Về San Lùng xem người Dao làm rượu thật

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/8/2008 | 12:00:00 AM

Hiện tại San Lùng có khoảng 40 hộ. Hộ nào cũng biết nấu rượu. Rượu San Lùng có mùi thơm lạ của men lá rừng. vị đậm đà của thóc nương. Người uống có say mấy cũng không thấy đau đầu. San Lùng ai cũng biết uống rượu. Còn người làm ra rượu chủ yếu phụ nữ. Cô gái nào ủ men khéo thì đắt chồng. Ngày Tết, nhà nào cũng tích chừng dăm bảy bình để uống.

Lên với bản San Lùng, bạn sẽ được thấy  nơi đây, người dân mến khách, tiếp rượu mà khách chưa say, chưa phải bò bằng bốn chi thì đừng nói chuyện ra về. Thứ rượu đó được ủ bằng loại thóc thơm với men lá rừng, chưng cất bằng tinh túy của trời đất. Đó là rượu San Lùng của người Dao trên núi cao, ở xã Bản Xỡ, huyện Bát Xát - Lào Cai.

Truyền thuyết về rượu tiên

Anh bạn tôi đi Lào Cai lần nào về cũng phải mua ít nhất 2 can rượu San Lùng. Nếu là thứ rượu nguyên chất không pha chế gì, thì anh ta khẳng định đó là loại rượu anh uống "vào" nhất. Ở Hà Nội bây giờ cũng tràn lan rượu San Lùng, nhưng chủ yếu bị pha chế, không đúng chất lượng. Vì thế, muốn uống rượu nguyên chất, thưởng thức cái vị ngon và không gian nguyên sơ của núi rừng Tây Bắc, chỉ có lên Lào Cai.

Ngày tôi còn làm hướng dẫn viên du lịch ở Sa Pa, thực sự đã bị quyến rũ bởi loại rượu rất "mềm môi" này với món lòng non lợn nướng. Sau này phải về xuôi làm việc, nhớ không nguôi. Lần này có dịp, chẳng thể bỏ qua cái thú "xuống núi bằng tứ chi".

Lò Văn Xưởng là người sành rượu San Lùng và cũng "mát" tay khi ủ men vào tốp đầu hiện nay ở bản người Dao đỏ này. Anh  rất thích leo lên cổng trời Mường Hum, ngồi uống rượu với những người bạn, say thì lăn ra ngủ luôn, tỉnh rồi về, chẳng cần biết nắng mưa, lại không có người làm phiền.

Người già kể lại rằng: Núi Má Ngam thuở xưa có nhiều hoa đẹp lắm, những bông hoa nở rực rỡ trên những triền núi cao, rủ xuống thung lũng. Những ngày nắng đẹp, các nàng tiên thường xuống suối Mường Hum tắm, rồi lên hái hoa ở núi Má Ngam.

Năm đó, cô con gái trưởng thôn họ Tẩn bước vào tuổi 16, má đỏ hây, đẹp như tiên giáng trần. Mỗi bước chân của nàng đi khiến cho hoa phô sắc, chim trời ngẩn ngơ, con cá dưới suối cũng phải ngừng bơi để ngắm dung nhan. Vụ đó, trưởng thôn ốm, sai con gái ra trông số thóc đã đập ngoài sàn ở nương. Trên đường nàng đến lều nương thì gặp các nàng tiên. Thấy nàng có nhan sắc tuyệt vời, các nàng tiên bèn rủ nàng cùng đi hái hoa và tắm suối.

Một ngày, rồi ba bốn ngày, cô con gái họ Tẩn theo các nàng tiên, quên cả  lời cha dặn. Khi trở về thì số thóc đã mọc mầm hết vì gặp mưa. Nàng sợ cha sẽ trách phạt, ngồi thút thít khóc. Những nàng tiên ngỏ ý giúp nàng, họ hái lá rừng làm men ủ số thóc đó làm rượu.

Trở về, cô con gái họ Tẩn đem thứ rượu đó cho cha nếm thử, vừa ngửi thấy thứ rượu thơm lừng đó, người cha cảm thấy khoan khoái và khoẻ lại. Ông bèn hỏi nguồn gốc thứ tiên tửu đó. Người con kể lại sự tình. Sau đó, trưởng thôn họ Tẩn bảo con tìm lại những lá cây đó để ủ men rượu. Từ đó mà có thứ rượu San Lùng đặc sắc.

Mĩ tửu giả đi khắp nơi nơi

Hiện tại San Lùng có khoảng 40 hộ. Hộ nào cũng biết nấu rượu. Trưởng thôn Lò Láo Tả bảo rằng, từ khi ông còn bé xíu đã thấy gia đình mình nấu rượu rồi. Ở đây, thường trẻ em biết leo núi và uống rượu rất sớm, trước khi đến tuổi đi học. Rượu San Lùng có mùi thơm lạ của men lá rừng. vị đậm đà của thóc nương. Người uống có say mấy cũng không thấy đau đầu. San Lùng ai cũng biết uống rượu. Còn người làm ra rượu chủ yếu phụ nữ. Cô gái nào ủ men khéo thì đắt chồng. Ngày Tết, nhà nào cũng tích chừng dăm bảy bình để uống.

Vào tháng 6/2002, xã Bản Xèo thành lập HTX rượu San Lùng. Mỗi tháng tiêu thụ từ 10.000 đến 12.000 lít. Rượu được xuất đi khắp nơi, từ Bắc vào Nam. HTX này là nơi gìn giữ uy tín cho thương hiệu rượu, và chỉ nhập loại rượu 45-55 độ. Thu nhập từ nguồn rượu bán được rất khá, nhà nào cũng sắm sửa các đồ dùng trong gia đình tương đối đầy đủ. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Rất nhiều hộ thoát nghèo, mua được cả xe máy.

Theo người dân thì thương hiệu rượu của họ bị xúc phạm. Bởi có rất nhiều kẻ vì mối lợi đã pha rượu San Lùng với các rượu khác để bán với giá và chất lượng như rượu San Lùng. Ngoài có dán mác: Rượu San Lùng nguyên chất. Nhưng người uống không sành, chẳng thể phân biệt được, vì nó cũng có mùi ngai ngái, thơm thơm như rượu thật. Và rồi, khi say, rượu làm người uống rất đau đầu, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Ở miền Bắc, đặc biệt là một số thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Hà Đông, Hải Dương... vẫn thấy rượu San Lùng giả, mà nhiều vị đệ tử lưu linh không sành hay uống phải. Một bản khoảng 40 hộ, dù sao chẳng thể cung cấp rượu như một nhà máy, dù họ có cố gắng thế nào. Vậy thì rượu San Lùng ở đâu mà lắm thế. Điều này phải hỏi ông  trời, hoặc những vị pha chế mới biết được.

Chia tay San Lùng với nỗi lưu luyến không vơi. Tôi được tặng đến 2 vò rượu, nhưng chỉ nhận 1 và mua 1, bởi không thể mang về xuôi được nhiều thế. Anh Xưởng bảo có thời gian thì cứ lên chơi, thưởng thức thoải mái. Người ở đây mến khách lắm.

Còn Chủ tịch xã Bản Xèo Lý Dịu thì gửi gắm rằng: "Chúng tôi muốn trả lại sự trong sạch cho thương hiệu rượu San Lùng. Người chúng tôi không biết làm rượu giả".

(Theo CAND)

Các tin khác

Từ trung tâm Melbourne (thủ phủ của bang Victoria, Úc) xuôi theo Gipplands Highway về phía đông nam, chỉ cần khoảng 3 tiếng đồng hồ lái xe, bạn sẽ đặt chân vào lãnh địa của Mũi Wilson – tên chính xác là Wilson Promontory, thường được gọi tắt là Wilson Prom. Tương tự như Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) nằm ở cực nam châu Phi, Wilson Prom nằm ở cực nam châu Úc (không tính phần đảo Tasmania nằm cách lục địa Úc khoảng 240km về phía nam)

Các vũ công trong trang phục nhiều màu sắc làm sôi động không khí lễ hội.

Carnival Notting Hill, một trong những lễ hội ngoài trời lớn nhất châu Âu, đã chính thức khai mạc tại thủ đô London (Anh) trong không khí náo nhiệt, đầy màu sắc.

Gác chuông chùa Keo (Thái Bình), 
một công trình kiến trúc độc đáo.

Nhiều ngôi chùa ở Việt Nam được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đã trở thành di sản văn hóa của dân tộc.

Sa kê chiên – món dễ chế biến.

Nhiều món ăn được chế biến từ trái sa kê. Trái cây này có nguồn gốc từ bán đảo Malaysia và các đảo tây Thái Bình Dương. Vì nó là thức ăn chính của họ nên còn gọi là trái bánh mì – breadfruit

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục