Dấu xưa Khả Lĩnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/1/2011 | 9:49:05 AM

YBĐT - Đền Khả Lĩnh thờ bà Quỳnh Hoa, Quế Hoa được tương truyền là con gái của vua Hùng (thực chất đây là hai nhân vật trong tục thờ Mẫu của người Việt). Nhưng do đền đã đổ nát nên người dân địa phương đã rước hai bà về cùng thờ tại đình Khả Lĩnh.

Nghi thức lấy nước thiêng trong lễ hội đình Khả Lĩnh (Đại Minh).
(Ảnh: Trường Túy)
Nghi thức lấy nước thiêng trong lễ hội đình Khả Lĩnh (Đại Minh). (Ảnh: Trường Túy)

Trước đây đã có những nghiên cứu về sự ra đời của địa danh Khả Lĩnh là vào khoảng thế kỷ XVII. Một đạo quân của nhà Lê được phái hành quân ngược sông Hồng, rẽ sông Lô rồi lại ngược sông Chảy tiếp ứng cho châu Thu Vật (thuộc địa huyện Yên Bình và một số địa phương của tỉnh Tuyên Quang) để đánh quân nhà Mạc.

Khi đoàn quân vừa đến mạn chợ Ngà thuộc xã Quế Lâm (huyện Đoan Hùng - tỉnh Phú Thọ ngày nay) thì được tin quân Mạc đã thua trận. Tin cấp báo về triều đình và được truyền lệnh cho đạo quân này ở lại lên bờ lập làng khẩn hoang canh nông để phòng thủ lâu dài. Làng Khả Lĩnh ra đời từ đó và khi mới lập làng có tên là trang Kha Lệnh thuộc tổng Đại Thân, phủ Đoan Hùng.

Trong làng Khả Lĩnh có một ngôi đền Khả Lĩnh và đình Khả Lĩnh nằm ở một địa thế khá đẹp, cách bờ hữu sông Chảy khoảng 400 mét. Đình thờ Cao Sơn Đại Vương và thờ Thần hoàng làng là ông tổ họ Nguyễn - người đã có công lập làng trồng lúa, trồng giống bưởi đặc sản Khả Lĩnh từ thế kỷ XVII. Đền Khả Lĩnh thờ bà Quỳnh Hoa, Quế Hoa được tương truyền là con gái của vua Hùng (thực chất đây là hai nhân vật trong tục thờ Mẫu của người Việt). Nhưng do đền đã đổ nát nên người dân địa phương đã rước hai bà về cùng thờ tại đình Khả Lĩnh.

Hội đình trước đây tổ chức theo “xuân thu nhị kỳ" và mùa xuân lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6, mùng 7 tháng Giêng; mùa thu tổ chức vào ngày 11-12 tháng Tám Âm lịch. Trong lễ hội có các nghi lễ như: tế thần, bái tổ, cầu mùa và có nhiều trò chơi dân gian khác.

Về tục thờ Cao Sơn Đại Vương là tục thờ sơn thần rất phổ biến trong đời sống tâm linh của người Việt. Tương truyền, ngài chính là Sơn Tinh (Đức thánh Tản Viên) đã đánh thắng Thuỷ Tinh hay nói một cách khác, ngài chính là biểu tượng cho sức mạnh trị thuỷ của cư dân lúa nước nên rất nhiều làng quê đã tôn vinh là  Thần hoàng làng và lập đền thờ. Truyền thuyết thứ hai về Cao Sơn Đại Vương, ngài là đạo tướng Vũ Lâm tên là Quang Lang, con thứ 17 của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ.

Khi ngài theo mẹ Âu Cơ lên núi đã có rất nhiều công lao dẹp loạn giữ yên bờ cõi, giúp đỡ mở mang đời sống cho người dân miền núi nên sau khi ngài qua đời, dân khắp nơi ở miền núi lập miếu thờ. Tại đền thờ chính thần Cao Sơn Đại Vương ở xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) có đôi câu đối về ngài: “Tiên phái di lưu kim Việt đện/ Trà sơn sùng tự cổ sinh dân”. Tạm dịch là: “Theo mẹ nòi Tiên dấu tích còn lưu trong cõi Việt/ Trà sơn đền miếu tôn thờ tự thuở mới sinh dân”.

Đối với dòng họ Nguyễn ở đây đến nay đã mười mấy đời và có tới 11 chi họ. Dựa vào các nghiên cứu mới đây và theo truyền ngôn, đã có thêm thông tin về dòng họ Nguyễn vốn gốc họ Ngô, có công lớn với triều đình nhưng chán ghét cảnh nội chiến giữa các thế lực phong kiến nên đã chọn nơi này và đổi họ mai danh ẩn tích lập làng. Dòng họ Nguyễn lấy tên làng mới là Khả Lĩnh vì muốn có sự liên quan gắn bó mật thiết với địa danh Nghĩa Lĩnh (khu vực Đền Hùng). Các làng mới lập sau này cũng lấy tên liên quan đến 99 con voi hướng về Đền Hùng như: làng Phục Thân, Đại Thân, chợ Ngà…

Để ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân của dòng họ khi mở đất lập làng và ghi nhớ các vua Hùng, dòng họ Nguyễn đã chọn ngày 10 tháng Ba là ngày giỗ tổ họ Nguyễn ở Khả Lĩnh. Dòng họ này có bài văn tế đậm chất nhân văn về cội nguồn và tính giáo dục con cháu hướng đến nhân cách sống chân - thiện -mỹ: “… Cung duy tiên tổ, vụ đức hành nhân, thảo muội chi sơ, thận thuỷ thận trung, khai địa mạch ư biên dương chi cảnh. Nhân do ư tổ tông, nhi tử tôn thịnh, mộc tắc hữu căn, hữu bản, nhi chi diệp phồn, ẩm thuỷ tư nguyên, tri ân tiên tổ...”.

Tạm dịch là: “Kính ơn tiên tổ chuộng đức làm điều nhân, đắp gốc xây nền chuyên cần kiệm, phá vỡ ruộng vườn từ nơi hoang dã ven sông kín trước kín sau. Người ta có tổ có tông mà con cháu thịnh vượng. Cây có cội rễ vững bền nên cành lá xanh tươi. Uống nước nhớ nguồn, biết ơn tiên tổ...”

       Hoàng Nhâm

 

Các tin khác
Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Thủy)

Nội dung các hoạt động cụ thể của chương trình du lịch về cội nguồn 2011 của ba tỉnh, gồm các nội dung chủ yếu sau:

Khách tham quan khu du lịch sinh thái Vân Long (Ninh Bình).

Góp phần vào sự phát triển nền kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, thời gian qua, ngành du lịch đã hoàn thành tốt sứ mệnh mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới. Tầm vóc và vị thế Việt Nam ngày càng được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới.

YBĐT - Ngày hội văn hóa các dân tộc lần thứ nhất được tổ chức đã tạo nên một ngày hội mùa xuân nơi huyện vùng cao Trạm Tấu. Chia tay nhau trong bịn rịn và nuối tiếc, dường như ai cũng mong muốn, mùa xuân năm sau và những năm tiếp theo ngày hội văn hóa các dân tộc sẽ tiếp tục được tổ chức để thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện.

Ngày 6-1, tại TPHCM, UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức chương trình họp báo giới thiệu và công bố chính thức chương trình Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 diễn ra từ ngày 10 đến 13-3. Đây là lần đầu tiên lễ hội này chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia tổ chức định kỳ 2 năm một lần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục