Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch rất cần những chính sách thị thực mang tính đột phá, cởi mở và thuận tiện hơn nữa cho du khách nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương. Từ giữa tháng 8/2023, Việt Nam quyết định mở rộng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và nâng thời hạn tạm trú từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn; đồng thời, nâng thời hạn tạm trú của công dân 13 nước được miễn thị thực đơn phương lên 45 ngày. Chính sách cấp thị thực điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với trước đây để thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Với thủ tục đơn giản, thuận tiện, lại có giá trị nhập cảnh nhiều lần trong vòng 90 ngày, thị thực điện tử đã giúp Việt Nam trở nên thân thiện hơn trong mắt các du khách quốc tế. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung hai tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn ba triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 98,5% so với khi chưa xảy ra dịch Covid-19.
Về quy mô thị trường của hai tháng đầu năm, các khu vực đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Nổi bật là sự phục hồi tăng của thị trường châu Á (77,8%), châu Âu (76%), châu Đại Dương (36,5%). Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, nhất là các thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực như: Italia (82,3%), Nga (58,7%), Tây Ban Nha (48,5%), Pháp (34,6%), Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (32,6%)…
Sự sôi động của hoạt động du lịch cùng kết quả đón khách quốc tế trong hai tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi rất tích cực của ngành du lịch Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, chính sách thị thực đã trở thành công cụ sắc bén để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến tham quan, du lịch ở Việt Nam.
Xác định được vai trò quan trọng của chính sách "nới” thị thực đối với sự phát triển của du lịch trong tình hình mới, nhiều nước trong khu vực, nhất là những đối thủ cạnh tranh lớn của du lịch Việt Nam như Thái Lan, Malaysia và Singapore đã nhanh chóng tăng tốc trên đường đua, mở rộng cánh cửa thu hút khách quốc tế. Hiện nay, Thái Lan đã miễn thị thực cho 76 quốc gia, Malaysia miễn thị thực cho 156 quốc gia, Singapore là 162 quốc gia và Philippines là 157 quốc gia…, còn Việt Nam là 25 quốc gia.
Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết, các nước trong khu vực đang nỗ lực thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm và tạo điều kiện dễ dàng cho khách quốc tế nhập cảnh. Thái Lan miễn thị thực cho 76 quốc gia và có kế hoạch miễn thị thực thêm cho một số nước châu Âu, kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 90 ngày cho khách du lịch của một số nước. Singapore miễn thị thực cho công dân của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong thời hạn lưu trú từ 30 đến 90 ngày.
Một chính sách thị thực thông thoáng và dài hạn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt khách quốc tế, là đòn bẩy giúp cho du lịch phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong cuộc đua thu hút khách quốc tế. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành, để đưa ngành du lịch bứt phá trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục nới lỏng chính sách thị thực để tạo lợi thế cạnh tranh xứng tầm với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam nên mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn; đồng thời, thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ sáu tháng đến một năm) cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… nhằm kích cầu du lịch, phát triển mạnh các thị trường lớn này.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành đàm phán với các nước và miễn thị thực song phương với 15 nước; đồng thời đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương, có đi có lại về hộ chiếu ngoại giao và công vụ.
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với một số nước; chủ động tham mưu các địa bàn, đối tác phù hợp. Chủ động phối hợp Bộ Công an đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, hạ tầng công nghệ cấp visa điện tử. Bên cạnh đó, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời các cơ quan đại diện tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách thị thực của Việt Nam, hướng dẫn công dân nước ngoài thực hiện thủ tục xin thị thực điện tử.
Mới đây, Bộ Công an được Chính phủ giao nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học-công nghệ và triển khai áp dụng các giải pháp về tự động hóa trong giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và du lịch an toàn tại Việt Nam; đồng thời, chủ trì nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch; xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế.
(Theo NDO)