Mùa cua ra
- Cập nhật: Thứ tư, 18/2/2009 | 12:00:00 AM
Tháng chín cua ra, tháng ba cua vào. Nếu căn cứ vào câu thành ngữ này thì có nghĩa mùa cua sẽ kéo dài từ tháng chín đến tháng ba âm lịch chăng? Hay là một kinh nghiệm của người nông nghiệp đúc kết lại về tập quán sinh sống của loài cua. Có một loài cua sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua làng chài Thắng Cương, huyện Yên Dũng, Bắc Giang gọi là cua ra. Cua ra ở đây chỉ xuất hiện nhiều vào mùa lạnh. Phải chục năm trở lại đây, nhiều khách sành ăn cứ về đòi thưởng thức món cua này.
Ăn cua ra, đơn giản nhất là món hấp bia. Cua ra xếp vào nồi, rắc thêm chút bột canh, bỏ thêm xả, ớt và gừng, rót bia cho gần xâm xấp, đặt lên bếp. Lửa phải thật nhỏ, đun liu riu cho đến khi bia sôi lăn tăn thì bật lửa cho sôi bồng lên là bắc ra. Lửa nhỏ mới giữ được càng và chân không rụng, ngấm gia vị, khử tanh. Ngoài món hấp, người ta có thể nấu canh cua ra với rau cải đắng. Gạch cua rất chắc, béo bùi, ăn với cơm cùng mấy quả cà ghém trái mùa rất ngon.
Cua chín có mầu vàng cam rất bắt mắt. Vỏ cua ra mềm, không cần dùng đến kẹp như cua, ghẹ biển. Bên cạnh mỗi đĩa cua hấp có thêm đĩa gia vị chấm: Mỗi đĩa nhỏ đựng mù tạt và tương ớt quyện với nhau trông đã cay nóng hết cả họng; một đĩa muối bột canh có nửa quả chanh và ớt đỏ kèm theo; và đĩa muối nữa hình như dành cho người không ăn được cay. Ðã là loài sinh vật sống trong bùn loài nào cũng có vị tanh. Gia vị chính là thứ điều tiết cho mọi thứ hòa quyện cùng nhau tạo nên hương thơm ngon, tăng độ ngọt bùi nhớ mãi không quên.
Ðiều khác lạ của cua ra so với các loài cùng họ nhà cua là hai càng có hai lớp lông như rêu bám vào, yếm cua cũng có lớp riềm rêu điệu đà. Chính cái lớp lông rêu này đã khiến cho nhiều người băn khoăn về tên gọi loài cua: "cua ra - cua da hay cua gia?". Loại cua này xuất hiện ở vùng đất này dễ đến hàng trăm năm rồi và người dân vẫn phát âm là cua da.
Cũng thật hay, sau chuyến đi này, tôi kể chuyện và cho người hàng xóm quê Thái Bình xem ảnh, mới biết loài cua này chính là cách gọi thứ hai của con cà ra ở Thái Bình. Cua ra xuất hiện ở những đoạn sông có nhiều phù sa vùng Thái Bình, Hải Phòng, Nam Ðịnh. Ở Thái Bình trước kia người ta đào bắt cà ra quanh năm, hang của cà ra nằm rất sâu cạnh các ghè đá và khó khăn lắm mới bắt được, nhưng được thịt và béo nhất là cà ra (cua ra) tháng mười. Một người hàng xóm quê Thái Bình vẫn phàn nàn, lâu quá về quê rồi không được ăn con cà ra vì bây giờ cứ như nó bị tuyệt chủng vậy.
Ngược lại mười năm về trước, người đi chài lưới rất ghét loài cua này. Mỗi lần cua mắc lưới là họ đập chết cho lợn ăn hoặc gỡ ra rất cẩn thận cho khỏi rách lưới. Chả ai mặn mòi gì với cái giống cua to xác mà nấu canh hay luộc với nước mẻ vẫn tanh khè. Thế rồi một ngày, sau cái mốc thời gian là mười năm này, cua ra "bò" vào thị trường tiêu thụ của nhà hàng đặc sản một cách rất ngẫu nhiên. Theo người dân làng chài ở đây, những năm trước cua ra có giá từ 30.000 - 40.000 đồng rồi tăng dần lên như bây giờ là hơn 100.000 đồng một kg. Thật cảm ơn cho người đưa món cua này vào thành món đặc sản. Nó không chỉ tăng thu nhập cho người dân chài mà vùng đất này thêm một món đặc sản có tiếng nữa.
Vào mùa lạnh của tháng 10, tháng 11, cua mới ra khỏi hang sâu trong những kè đá vào ban đêm để kiếm ăn. Thức ăn của cua ra chủ yếu là tôm tép. Với những người dân chài nếu kéo lưới lên mà dính nhiều cua thì chỉ có cách xé rách lưới hoặc phải gỡ từng con cua một thật khéo không để gãy chân càng kẻo mất giá, rồi bỏ chúng vào cái bao dứa. Hễ khi nào thấy cua thở phùi ra bọt trắng là dấu hiệu báo cho biết chúng yếu dần và có thể sẽ chết. Nếu chưa kịp đem bán, dân chài cua lại mang túi cua ngâm xuống nước sông hoặc ao. Những chú cua khỏe có thể sống đến hằng tuần trên cạn nơi ẩm thấp. Ðặc biệt những người bắt cua ở làng chài ven sông này chưa bao giờ bắt được con cua ra cái nào mang trứng như cua đồng.
Có người so sánh cua ra không nhiều thịt bằng ghẹ, cua biển. Nói gì thì nói, mỗi loại đặc sản đều có cái thú vị riêng. Cua ghẹ biển thì có để ăn quanh năm chứ mùa cua ra của Yên Dũng chỉ có trong hai tháng ngắn ngủi. Tôi tin rằng cua ra Yên Dũng sẽ có giá trị hơn vì những người làng chài Thắng Cương biết để dành đến mùa mới bắt. Chính cái mùa tự nhiên nó làm cho cua ra có giá trị về thời gian và chất lượng sản phẩm.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Đường liên xã ngoằn ngoèo. Lên đò qua sông Cầu, đặt chân đến Thổ Hà, qua làng Vân thơm nồng mùi rượu, du khách đi tiếp độ dăm cây số nữa thì đến chân núi Bổ Đà, đối diện có Phượng Sơn chầu về. Dưới chân núi ấy cây cối hoang sơ và trầm mặc; lấp ló trong những rêu mốc và dây leo là mái chùa Tứ Ân cổ kính (còn gọi chùa Bổ Đà).
Nếu như người dân Hà Thành tự hào về cốm làng Vòng, một món ăn từ lâu như đã trở thành nét đặc trưng của Hà Nội để du khách gần xa nhớ và nhắc đến vào mỗi độ thu về thì người dân Khơmer sinh sống ở vùng đất Nam bộ lại tự hào với bạn bè bốn phương về đặc sản cốm dẹp. Đây là món ăn dân dã của đồng quê Nam bộ và là một lễ phẩm không thể thiếu trong mâm lễ cúng trăng rằm tháng 10.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Cần có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành để các phong trào văn hóa đạt hiệu quả cao
Từ ngày 25-4 đến 2-5-2009 tại Quảng Ninh sẽ diễn ra Lễ hội du lịch Hạ Long. Lễ khai mạc vào 17h30 ngày 25-4 tại bến phà Bãi Cháy. BTC cho biết, lễ khai mạc được tổ chức dưới hình thức lễ hội Carnaval trên biển, trên không trung và trên bờ.