Thác Thủy Tiên: mái tóc dịu dàng của nàng H’Năng
- Cập nhật: Thứ tư, 27/6/2007 | 12:00:00 AM
Thác Thủy Tiên nằm cách xã Tam Giang (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) khoảng 7km về hướng đông bắc. Thắng cảnh này mang vẻ đẹp thơ mộng làm say lòng du khách bốn phương, lại gắn với một truyền thuyết đẹp
|
Thác có vô vàn những tảng đá nằm gối chồng lên nhau trông thật ngộ nghĩnh, vui mắt và gồm có 3 tầng. Tầng thứ nhất có độ dốc thấp với những bậc lên xuống dễ dàng, lòng thác nhỏ, nước chảy êm đềm giữa những vòm cây xanh mát tựa như một giàn hoa che mát cả lòng thác. Hai bên lòng thác có nhiều rễ cây buông rũ xuống trông như những chiếc võng đu đưa giữa gió ngàn.
Tầng thứ hai của thác được trải rộng với nhiều bậc đá, có chỗ nước chảy tuôn trào trắng xóa cả một vùng, tạo nên những hồ nước không sâu để du khách có thể tắm mình thích thú với làn nước trong xanh và mát lạnh.
Ở tầng thứ ba nước đổ thẳng dốc từ trên xuống tạo thành hồ khá sâu để cuối cùng hóa thành dòng nước chảy hiền hòa uốn lượn giữa đại ngàn xanh tĩnh lặng.
Đến nơi đây bạn sẽ được nghe kể một câu chuyện về nàng H’Năng đã được lưu danh trên chính mảnh đất mà nàng đã sống. Người Êđê trên đất Krông Năng không nhớ hết mấy trăm, mấy ngàn con trăng mùa rẫy đã qua, chỉ còn đọng lại câu chuyện lưu truyền thường được kể bên bếp lửa:
Ngày xưa tai họa đã ập đến buôn làng chúng ta. Trời nắng nóng, sông hồ cạn nước, bệnh tật lan tràn, mọi người chết dần chết mòn. Chồng nàng H'Năng đã cùng nhiều người đi tìm vùng đất mới, tìm cái ăn cho buôn làng nhưng mấy mùa trăng không thấy trở về. Nàng chờ mãi, chờ mãi trong nỗi nhớ chồng và trong sự xót xa khi thấy dân làng chết dần. Nàng đã quyết định ra đi tìm chồng, tìm đất mới. Tìm mãi, tìm mãi cuối cùng nàng đã quỵ xuống giữa một dòng suối cạn khô vì đói, vì khát. Trời bỗng đổ mưa xối xả và để rồi tất cả các con sông dòng suối lại đầy nước, sự sống lại đâm chồi. Tóc nàng trải dài theo con suối và trở thành ngọn thác thật đẹp, thật duyên dáng như tấm lòng người con gái Êđê dịu hiền, chung thuỷ và đảm đang. Nàng đã chết để cho dân làng được sống. Tưởng nhớ nàng, dân làng ta đã lấy tên nàng H'Năng đặt cho tên của dòng sông chảy qua vùng đất này... Và cái tên Krông Năng bắt đầu có từ đó.
Hôm nay, trên thác Thuỷ Tiên, nơi dường như hiện lên vẻ đẹp, tình yêu và lòng chung thuỷ của nàng H'Năng, các thiếu nữ Êđê lại tắm mình trong dòng nước, để tìm thấy sự tươi trẻ, sức sống mạnh mẽ và tình yêu của nàng H'Năng, của cao nguyên hùng vĩ. Có lẽ chính bởi truyền thuyết đó mà người Êđê trên vùng đất này đã biết quý trọng lao động, quý trọng công sức mà mình đã bỏ ra. Cuộc sống của người Êđê hôm nay đã khác xưa rất nhiều.
Đến với nơi đây dù chỉ một lần, bạn sẽ hiểu về tấm lòng của người Krông Năng, về tình cảm mà người Êđê dành cho bạn. Lễ kết nghĩa anh em là một trong những phong tục được người Êđê rất coi trọng. Lễ này thường được tổ chức ở gia đình hay ở nhà dài, nơi có sự chứng kiến của cả buôn làng. Sau lễ kết nghĩa hai bên đã trở thành anh em, trở thành những người chia ngọt sẻ bùi, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong khó khăn hoạn nạn. Người Êđê đã có thêm những người bạn láng giềng mới từ mọi miền đất nước về đây. Họ đoàn kết, thương yêu nhau, cùng chung sức, chung lòng xây dựng cho một Krông Năng ngày mai sáng tươi và trù phú...
Đến với thác Thủy Tiên để được nghe kể những trang sử thi hào hùng của ngời dân bản địa, được ngắm ngọn thác hiền hoà như mái tóc của người con gái ngày xưa đã biết hy sinh bản thân mình để cho dân làng được sống, được no đủ và yên vui.
Đến với Krông Năng, bên cạnh việc được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp thơ mộng, dịu dàng của thác Thuỷ Tiên, nếu bạn muốn khám phá những phong tục mới lạ, những điểm đến vẫn còn rất hoang sơ và những món ăn độc đáo của các dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Mông...thì bạn chỉ cần đi thêm khoảng 6 km nữa đến xã Ea Tam, nơi đây được coi là quê hương thứ hai của các dân tộc phía Bắc Việt Nam.
Đến với Ea Tam, bạn sẽ được tận hưởng những tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho con người với những ngọn thác đẹp vốn đang ngủ yên trong rừng sâu nên chưa hề được ai đặt tên, được tham gia những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc các tỉnh phía bắc, được thưởng thức những món ăn rất độc đáo với nhiều loại gia vị mới lạ mà chỉ nơi đây mới có.
Hiện tại, Công ty Lữ hành Cao nguyên Việt Nam đang tổ chức khảo sát tour du lịch này để cho ra đời một sản phẩm du lịch mới lạ phục vụ du khách, tour du lịch sinh thái trekking băng rừng, vượt suối để khám phá và chinh phục thiên nhiên.
(Theo VOV)
Các tin khác
Nhớ thuở nhỏ, mỗi buổi sáng thể nào tôi cũng mua năm cắc khoai mì ăn lót lòng trước khi đi học. Hồi đó, khoai mì chỉ luộc suông chứ không "màu mè" thêm thắt dừa nạo và muối mè đường như bây giờ.
Yang Ly chứ không phải Yang Bay - khu du lịch mới toanh này cách Nha Trang khoảng hơn 50km về phía Tây. Khác hẳn với công viên du lịch Yang Bay đã bị biến dạng, Yang Ly còn giữ nguyên nét hoang sơ.
Nếu chọn du lịch văn hoá di sản, bạn hãy đến với Hà Tây, Thái Bình hoặc Bắc Ninh, xứ sở của những ngôi chùa và làng cổ có một nền kiến trúc ngàn năm tuổi.
Bún bò Huế - một "brand name" có thể bắt gặp ở các tỉnh thành của Việt Nam hay thậm chí tận California, Mỹ. Vừa nếm chút hương vị của bún bò Huế, những người con xa xứ Huế hình dung ra dốc An Cựu, chợ Đông Ba, sương trắng lững lờ trôi trên dòng Hương giang những buổi mai lành lạnh, như nghe lại giọng nói cô gái Huế nhẹ nhàng "răng rứa"...