Nay, núi Thiên Văn là một cảnh quan thu hút đông du khách. Ðài trung tâm dựng trên đỉnh núi Phù Liễn ở độ cao 116 m so với mặt biển.
Toàn bộ công trình là một quần thể kiến trúc hiện đại, được chia thành khu làm việc trung tâm và khu biệt thự cho sinh hoạt.
Trên mặt bằng rộng 2 ha, trung tâm đài gồm hai tòa nhà lớn. Tòa chính là một lâu đài xây bằng đá xanh dày 60 cm; mặt tiền có ba tầng quay về hướng đông với những khuôn cửa cong chạm khắc hoa văn trang nhã, trong nhà có trụ xây hình khối cân xứng, sàn rộng lát đá men mầu hồng ngọc hình lục lăng.
Phần giữa gồm hai tầng cấu trúc thành một hội trường trang trọng thông với hai đường hành lang được cấu tạo thành các phòng đặt máy khí tượng. Phần hậu là một tháp cao sáu tầng có cầu thang xoáy, trên đỉnh tháp đặt kính kinh vĩ dùng để hiệu chỉnh giờ cho địa phương; tòa nhà nhỏ hơn ở phía bắc gồm hai tầng, tám phòng để làm việc và nghiên cứu khoa học.
Công trình làm nền móng cho cả khu, cũng là một hệ thống bể ngầm chứa nước đồ sộ chia thành nhiều ngăn sâu 6 đến 8 m đủ trữ nước mưa phục vụ cho toàn đài trên đỉnh núi làm việc và sinh hoạt quanh năm.
Vườn khí tượng đặt sau tháp sáu tầng, đất bằng phẳng rộng 20 m, dài 30 m trồng cỏ thấp, hai bên là lối đi lát bê-tông. Toàn khu vực trung tâm có tường hoa bao bọc.
Bên cạnh các công trình kiến trúc đồ sộ trên đỉnh núi, nay là hàng trăm cây cổ thụ như phượng vĩ, đa, sấu, bàng, bồ hòn, vải..., tạo nên cảnh thiên nhiên hài hòa, bốn mùa cây xanh tốt.
Khu biệt thự làm nhà ở được xây rải rác theo sườn thấp bên một hồ nước nhân tạo và dọc theo đường lộ chạy quanh núi xuống tới quận lỵ Kiến An.
Ngoài kiến trúc phương Tây, còn có công trình xây cất theo kiểu dáng phương Ðông cổ kính. Ðó là cổng Rồng (từ quận lỵ lên núi) và cổng Phượng qua đó vào đài trung tâm, với các tầng mái cong cách điệu, trang trí hoa văn cổ và hình ảnh "lưỡng long chầu nguyệt". Du khách qua đây sẽ có cảm giác được bước vào một cảnh sắc thiên nhiên thanh lịch, tách biệt với phố xá ồn ào.
Năm 1924 lại xây thêm nhà quan trắc động đất với các máy móc hiện đại đặt dưới hầm sâu 10 đến 12 m, gối lên nền đá mẹ...
Ðài Phù Liễn hằng ngày tổ chức thu và phát tin bằng điện tín và vô tuyến điện tới các trạm khí tượng tại Việt Nam, Lào, Campuchia và các đài quốc tế trong vùng Ðông-Nam Á, Thái Bình Dương để lập bản đồ dự báo thời tiết, bão, gió mùa đông bắc phục vụ tàu thủy đi lại trên Biển Ðông, đồng thời tích lũy số liệu nghiên cứu khí hậu nhằm góp phần mở mang đồn điền, trồng cây nhiệt đới.
Tới năm 1930, đài đã xây dựng được các ngành dự báo thời tiết, nghiên cứu khí hậu và khí hậu nông nghiệp, động đất, quản lý giờ... Các bản tin thời tiết phục vụ hàng hải hằng ngày được phát bằng vô tuyến điện, điện thoại, thông báo ở cảng, ở các phòng bưu điện ven biển và phát trên cột tín hiệu biển. Khi có bão, các bản tin được phát liên tục nhiều lần trong ngày.
Năm 1930, lập thêm trạm khí tượng hải văn Hòn Dáu, đặt máy tự ghi mực nước triều. Hòn Dáu đã trở thành một trong 5 trạm hải văn sớm nhất thế giới.
Từ sau ngày Hải Phòng giải phóng (13-5-1955), Nhà nước ta đã chú trọng khôi phục và phát triển hoạt động của đài Phù Liễn, khôi phục và xây dựng lại một phần các công trình kiến trúc bị tiêu thổ trong chiến tranh, trang bị nhiều chủng loại máy móc mới.
Ngày 1-8-1957 đài chính thức mang tên đài vật lý địa cầu Phù Liễn. Năm 1963 lập lại công tác dự báo thời tiết khu vực, năm 1970 lắp kính thiên văn quang học cỡ lớn và hiện đại nhất Ðông Dương, năm 1978 xây nhà vòm thiên văn; đồng thời những năm này lập 9 trạm khí tượng, khí hậu và khí tượng nông nghiệp trực thuộc đài, trong đó xa nhất là trạm Bạch Long Vĩ.
Năm 1976 Nhà nước ta quyết định sát nhập công tác khí tượng và thủy văn, đài có thêm 10 trạm thủy văn đo mức nước lưu lượng, độ mặn và một đội khảo sát thủy văn. Ðài đổi tên là Ðài khí tượng thủy văn Phù Liễn cho tới ngày nay.
Năm 1984 thành lập trạm radar thời tiết trên đỉnh núi với máy radar MRL-2 của Liên Xô cũ, bán kính hoạt động hiệu dụng 300 đến 400 km.
Trạm khí tượng hải văn Bạch Long Vĩ nằm giữa Vịnh Bắc Bộ là con mắt canh bão cho toàn khu vực miền bắc Việt Nam. Trạm cũng là một thành viên lâu đời của huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Năm 2000 đài Phù Liễn đã lắp đặt hệ thống radar thời tiết và những thiết bị của Cộng hòa Pháp đã nâng cao khả năng theo dõi; giám sát mọi diễn biến thời tiết khí hậu thủy văn, môi trường. Năm 2002 đài đưa vào sử dụng trạm quan trắc môi trường không khí tự động, đây là trạm hiện đại đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam.
Cuối năm 2002 vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Ðài thiên văn Phù Liễn, bảo tàng thiên văn Việt Nam được đưa vào sử dụng. Tại đây còn lưu giữ được khá nhiều phương tiện các văn bản, tư liệu quá trình 100 năm hoạt động phát triển của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục truyền thống.
Năm 2002 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt quy hoạch dự án chi tiết công viên rừng đồi Thiên Văn rộng 115 ha. Ðài thiên văn Phù Liễn và Bảo tàng Thiên văn Việt Nam là một điểm nhấn quan trọng cho du khách đến với khu du lịch sinh thái đồi Thiên Văn nằm trong quần thể du lịch thung lũng Tây Sơn, núi Thiên Văn, đồi Ðấu Ðong, Ðồi 68.
(Theo NDĐT)