp phối quanh lưng đảo Hòn Lao, bạn không chỉ tận hưởng trời nước mênh mông mà còn khám phá thế giới tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú. Cù lao Chàm luôn là điểm đến lý thú cho những ai yêu thích vùng sinh thái biển mà thiên nhiên nơi đây ban tặng.
(Theo Hà Tây)
Các tin khác
Đây là lễ hội truyền thống từ xa xưa được khôi phục lại sau hàng chục năm gián đoạn, nhằm tái hiện lại những nét văn hoá đặc sắc của một vùng đã từng nổi danh "thứ nhất Kinh kỳ thứ nhì Phố Hiến".
Cồn Hến - Vỹ Dạ là một địa điểm nằm ngay bên dòng sông Hương từ lâu đã nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã đặc trưng của xứ Huế. Mỗi món ăn ở đây đều chứa đựng những nét văn hóa ẩm thực không nơi nào có được.
Ông Phạm Từ - Phó Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, việc Việt Nam được nhiều công ty du lịch có tiếng quốc tế đánh giá là “một điểm đến an toàn và hấp dẫn nhất Đông Nam Á" sẽ là một lợi thế cho ngành du lịch Việt Nam phát triển và thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
YBĐT - Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên (Sa Pa, Lào Cai) không chỉ nổi tiếng về cảnh sắc hùng vĩ, ẩn chứa trong mình nhiều điều kỳ thú về hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn mà còn có đỉnh Phan-xi-păng cao 3.143 mét. Được ví là nóc nhà của Đông Dương, ngọn Phan-xi-păng hùng vĩ luôn là niềm khao khát của những người ưa mạo hiểm, mong muốn được đặt chân đến, được chạm tay vào khối kim loại hình kim tự tháp…