Yên Bái bảo tồn, phát huy giá trị chè Shan tuyết

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/10/2023 | 7:36:26 AM

YênBái - Chè Shan tuyết cổ thụ đã có ở Yên Bái hàng trăm năm và gắn bó mật thiết với đời sống đồng bào dân tộc vùng cao. Từ một cây trồng để giữ đất, giữ nước, chống xói mòn và bảo vệ làng bản, giờ đây chè Shan tuyết đã mang lại hiệu quả kinh tế với những giá trị bản sắc riêng để thu hút du khách khám phá, trải nghiệm.

Trình diễn nghệ thuật pha trà tại Lễ hội Trà Shan tuyết Văn Chấn năm 2023.
Trình diễn nghệ thuật pha trà tại Lễ hội Trà Shan tuyết Văn Chấn năm 2023.


Nhắc đến chè Shan tuyết cổ thụ không thể không nhắc đến Suối Giàng - nơi có quần thể hàng trăm nghìn cây chè có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm; trong đó có hơn 400 cây đã được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Với diện tích gần 500 ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên là 293 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng, Suối Lóp… chè Shan tuyết là nguồn thu nhập chính và gắn liền với đời sống bao đời nay của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. 

Với đặc tính sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên nên chè Shan tuyết thường có các tác nhân gây hại, tác động mạnh, làm giảm tuổi thọ, đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều vườn chè cổ thụ. Bên cạnh đó, vì lợi ích trước mắt, thời gian qua, nhiều người dân đã chặt hạ, khai thác bán cho dân chơi cây cảnh... dẫn đến nguy cơ chè Shan tuyết cổ thụ bị "xóa sổ”.  

Theo ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, hiện nay, toàn huyện có trên 1.500 ha chè Shan tuyết; trong đó, xã Suối Giàng chiếm gần 500 ha, diện tích còn lại ở các xã Nậm Búng, Gia Hội, Nậm Mười, Sùng Đô, Suối Quyền và Suối Bu. 

Trước nguy cơ phá hoại của mối, mọt, gia súc, những năm gần đây, huyện đã quan tâm hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và các nhà khoa học rà soát, nghiên cứu chống mối, mọt, đánh dấu những cây đầu dòng để bảo tồn nguồn gen quý. 


Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thành quy hoạch các diện tích chè cổ thụ gắn với quy hoạch khu du lịch sinh thái Suối Giàng; hướng dẫn nhân dân trồng mới và chăm sóc các diện tích chè hiện có. 

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 3.500 ha chè Shan tuyết, tập trung ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên và rải rác trên một số ngọn núi cao của huyện Trấn Yên. 

Để bảo tồn, phát huy giá trị trên diện tích chè Shan tuyết, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với các ngành hữu quan thực hiện gắn biển có đánh số thứ tự, ghi thông tin, lập sổ theo dõi, lập sơ đồ số hóa; gắn  biển chỉ dẫn tại các khu tập trung nhằm hướng dẫn, quảng bá vùng chè Shan tuyết cổ thụ. 

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, cấm khai thác, vận chuyển chè cổ thụ ra khỏi địa bàn, phát hiện xử lý nghiêm hành vi chặt hạ, khai thác chè cổ thụ. 


Sản phầm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Suối Giàng tại Lễ xuất hàng sang thị trường nước Anh. 

Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: Đối với gần 100 ha chè Shan tuyết cổ thụ tự nhiên tập trung tại 2 xã Phình Hồ và Làng Nhì, huyện tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị, sản phầm chè; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn. 

"Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai hỗ trợ người dân phục tráng và nhân rộng diện tích chè Shan hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm, tạo vùng nguyên liệu chè sạch, đảm bảo chất lượng tuyệt hảo, nhằm xây dựng thương hiệu và nâng tầm giá trị các sản phẩm chè Shan mang gốc bản địa đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới” - ông Hưng nói. 

Cùng với bảo tồn, giữ gìn và nhân rộng diện tích chè Shan tuyết, tỉnh Yên Bái cũng tập trung triển khai hàng loạt giải pháp để quảng bá, phát huy giá trị của cây chè Shan tuyết. Tại huyện Văn Chấn, lần đầu tiên Lễ hội Trà Shan tuyết lần thứ nhất năm 2023 đã được tổ chức nhằm đưa cây chè Shan tuyết cổ thụ và sản phẩm từ chè trở thành điểm nhấn trong hành trình khám phá, trải nghiệm du lịch của địa phương. 

Ông Đặng Duy Hiển - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Lễ hội Trà Shan tuyết lần đầu tiên được tổ chức như một ly trà mở lời đón tiếp du khách đã và sẽ đến với vùng đất hội tụ tinh hoa giữa ngàn mây. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung bảo vệ nhãn hiệu, quảng bá và quản lý thương hiệu chè Suối Giàng trên thị trường trong và ngoài nước; đa dạng các hình thức kinh doanh, xúc tiến, quảng bá sản phẩm của địa phương; đồng thời khuyến khích người dân khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm, các hoạt động quảng bá, phát triển dịch vụ du lịch xanh, bản sắc”. 

Được biết, hiện nay, chè Shan tuyết ở Văn Chấn được sản xuất thành sản phẩm OCOP với mẫu mã, bao bì, giá trị cao, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Bà Lâm Thị Thoa - Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng cho biết: "Chúng tôi đã ký cam kết với các hộ dân trong xã để tiến hành bao tiêu, thu mua chè búp tươi cho bà con với giá thành ổn định và quy hoạch vùng nguyên liệu lâu dài. Việc sản xuất, đóng gói các sản phẩm chè cũng được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên chất lượng các sản phẩm chè được nâng cao, người thưởng trà trong và ngoài nước rất ưa chuộng". 

"Vừa qua, chúng tôi có 1.600 hộp chè được xuất khẩu sang thị trường nước Anh. Các sản phẩm này đều đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chỉ tiêu chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác theo tiêu chuẩn châu Âu" - bà Thoa thông tin. 


Cùng với chè Shan tuyết Văn Chấn thì cây chè Shan tuyết ở xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu từ lâu cũng đã khẳng định được vị thế, giá trị trên thị trường, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân vùng cao nơi đây. 

Đến nay, chè Shan tuyết Phình Hồ đã có nhiều sản phẩm trà nổi tiếng như: hồng trà, bạch trà... được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cây chè Shan tuyết ở Trạm Tấu cũng đã được cấp chỉ dẫn địa lý với diện tích trên 700 ha, tập trung chủ yếu ở hai xã Phình Hồ và Làng Nhì. 

Để nâng cao giá trị cây chè, bảo đảm vùng nguyên liệu hữu cơ cho sản xuất, huyện Trạm Tấu tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăm sóc các sản phẩm chè Shan hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu. 

Huyện tích cực chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, hái chè bằng tay, hạn chế việc đốn, tỉa để đảm bảo thời gian tích lũy dinh dưỡng trong cây dài nhất, tạo búp chè có chất lượng cao nhất.

Cùng với những giải pháp tăng cường quảng bá, xây dựng nhãn hiệu chè Shan tuyết, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tỉnh Yên Bái đã và đang chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp chế biến và người dân trồng chè; thu hút đầu tư du lịch sinh thái cho những vùng chè Shan tuyết tập trung, tiến tới đưa cây chè Shan tuyết cổ thụ và sản phẩm từ chè sẽ trở thành điểm nhấn trong hành trình khám phá, trải nghiệm du lịch của địa phương. 

Hùng Cường

Tags Yên Bái Văn Chấn Trạm Tấu bảo tồn giá trị shan tuyết Suối Giàng Phình Hồ

Các tin khác
Bước chân trên hai miền mây trắng và mây tím Tà Chì Nhù.

Tà Chì Nhù, địa danh mỗi khi xướng âm nghe như bước chân chắc nịch của chàng porter người Mông nhịp xuống mặt núi trên độ cao 2.979 mét, như một lời khẳng định tự tin về dấu ấn của một trong những đệ nhất cảnh sắc núi rừng Tây Bắc. Người ta không chỉ biết đến nơi đây với thiên đường mây mà còn bởi những đồn đại về miền cổ tích Chi Pâu tím.

Lễ công bố Quyết định ghi danh Lễ hội Đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và Khai mạc Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2023

Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên là điểm đến hấp dẫn của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh.

Lễ rước Mẫu sang sông.

Theo kế hoạch, từ ngày 17/10 - 25/10, tại quần thể Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên sẽ diễn ra Festival tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội cơm mới năm 2023 với nhiều hoạt động đặc sắc và mới lạ.

Du khách tham quan, chụp ảnh ở khu ruộng bậc thang đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

Yên Bái đương độ giữa thu, thật vàng là nắng, thật xanh là trời, thật lành là gió. Sôi động ngay từ cuối tháng Chín, nhiều hoạt động, sự kiện lớn, quan trọng của tỉnh và các địa phương diễn ra liên tục đúng như chia sẻ của bà Vũ Thị Mai Oanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: “Yên Bái là tỉnh trong khu vực Tây Bắc tổ chức chuỗi sự kiện, hoạt động dày đặc trong khoảng thời gian đẹp nhất của năm”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục