Trong quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch, huyện Mù Cang Chải chú trọng khai thác, tạo dựng và đưa vào hoạt động các điểm du lịch mới, các cơ sở lưu trú mới, lan tỏa phong trào phát triển du lịch đến các tất cả 14 xã, thị trấn.
Ở Mù Cang Chải, cứ nhắc đến ruộng bậc thang, du khách sẽ nghĩ ngay đến đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn hay Móng Ngựa Mồ Dề mà ít biết xã Lao Chải cũng có ruộng bậc thang tuyệt đẹp cùng truyền thống văn hóa đặc sắc, bãi đá cổ như một bức bích hoạ về ruộng bậc thang kỳ vĩ trên đá.
Để khai thác thế mạnh về du lịch, xã Lao Chải đã tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thủ tục, đăng ký thụ hưởng các cơ chế, chính sách để tiếp cận với nguồn vốn chính sách nhằm cải tạo, nâng cấp nhà cửa, mua sắm đồ dùng, thiết bị phục vụ lưu trú, tham gia lớp đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng làm du lịch cộng đồng.
Nhờ đó, năm 2023, Tổ hợp tác du lịch gồm 6 thành viên đã ra mắt sản phẩm du lịch đầu tiên của xã gồm: Homestay A Sình ở bản Dào Xa cùng các sản phẩm bánh dày, táo mèo khô, gạo lứt đỏ, chẩm chéo, măng ớt…
Chị Lý Thị Thiêm - Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cho biết: "Với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, cuối tháng 9 vừa qua, Homestay A Sình đã chính thức đi vào hoạt động, kịp thời phục vụ du khách mùa lễ hội lớn nhất trong năm của huyện. Homestay có 5 phòng riêng, 1 nhà sàn có sức chứa 40-50 người, phục vụ cả ăn, nghỉ và tắm lá thuốc dân tộc Dao đỏ.
Homestay đã có những đoàn khách đầu tiên với khoảng 400 lượt khách/tháng. Chúng tôi còn mới ra mắt thêm các sản phẩm đặc trưng của đồng bào phục vụ nhu cầu mua sắm làm quà cho khách du lịch. Thời gian tới, khi có nhiều du khách đến với Lao Chải, các sản phẩm này sẽ bổ trợ cho hoạt động du lịch, giúp người dân có thu nhập và việc làm”.
Năm 2023, việc ra mắt các sản phẩm phục vụ du lịch trở thành một nhiệm vụ để các địa phương có kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu "mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm du lịch”.
Ông Trần Trung Kiên - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: "Để thúc đẩy tất cả các địa phương trên địa bàn huyện xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch, Phòng đã cùng các địa phương tổ chức khảo sát, lựa chọn thêm địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch để tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phục vụ khách du lịch cho cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh địa phương và bản sắc độc đáo dân tộc”.
"Nhờ đó, đến nay, huyện đã ra mắt được 19 trên kế hoạch 14 sản phẩm du lịch mới. Có những xã còn ra mắt 2 sản phẩm du lịch như: xã Cao Phạ với điểm cắm trại Koong Hill tại bản Tà Dông và tắm lá thuốc, xông hơi ở bản Tà Sung; xã Mồ Dề với Hợp tác xã Võng Lúa và Chế tác khèn Mông cùng Nhà du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở bản Háng Phừ Loa…”, ông Kiên cho biết thêm.
Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất chuyên canh hàng hóa, chế biến tạo ra các sản phẩm mang đặc trưng riêng của các dân tộc phục vụ du lịch. Đơn cử như: gạo Séng cù xã Hồ Bốn; các loại rau, củ, quả sạch ở Háng Gàng, xã Lao Chải; ớt thóc ngâm, táo mèo khô, mứt táo mèo của xã Kim Nọi; bánh khẩu si, khẩu thọng chảy - một loại bánh làm từ gạo nếp của người Thái ở thị trấn Mù Cang Chải…
Rõ ràng, khi các sản phẩm du lịch được đa dạng hóa sẽ giúp du khách có thêm lựa chọn, góc nhìn để trải nghiệm, khám phá vùng đất, văn hóa, con người Mù Cang Chải. Các sản phẩm nông sản thì thúc đẩy du khách chi tiêu nhiều hơn. Điều này sẽ làm phong phú thêm diện mạo du lịch, thu hút du khách và góp phần lan tỏa, quảng bá nét đẹp thiên nhiên, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, ngành nghề truyền thống của cộng đồng người Mông đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Hoài Anh