Lên Sơn La ăn Tết hoa mận

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/1/2009 | 12:00:00 AM

Gọi Tết cổ truyền của người Mông là Tết hoa mận cũng không sai. Bởi người Mông ăn Tết trước người Kinh khoảng một tháng, cũng là lúc hoa mận nở trắng sáng bừng khắp núi rừng. Tết cổ truyền của người Mông với những nét văn hoá đặc sắc và thú vị đã quyến rũ không ít khách phương xa tới cùng thưởng thức, ăn Tết, ngắm Tết và chơi Tết cùng người Mông trên khắp các rẻo cao của Sơn La, Mộc Châu.

Có thể nói Tết Mông là dịp phô diễn lớn nhất của văn hoá Mông. Người Mông ăn Tết dài, khoảng một tháng trước Tết Nguyên đán, do đặc điểm mùa vụ của người Mông. Năm mới bắt đầu từ ngày 1 tháng Chạp âm lịch, thời khắc đầu tiên của năm mới được tính từ tiếng gà gáy sáng đầu tiên trong ngày. Phần lớn người Mông đều thu hoạch mùa màng xong trước tháng 12 dương lịch, để dư dả thời gian chuẩn bị cho một cái Tết thật đầy đủ, từ ăn mặc, cho đến vui chơi….


Theo ông Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng phòng văn hoá huyện Mộc Châu, Sơn La, Tết cũng là dịp phụ nữ Mông khoe những bộ váy áo do chính mình dệt nên. Để chuẩn bị cho một bộ váy áo như vậy, phải mất tới gần một năm, từ đập vỏ cây, xe lanh, dệt vải, bôi sáp ong, nhuộm chàm, tạo hoa văn rồi mới thêu.

Tự dệt váy áo, tự thêu và trang trí là một trong những tiêu chí để đánh giá sự đảm đang của người con gái Mông : “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu. Trai khỏe không biết làm rẫy cũng hèn”. Người Mông dệt lanh giỏi, thêu cũng giỏi, phần lớn các họa tiết trên váy áo của phụ nữ Mông đều được thêu ngược từ mặt trái, và phải mất từ một tuần đến vài ba tháng mới xong một sản phẩm, tuy theo độ cầu kỳ và chi tiết của các hoạ tiết trang trí. Bản Mông những ngày giáp Tết, không chỉ rực rỡ bởi sắc hoa mận, hoa đào, mà còn vì những tấm váy Mông sặc sỡ đủ màu được phơi trên hàng rào, nổi bật giữa màu xám lạnh lẽo của núi rừng cuối đông…

Còn với đàn ông, khi việc đồng áng đã xong, đây là dịp những người đàn ông trong bản giúp nhau chỉnh trang nhà cửa, ngả lợn, thịt gà… Nếu trong bản có cặp vợ chồng nào mới ra ở riêng mà chưa có nhà, đàn ông trong bản sẽ đến giúp dựng một căn nhà tường chình đất, dày dặn, chắc chắn và ấm cúng.

Nếu như Tết Độc lập được coi như ngày lễ tình yêu của người Mông, ngày để trai tìm vợ, gái tìm chồng, những người bạn già tìm lại người tri kỷ, những người yêu nhau mà không có duyên phận tìm gặp lại nhau..., thì Tết năm mới lại là dịp họ dành thời gian cho gia đình, họ hàng, làng xóm, cho những trò vui truyền thống của tụi trẻ…

Cũng như người Kinh, quan niệm “cả năm đói nhưng ngày Tết phải no”, chuyện ăn uống ngày Tết được người Mông chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Họ quan niệm rằng, dịp Tết nếu chuẩn bị cái ăn đầy đủ, cả năm sẽ sung túc và no ấm. Nhà nào cũng ngả lợn, giã bánh dày, thịt gà… Các nhà đều mời nhau ăn cơm, và cả trong cả tháng Tết, ngày nào người Mông cũng ăn Tết, không ở nhà mình thì họ hàng, hàng xóm…

Việc chuẩn bị cho Tết bắt đầu từ khoảng ngày 25 tháng Chạp. Các nhà trong bản sang giúp nhau thịt lợn, thịt gà, lần lượt từ nhà này đến nhà khác. Nhiều nơi, việc mổ lợn và mời cơm nhau được phân chia theo lịch rất hợp lý, để nhà nào cũng có người giúp và không nhà nào bị “ế cỗ”. Việc thịt lợn, gà phải diễn ra trước lúc giao thừa, người Mông cũng kiêng sát sinh trong năm mới như người Kinh.

 

Cha con em bé Mông xã Làng Chiếu, huyện Bắc Yên đi sắm Tết.

Công việc đầu tiên trong nhà là dọn dẹp bàn thờ và bếp, hai nơi quan trọng nhất đối với người Mông. Người Mông quét bếp bằng cành lá của cây tre, vừa quét vừa khấn: "Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, cầu cho cái xấu đi hết, đón cái may mắn về nhà…", sau đó mới dọn dẹp nhà cửa, sân vườn… Tục lệ của người Mông là vào ngày 30, các thành viên trong gia đình ngồi cắt miếng giấy dó thành những hoạ tiết đơn giản rồi dán lên bài vị bàn thờ, lên tường, cửa ra vào, cửa sổ, thậm chí lên các dụng cụ lao động và xe máy… để nhớ ơn các vị thần đã giúp họ làm ra của cải, giúp cứng cái chân, mềm đôi tay để làm được nhiều việc hơn…

Việc chuẩn bị bàn thờ thường do phụ nữ thực hiện. Bàn thờ được dọn dẹp gọn gàng tinh tươm, tất cả các dụng cụ lao động như cày, cuốc, xẻng, dao, rựa… được xếp ngay ngắn bên cạnh bàn thờ với hàm ý cầu mong cho mùa sau bội thu. Gia chủ cúng một con gà trống còn sống cùng với đĩa bánh dày nhà tự làm, đọc bài khấn, sau đó cắt tiết gà, dính lông cổ và tiết gà lên bàn thờ. Một số nơi còn có tục bôi tiết gà lên tường để tránh những điều không may mắn. Ngày mùng 1, gia chủ dâng lên tổ tiên mâm cơm gồm một con gà mái đã được luộc chín từ chiều 30 cùng bát cơm nóng hổi còn thơm mùi gạo mới.

Đối với người Mông, việc giữ lửa trong ba ngày Tết rất quan trọng, ngọn lửa đã trở thành một vị thần linh liên quan chặt chẽ đến vận mệnh của năm mới. Gian bếp lúc nào cũng phải đỏ lửa, nếu bếp tắt cũng không được thổi lửa vì kiêng có gió bão, nếu bếp lửa bị nước đổ vào, họ tin rằng năm ấy sẽ có mưa to…

 

Món bánh dày đặc trưng của người Mông

Một trong những món ăn đặc trưng nhất trong dịp Tết của người Mông là bánh dày. Phụ nữ hong xôi, đàn ông giã bánh. Phải giã ngay từ lúc xôi còn nóng nghi ngút khói, bánh mới dẻo và mềm. Chiếc bánh dày “đạt chuẩn” là phải trắng, mịn và kéo ra được thật dài (khoảng 30cm) mà không bị đứt. Bánh dày được rán lên cúng tổ tiên và mời bà con làng xóm.

Ông Thào A Giàng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La cũng là một người Mông, say sưa kể về những phong tục tập quán độc đáo của đồng bào mình. Ông kể, ngày xưa ở huyện Bắc Yên quê ông còn có tục đua ngựa bắn súng. Dân bản chọn một quả đồi bát úp, tự phát quang, làm những con đường bằng phẳng chung quanh quả đồi để mở hội đua ngựa. Tuy nhiên, tiếc rằng đến nay trò vui này đã không còn do xe máy đã thay thế ngựa ở nhiều nơi. Thay vào đó, những ngày đầu năm mới là dịp vui chơi của thanh niên Mông, với những trò chơi truyền thống như ném còn, đánh quay, đánh cù, thổi khèn, sáo, đánh tu lu, đánh yến, kéo co, đẩy gậy…

Ông Thào A Giàng cho biết, ngày nay, do cuộc sống khấm khá hơn, nên cái Tết của bà con Mông cũng vui và sung túc hơn. Những phong tục, trò chơi dân gian thú vị được khôi phục. Tết Mông trở thành một sự kiện văn hoá hấp dẫn trong mắt nhiều vị khách du lịch ham tìm hiểu. Đó cũng chính là lý do ngày càng nhiều người tìm đến với vùng núi cao Sơn La hay cao nguyên Mộc Châu đón Tết năm mới cùng người Mông vào mỗi dịp xuân về.
 
(Theo NDĐT)

Các tin khác
Nên lựa chọn thịt gà có màu sắc tự nhiên, thớ thịt mịn và có độ đàn hồi cao.

Lợi dụng tâm lý mua ào ào của khách những ngày giáp Tết, không ít người bán đã trà trộn thực phẩm kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng. Một vài lưu ý sau giúp bạn có những lựa chọn thông minh, an toàn cho sức khỏe.

Lễ hội bắt đầu từ tối 15/1, kéo dài đến hết ngày 20/1, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Vân Hồ, Hà Nội).

Giác là một loại trái nhỏ, lúc sống màu xanh, khi chín chuyển sang màu tím sậm, vị chua, thuộc họ dây leo, thường mọc ở các khu rừng hoang dã, nhiều nhất là vùng U Minh Thượng. Loài khỉ rừng rất ưa loại trái này

Vườn du lịch Mỹ Khánh – một trong những vườn du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ nói riêng và ở vùng miệt vườn Nam Bộ nói chung. Nằm trên lộ Vòng cung của ấp Mỹ Ái, đồng thời sát bên sông Cần Thơ, bởi vậy để đến vườn Mỹ Khánh, du khách có 2 lựa chọn đó là đi xe theo đường bộ và xuôi thuyền theo đường sông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục