Xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; trong đó có Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Là địa phương có tài nguyên du lịch phong phú với đa dạng loại hình: du lịch trải nghiệm; du lịch văn hoá, sinh thái, nghỉ dưỡng, suối khoáng nóng, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, Văn Chấn đã hình thành một số điểm du lịch với những sản phẩm nổi trội như: Khu du lịch Suối Giàng, Khu Lechamp Tú Lệ, suối khoáng nóng Bản Hốc...
Thời gian qua, huyện đã tích cực quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo sự phát triển đột phá về du lịch.
Huyện cũng đã đón các hãng lữ hành, các cơ quan báo chí đến khảo sát, tuyên truyền , quảng bá du lịch tại địa phương; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, địa phương về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực du lịch; thống nhất phương thức, cách làm để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch, đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bản sắc, hấp dẫn.
Đặc biệt, để đưa Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân, nhất là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, giúp người dân hiểu chính sách, có thêm động lực, hướng đi mới trong phát triển du lịch.
Là 1 trong 9 đội văn nghệ của huyện, những năm qua, Đội văn nghệ dân tộc Mông thôn Bản Mới, xã Suối Giàng được đánh giá là hoạt động hiệu quả, tạo ấn tượng, thu hút du khách. Thành lập từ năm 2021, 14 thành viên trong Đội gồm 8 nam, 6 nữ đang là những nhân tố chính hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
Anh Trang Anh Vũ - Quản lý Ðội văn nghệ chia sẻ: "Với niềm say mê văn hóa, văn nghệ, các anh chị em trong Đội luôn tích cực tham gia biểu diễn, mang lời ca, điệu múa của mình phục vụ bà con trong bản, xã, du khách vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ, tết. Trước đây, các thành viên đều tự góp tiền mua trang phục, đạo cụ, trang điểm để phục vụ biểu diễn. Khó khăn về kinh phí nhiều lúc cũng khiến hoạt động của Đội bị hạn chế. Từ năm 2023, Đội đã được hỗ trợ 3 triệu đồng/năm theo nghị quyết của HĐND tỉnh để mua sắm trang thiết bị phục vụ và duy trì hoạt động tập luyện. Số tiền này tuy không lớn nhưng là động lực để các thành viên có điều kiện tập luyện các tiết mục tốt hơn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phục vụ khách du lịch”.
Homestay Huy Hường, bản Hốc, thị trấn Sơn Thịnh đi vào hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch từ 5 năm nay. Hiện, homestay đã đảm bảo đủ các điều kiện như: được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc truyền thống của địa phương; đáp ứng phục vụ tối thiểu 20 khách du lịch/ngày; đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên… và đang hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của HĐND tỉnh.
Ông Vi Quang Huy - chủ homestay Huy Hường cho biết: "Đối với những gia đình làm du lịch như gia đình tôi, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để hoạt động du lịch thật sự rất ý nghĩa. Có thêm kinh phí, gia đình tôi sẽ tiếp tục nâng cấp homestay, mua sắm thêm một số hạng mục để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách”.
Các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện Văn Chấn. Cùng với tuyên truyền các chính sách hỗ trợ du lịch, huyện cũng khuyến khích người dân phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đi đôi với bảo tồn, phát triển, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên để thu hút du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nhân dân xây dựng thái độ ứng xử văn minh, thân thiện; đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
Nhờ đó, bức tranh du lịch của huyện ngày càng khởi sắc, lượng khách du lịch đến với Văn Chấn tăng dần theo từng năm. Năm 2023, Văn Chấn đạt 220.000 lượt du khách (tăng 138.000 lượt so với năm 2021), doanh thu từ du lịch đạt 198 tỷ đồng (tăng 149,8 tỷ đồng so với năm 2021). Toàn huyện hiện có 60 cơ sở lưu trú du lịch, tăng 18 cơ sở so với năm 2021.
Các sản phẩm du lịch trên địa bàn cũng ngày càng phong phú, đa dạng, mang đặc trưng riêng như: sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa; du lịch ẩm thực các dân tộc; du lịch sinh thái núi, du lịch xanh…
Bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: Việc tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn toàn huyện đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn trong quá trình đầu tư, góp phần phát triển ngành du lịch có chất lượng cao.
"Thời gian tới, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, địa phương mong muốn tỉnh tiếp tục bổ sung hỗ trợ các mô hình trồng hoa, cây ăn quả gắn với phát triển du lịch; xem xét, hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể… để huyện phát triển mạng lưới hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có, đồng thời xây dựng mới các sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn riêng, mở rộng và kết nối các tour, tuyến du lịch trên địa bàn cũng như liên kết vùng, hướng tới phát triển du lịch theo hướng bền vững” - bà Tâm thông tin.
Thanh Chi