Tái hiện lễ tế Xã Tắc: “Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...”
- Cập nhật: Thứ ba, 10/6/2008 | 12:00:00 AM
Sáng 10-6, lễ hội tái diễn tế đàn Xã Tắc - lễ hội cuối cùng trong chuỗi lễ hội tại Festival Huế 2008 đã được tổ chức trang nghiêm và trọng thể. Trong hệ thống tế lễ của triều Nguyễn xưa, tế Xã Tắc là lễ tế quan trọng chỉ sau lễ tế Nam Giao (tế Trời).
Vua hồi cung
|
Năm 1806, vua Gia Long cho xây dựng đàn Xã Tắc. Xã là vị thần quan trọng nhất trong 5 vị thổ thần, Tắc là lúa - quý nhất trong ngũ cốc. Vì là thờ Đất và Lúa nên đất để xây dựng đàn Xã Tắc được cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua, phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc còn tượng trưng cho đất đai cả Tổ quốc, ý nghĩa của đàn Xã Tắc vì thế càng thêm thiêng liêng.
Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giảng nghĩa hai chữ “Xã Tắc” như sau: “Thuở xưa dựng nước tức quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần hậu thổ. Dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Với một nước nông nghiệp như nước ta thì tục tế thần Xã Tắc tỏ ra rất phù hợp nên rất được coi trọng.
Sơ đồ đàn Xã Tắc ngày xưa (tư liệu)
Đàn được xây ở bên trong Kinh thành, phía tây của Hoàng thành, xưa thuộc xã Hữu Niên (sau thành phường Ngưng Tích), nay thuộc địa phận phường Thuận Hòa, Thành phố Huế.
Đàn Xã Tắc được đắp lộ thiên, gồm hai tầng, hình vuông, mặt nhìn về hướng bắc. Tầng trên cao 1,60m, cạnh dài 28m, mặt nền tô 5 màu theo nguyên tắc của ngũ hành: giữa màu vàng, phía đông màu xanh, phía tây màu trắng, phía nam màu đỏ, phía bắc màu đen. Trên nền còn đặt 32 bệ đá để cắm tàn. Tầng dưới cao 1,20m, cạnh dài 70m, mặt nền phía trước lát gạch, hai bên có bệ để cắm tàn.
Khi vương triều Nguyễn suy vong, việc tế tự ở đàn này bị bỏ bê, khu vực quanh đàn bị lấn chiếm. Thời chế độ Sài Gòn khu vực này dùng làm khu gia binh, sau 1975 lại được xây thêm nhiều khu tập thể cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Huế.
Gần đây, nhờ những nỗ lực của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, việc thám sát, nghiên cứu và phục dựng lại đàn Xã Tắc đã bước đầu triển khai và đến Festival này đã trùng tu tầng thượng, xuất lộ một phần tầng hạ.
Tại lễ tế được tái hiện sáng 10-6, do chưa trùng tu xong nên lễ tế đã giản ước, không đầy đủ các bước, song vẫn trang nghiêm với tế phục được trang bị đầy đủ với áo quần, hài hia mũ mão theo như quy định ngày xưa. Vật phẩm dâng tế, chỉ dùng gạo, hoa quả, tam sinh của địa phương (thay vì dùng gạo từ ruộng tịch điền sản xuất để tế thần như trước đây).
Dọc đường đám rước đi qua từ Ngọ Môn đến đàn Xã Tắc, có 3 án thờ của người dân đặt ở các ngã ba đường Lê Huân, Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi. Khi đám rước đi qua các hương án thì các bô lão - đại diện cho người dân túc trực - quỳ lạy.
Tại đàn Xã Tắc - nơi diễn ra lễ tế - sẽ có các án thờ, hương án, phẩm vật, lính canh, quan văn tứ phẩm, quan võ lục phẩm, chấp sự, bồi tế... Tuy nhiên, phần nghi thức sẽ được rút ngắn và giản lược. Lần này chỉ có các lễ chính: Quán tẩy (vua rửa tay); Thượng hương (dâng hương); Nghinh thần (đón các thần); Điện ngọc bạch (tế ngọc và lụa); Hiến tước (dâng rượu); Truyền chúc (đọc chúc văn); Tứ phúc tộ (ban phúc); Triệt soạn (dọn thức ăn)...
(Theo TTO)
Các tin khác
Nhiều khách du lịch đã từng tới Đắc Lắc nói với chúng tôi: Nếu đã đặt chân đến Buôn Ma Thuột mà chưa một lần tìm tới Buôn Đôn, hồ Lăk thì coi như chưa bao giờ đến Đắc Lắc !
Bánh bá trạng là một loại bánh của người Hoa, thường được dùng để cúng trong dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch). Nhìn về hình dáng bên ngoài, bánh bá trạng tương tự như bánh ú của Việt Nam, nhưng to hơn, vị đậm hơn và có nhiều nhân hơn.
Ốc gạo xưa nay có mặt khá nhiều nơi các vùng sông nước như Tân Phong (Tiền Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp), Vĩnh Bình (Bến Tre)… nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là ốc gạo Phú Đa trên dòng Cổ Chiên, thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Nếu bạn đi nghỉ mát, tắm biển vào mùa hè hãy dừng chân ở bãi biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) bởi nơi đây không đơn thuần mang một vẻ đẹp hoang sơ, môi trường trong lành yên tĩnh và hứa hẹn nhiều điều tuyệt vời cho một kỳ nghỉ mà nó còn gắn với nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn.