Đến Mẫu Sơn nghĩ về du lịch Suối Giàng
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/10/2008 | 12:00:00 AM
YBĐT - Xét về đặc điểm thì Mẫu Sơn của tỉnh Lạng Sơn và Suối Giàng ở Yên Bái có những nét tương đồng. Nhưng để được gọi là điểm đến cho phát triển du lịch thì Suối Giàng còn cần đầu tư và nỗ lực nhiều hơn nữa.
Hái chè tuyết cổ thụ Suối Giàng
|
Mẫu Sơn ở độ cao trên 1.500 mét lại ở về phía đông bắc bộ nên khí hậu lạnh (bình quân 15,5oC) và ít phần khắc nghiệt. Chính vì thế, người Pháp đã sớm quy hoạch Mẫu Sơn vào những nơi phục vụ nhu cầu nghỉ mát. Nhưng với Suối Giàng, độ cao cũng đạt gần 1.400 mét nên khí hậu cũng khá mát mẻ, lại có phong cảnh hữu tình với những cây chè cổ thụ danh tiếng từ lâu.
Mới đây, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt chi tiết Khu du lịch Suối Giàng, huyện Văn Chấn với tổng diện tích 60 ha. Đây được coi là trọng điểm du lịch của miền Tây Yên Bái nên các phân khu chức năng, trung tâm đón tiếp điều hành, chòi vọng, nhà nghỉ… được quy hoạch cụ thể. Đặc biệt, mục tiêu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm và tìm hiểu nét văn hóa dân tộc địa phương được xác định. Với 2 giai đoạn (từ 2007 đến 2010 và giai đoạn sau năm 2010), hàng trăm tỷ đồng sẽ được đầu tư cho Suối Giàng. Như vậy, thực hiện mục tiêu du lịch ở địa danh này chỉ là vấn đề thời gian.
Cách trung tâm tỉnh Lạng Sơn khoảng 30 km nên ở Mẫu Sơn người ta chỉ đầu tư xây dựng khoảng chục nhà nghỉ, nhưng chỉ có 2-3 nhà nghỉ có quy mô lớn tập trung, còn lại các nhà nghỉ có vài phòng, giường đơn lẻ bán theo sườn đồi với kiến trúc biệt thự sinh xắn. Đến mẫu Sơn, người ta nhớ rằng đã được ăn thịt lợn quay, uống rượu Mẫu Sơn, được leo núi tới nhiều địa danh, được tắm lá thuốc. Du khách cũng có thể ngắm sông Kỳ Cùng, ngắm đất nước láng giềng Trung Quốc, và đúng mùa có thể mua được ít trái đào ngon mà đồng bào Dao, Tày thu hái mang bán bên đường.
Mây núi Suối Giàng.
Vậy còn Suối Giàng? Ưu thế hơn hẳn!. Hành trình có thể dài hơn, nhưng đường đi tốt hơn lên Mẫu Sơn, phong cảnh bên đường cũng rất ấn tượng. Du khách có thể đến Suối Giàng leo núi, len lỏi trong rừng đá tự nhiên và thỏa thích tắm trong hồ nước trên núi. Trời quang mây, người ta có thể chiêm ngưỡng thị xã Nghĩa Lộ giữa bức thảm đa sắc Mường Lò - cánh đồng lớn thứ hai vùng Tây Bắc.
Phong cảnh ở đây thì tuyệt đẹp với rừng chè tuyết cổ thụ trong sương. Dù đã có những mất mát, nhưng những cây chè cổ thụ được xem là ưu thế số 1 cho phát triển du lịch ở đây. Mẫu Sơn có rượu đặc sản do đồng bào chưng cất, thì Suối Giàng có chè xanh do người Mông chế biến. Ở Mẫu Sơn có điểm thu mua rượu của người dân, thì ở Suối Giàng phải cho du khách được thấy các thiếu nữ Mông hái chè, được đảo lửa sao chè, được vò, được sấy chè với người dân thì hẳn giá trị của chè sẽ khác.
Cần không ít năm nữa để đầu tư cho khu du lịch, nên công tác giữ gìn, khai thác và quảng bá Suối Giàng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc bảo tồn làng văn hóa Páng Cang là cần thiết, từ đó bảo tồn vốn văn hóa truyền thống cho cả Suối Giàng. Cách xây dựng nhà nghỉ quy mô nhỏ như ở Mẫu Sơn cũng có thể học tập, làm sao vẫn giữ được nét vốn có của chè, của đá ở Suối Giàng.
Những nhà nghỉ trên đường lên đỉnh núi tạo ra sự hài hòa của điểm đến du lịch Mẫu Sơn.
Để Suối Giàng đúng với ý nghĩa của du lịch sinh thái, đã đến lúc phải tính toán chỉ cho phép một số phương tiện và đối tượng nhất định đi lại bằng cơ giới. Làm sao để nghĩ tới du lịch Suối Giàng là phải đi bộ, phải leo núi và khám phá thiên nhiên. Hình thức này được cho là phù hợp với khách nước ngoài, nhất là khách châu Âu.
Trong quá trình đầu tư cần tiếp tục "làm tour" cho Suối Giàng. Không nên để khách đến đây không biết đi đâu, xem gì, mà chỉ loanh quanh ở khu vực trung tâm xã. Không nhất thiết phải chọn doanh nghiệp lớn "làm tour" mà phải chọn được doanh nghiệp nhiệt huyết, gắn bó lâu dài, biết cùng xây cộng đồng dân cư tạo ra các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm quà tặng du lịch trên cơ sở điều kiện sẵn có tại địa phương.
Làm tour cần gắn liền với quảng bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, quảng bá nhờ các sản phẩm du lịch khác. Và trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, việc xây dựng một website về Du lịch Suối Giàng cũng là việc làm cần thiết, điều mà Mẫu Sơn đã từng làm và mang lại hiệu quả rõ rệt, để danh tiếng của mình đến với du khách gần xa.
Quang Tuấn
Các tin khác
Dê núi Ninh Bình, một đặc sản có thương hiệu địa phương đã lai rai xuất hiện tại những trung tâm ẩm thực lớn của đất nước như Hà Nội, Sài Gòn. Có lẽ, dê núi Ninh Bình mới thật sự là dê núi và người dân ở đây đã rất tỉ mẩn chăm chút cho các món đặc sản thế mạnh của vùng này.
Có lẽ ít người biết đến một loại hải sản mang tên tu hài. Nó không quen thuộc và có nhiều như ngao, tôm, sò... nhưng nếu ai đã một lần thưởng thức, chắc hẳn sẽ không thể quên được hương vị rất đặc trưng của loại hải sản này. Dưới đây là cách chế biến và thưởng thức đặc sản tu hài - món ăn nổi tiếng của huyện đảo Vân Đồn.
Ðền Lư Giang nằm bên con sông Lừ, thuộc quận Hoàng Mai ngày nay. Hội đền tổ chức vào tháng ba và tháng tám hằng năm.
Rau lủi - loại rau chỉ có ở vùng miền núi Quảng Nam, nhưng không dễ tìm. Chỉ những người giỏi đi núi, vào tận trong rừng sâu mới có thể tìm được loại rau đặc biệt này.