Tưng bừng hội tế Mẫu Vương
- Cập nhật: Thứ tư, 13/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ) là một trong những lễ hội lớn của nước ta đã có từ xa xưa và lưu truyền đến ngày nay. Cháu con của mẹ Âu Cơ ở khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm lại tìm về quê Mẹ với tấm lòng thành kính và biết ơn.
|
"Mồng bảy trong tiết tháng Giêng
Dân hiền tế lễ trống chiêng vang trời
Anh em Bách Việt ta ơi!
Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường
Ấy ngày hội tế Mẫu Vương
Người sinh nòi giống Nam phương đó mà".
Trong chương trình "Du lịch về cội nguồn" của 3 tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ đã trở thành một ấn tượng đặc sắc của du lịch tâm linh, của cội nguồn dân tộc. Tương truyền, Lạc Long Quân (giống rồng) xe duyên cùng Âu Cơ xinh đẹp (tiên nữ giáng trần): "So hoa hoa biết nói, so ngọc ngọc ngát hương". Về sau, Lạc Long Quân đưa Âu Cơ từ động Lăng Xương về núi Nghĩa Lĩnh, Âu Cơ trở dạ sinh được một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Khi các con khôn lớn, Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển, còn 50 người con theo mẹ lên núi lập nghiệp, mở mang bờ cõi.
Trong số 50 người con theo mẹ, người con đầu lên ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước Văn Lang đóng ở Phong Châu, truyền 18 đời Vua Hùng xây dựng nên Nhà nước thịnh trị đầu tiên. Rồi có một ngày, khi đến trang Hiền Lương, thấy phong cảnh thiên nhiên muôn phần tươi đẹp, có núi cao, đồng rộng, sông dài, hồ nước trong xanh mênh mông, hoa lá tốt tươi, nhiều chim muông, mẹ Âu Cơ dừng chân, cho khai hoang lập ấp, dạy con cấy lúa trồng khoai, chăn tằm dệt vải.
Khi trang ấp ổn định, Người lại cùng các con đến những vùng đất mới. Mãi đến khi mở mang được biên cương bờ cõi, giang sơn thu về một mối, Người lại trở về Hiền Lương. Đến năm Nhâm Thân, vào đêm 25 tháng Chạp mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, mẹ Âu Cơ đã hóa thân cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại một dải yếm đào trên cành đa lớn. Từ đó, nhân dân nơi đây lập miếu thờ dưới gốc cây đa cổ thụ xum xuê cành lá.
Đến thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 6 (1465) đã phong thần cấp tiền cho nhân dân Hiền Lương xây đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ và hương khói thờ phụng đời đời không dứt.
Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng (ngày Ngọc Nương sinh hạ Âu Cơ, ngày có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát khắp nơi là điềm "tiên nữ giáng trần") tổ chức lễ hội để cháu con bốn phương được về đây thắp nén hương thơm trước Điện vàng, tỏ lòng thành kính tổ tiên.
Cách đền Âu Cơ chừng 500 mét ở phía đông xưa kia còn có ngôi đình thờ Đức ông Đột Ngột Cao Sơn - Thánh vương nước Nam Việt thời các vua Hùng và hai người con là Hùng Trấn Quí Minh và Hùng Trấn Bảo Quốc văn võ như thánh hiền, hùng trấn uy linh che chở dân lành, bảo vệ đất nước, được nhân dân tôn thờ.
Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ diễn ra tưng bừng. Ngay từ sáng sớm mùng 7 tháng Giêng, con cháu đã về đây hội tụ. Trên sân đình, cờ xí tung bay phấp phới, trống chiêng rộn rã, tất cả dân làng đều có mặt với những bộ quần áo đẹp. Mở đầu lễ hội là lễ tế Thành Hoàng ở đình, đây là đội tế nam, sau đó rước kiệu đem theo lễ vật từ đình vào đền. Lễ vật dâng Mẫu Vương là hương hoa cùng 100 cầu bánh ngọt, 100 phẩm oản màu cùng nhiều lễ vật tượng trưng cho tấm lòng của trăm người con dâng lên Tổ Mẫu. Trong tiếng trống tiếng nhạc bát âm, một cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng do 8 cô gái mặc đồng phục khiêng nhẹ nhàng, uyển chuyển theo nhịp trống. Đi đầu đám rước là những lá cờ thần, sau kiệu là các bô lão rồi đến dân làng.
Đúng giờ Thìn, đám rước vào đến sân đền, tiếng đàn, sáo, nhị, trống phách, sinh tiền vang lên trong không khí tôn nghiêm. Trong đền, đèn nến sáng chưng, khói hương nghi ngút. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, các bậc bô lão làm lễ dâng hương thành kính.
Đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân có nhan sắc, có học vấn, mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa màu, riêng chủ tế thường trang phục màu đỏ. Tế nữ là khâu thu hút sự chú ý trong phần lễ hội.
Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ diễn ra trong 3 ngày với rất nhiều trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại. Khách thập phương nườm nượp đến dự lễ dâng hương, dâng sớ. Lễ hội kết thúc nhưng nhân dân khắp mọi miền đất nước vẫn tiếp nối nhau hành hương về đây đến hết tháng Giêng, tháng Hai.
Ngày 12/2 (tức mồng 6 tết âm lịch) đã khai mạc hội Đền Mẫu Âu Cơ mở đầu cho chuỗi các sự kiện lớn trong Chương trình Du lịch về cội nguồn 2008.
Thanh Phúc
Các tin khác
Sáng ngày 10-2, tức mồng bốn Tết, xã Thanh Phú, huyện Sa Pa đã tổ chức lễ hội xuống đồng đầu năm mới.
Thờ mẫu (mẹ) là một trong những tập quán sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tập quán này đã trở thành mỹ tục thấm đậm nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Lễ hội đền Quốc mẫu Âu Cơ thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa là khởi thủy của mỹ tục này.
Mùng 5 Tết, hàng nghìn người dân đổ về Gò Đống Đa - Hà Nội dự lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Nơi cách đây 219 năm, Quang Trung Nguyễn Huệ đã hoàn thành tâm nguyện "Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".
Đã từ nhiều đời nay, sự phong phú về chủng loại món ăn, cách bài trí độc đáo cùng với nghệ thuật thưởng thức tao nhã đã làm lên nét riêng của văn hoá ẩm thực Hà Nội.