Dấu ấn con đường truyền giáo lên cao nguyên
Từ đầu thế kỷ XVII, thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã có nhiều người phương Tây, trong đó có các nhà truyền giáo tới Việt Nam. Thiên Chúa giáo ở Việt Nam đã bắt đầu có những tiếp xúc sơ khai thông qua những cuộc giao thương với người phương Tây. Đến giữa thế kỷ XVII, giáo phận đã được thiết lập ở Đàng Trong và Đàng Ngoài với phân cách sông Gianh (Quảng Bình). Khi đó, Tây Nguyên vẫn là một vùng đất hoang sơ và đầy bí ẩn; chỉ có người dân tộc bản địa, hầu như chưa có người Kinh.
Phải hơn 200 năm sau, vào đầu thập niên 40 của thế kỷ XIX, các linh mục người Pháp mới khai mở những con đường truyền giáo lên Tây Nguyên từ các tỉnh duyên hải như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy những chuyến đi đầu tiên không thành nhưng đã tạo nên một con đường từ Quảng Ngãi lên Kon Tum dài 120km, bắt đầu từ ngã ba Thạch Trụ, Quảng Ngãi qua Ba Tơ, đèo Violak. Con đường này có tên là con đường "Muối, gốm sứ và cồng chiêng” do đây là các mặt hàng giao thương chính giữa người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số trong khu vực. Các nhà truyền giáo đã lấy con đường này làm cơ sở để đặt nền móng cho sự nghiệp truyền giáo ở Tây Nguyên, bắt đầu từ Kon Tum.
Cùng với việc truyền giáo, các linh mục người Pháp cho xây dựng các cơ sở Thiên Chúa giáo của phương Tây, nhằm phục vụ cho công cuộc hành đạo và làm nơi ăn ở, sinh hoạt. Nhà thờ đầu tiên được xây vào năm 1870 với quy mô khiêm tốn và vật liệu đơn giản như tre, gỗ. Khi số lượng giáo dân đông dần, linh mục Giuse Decrouille được giao cai quản xứ đạo Kon Tum. Từ năm 1913 - 1918, ông đã xây dựng một ngôi nhà thờ lớn với vật liệu chủ đạo là gỗ.
Ngày 14-1-1932, Giáo hoàng Piô XI quyết định thành lập Giáo phận Kon Tum gồm ba tỉnh Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk và một phần lãnh thổ Attapư thuộc Lào, phong linh mục Martial Pierre Marie Jannin Phước làm Giám mục Tông tòa Giáo phận Kon Tum. Đây là giáo phận đầu tiên, lâu đời nhất của khu vực Tây Nguyên và là một trong 27 giáo phận Công giáo Rôma ở Việt Nam. Sau khi chia tách tỉnh và các giáo phận, hiện giáo phận Kon Tum gồm hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai; là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng…
Kiến trúc độc đáo
Nhà thờ Chính tòa Kon Tum là công trình kiến trúc độc đáo, là điểm nhấn đô thị của thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum ngày nay. Vào đầu thế kỷ XX, khi người Pháp du nhập vào Việt Nam những loại hình kiến trúc và vật liệu mới như bê tông, thép… thì công trình này lại là một ngoại lệ. Mặc dù là một công trình kiến trúc tôn giáo của phương Tây song lại mang tính bản địa cao, gần gũi với văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Công trình sử dụng vật liệu chính là gỗ cà chít (gỗ sến đỏ), một loại gỗ tốt phổ biến ở Tây Nguyên xưa. Vật liệu gỗ được dùng để làm hệ khung kết cấu, sàn, cửa, cầu thang, lan can, một số vách tường, các chi tiết trang trí nội, ngoại thất… Hệ tường bao che chính và trần được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu nhà truyền thống của người miền Trung Việt Nam. Mái nhà thờ lợp ngói đất nung hình vảy cá. Những thợ mộc lành nghề và tài hoa từ Bình Định và Quảng Ngãi được tuyển đến để xây dựng công trình này.
Nhà thờ gỗ có diện tích xây dựng hơn 1.200m2, nằm trong một khuôn viên rộng với nhiều hạng mục khác tạo thành một quần thể khép kín như nhà tiếp khách, nhà lưu trú, nhà bếp, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, cô nhi viện, cơ sở may - dệt thổ cẩm, cơ sở mộc... Mặt bằng nhà thờ gỗ được thiết kế theo phong cách Basilica truyền thống hình chữ thập, với cung thánh nằm ở trung tâm; phía trước và hai bên thánh đường có hiên rộng. Mặt đứng công trình có bố cục đăng đối, theo hình tháp vút lên trên, chia làm 4 tầng với 4 tầng mái tương ứng.
Tầng trên cùng là tháp chuông, trên đỉnh tháp chuông là một cây thánh giá bằng gỗ quý. Chiều cao công trình tới đỉnh tháp chuông là 25m. Mặt bên công trình gây ấn tượng với hệ mái hiên dốc được nhắc lại nhiều lần cùng mái thánh đường trải dài. Những cột gỗ và hệ lan can gỗ thanh mảnh tạo nên nét duyên dáng, bay bổng cho công trình. Toàn bộ công trình được đặt trên một nền cao 1m, phía trước là bậc thềm, phía trong là một tầng trống nhằm ngăn cách ẩm ướt từ nền đất.
Về phong cách, Nhà thờ gỗ là một sự kết hợp tài tình giữa phong cách Roman cổ điển phương Tây với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. Những vòm cuốn Roman và những nếp mái dốc kết hợp với nhau hài hòa tạo nên những nhịp điệu kiến trúc đầy hoa mỹ. Những ô cửa hoa hồng điển hình của Nhà thờ Công giáo Rôma và những hoa văn trang trí mang tính bản địa kết hợp với nhau khéo léo tạo nên nét đặc sắc cho công trình…
Nhà thờ gỗ không chỉ dành riêng cho người Công giáo tới hành lễ và cầu nguyện, mà còn là một điểm đến không thể bỏ qua đối với cả người dân Kon Tum và du khách. Đặc biệt, ở đây còn có một phiên chợ nhỏ bày bán các sản phẩm thủ công từ các buôn làng trong vùng. Trải qua hơn 100 năm tồn tại, nhà thờ còn là chứng nhân lịch sử của vùng đất Tây Nguyên và là một biểu tượng kiến trúc của phố núi Kon Tum.
(Theo HNMO)