Lạc vào miền tháp cổ

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/5/2013 | 2:22:33 PM

Đối với những ai ưa nét đẹp hoài cổ trầm lắng, thì kinh thành cổ Bagan (nằm về phía bắc Myanmar) là một nơi tuyệt vời để khám phá, với hơn 4.000 đền tháp cổ nằm rải rác giữa một không gian xanh rộng lớn.

Ananda, ngôi đền cổ đẹp nhất Bagan.
Ananda, ngôi đền cổ đẹp nhất Bagan.

Trầm mặc Old Bagan

Thành phố cổ Bagan được chia làm ba phần: Nyang U là khu đô thị gần sân bay, Old Bagan cách sân bay khoảng 6-7km và New Bagan xa hơn chút, cách sân bay khoảng 9km.

Không giống như những điểm du lịch khác, Old Bagan mang một vẻ trầm mặc tĩnh lặng kỳ lạ, mặc dù vẫn có con đường bê tông chạy qua khu đền cổ, với những chiếc xe máy rú ga phóng hết cỡ, hay chiếc xe tải nhẹ chở khách nổ phành phành khi lên dốc…

Theo những tài liệu lịch sử, Bagan được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13, thành phố là kinh đô của vương quốc Bagan, vương quốc đầu tiên thống nhất các vùng và sau này trở thành đất nước Myanmar. Trong suốt thời gian đỉnh cao của vương quốc, từ thế kỷ 11 đến 13, hơn 10 nghìn ngôi đền, chùa, tu viện Phật giáo đã được xây dựng trên vùng bình nguyên rộng lớn (khoảng 104 km2). Đến nay, sau nhiều thăng trầm và tác động của thời gian cũng như con người, còn lại khoảng hơn 4.000 ngôi đền, chùa, tháp trong khu vực ngày nay được gọi là Old Bagan (Bagan cổ). Năm 1297, Bagan không còn là kinh đô nữa khi vương triều Myinsaing lên nắm quyền.

Ở Old Bagan, phần lớn các ngôi đền ở trong trạng thái đổ nát, vì cả chính quyền và người dân đều không thể đủ tiền trùng tu, sửa sang cho hàng nghìn ngôi đền lớn nhỏ không vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thời gian… Chỉ một số ngôi đền còn tương đối nguyên vẹn về kiến trúc và mỹ thuật là còn được bảo vệ, tu sửa, trong đó có những điểm không thể bỏ qua như các đền, chùa Ananda, Sulamani, Htilominlo, Dhammayazika, Shwezigon, Thatbyinnyu, Manuha, Shwetandaw…

Mỗi ngôi đền có một vẻ đẹp độc đáo riêng, như Gu Byauk Gyi sở hữu một bộ sưu tầm tranh tường tuyệt đẹp từ thế kỷ 11, kể về sự tích và những chặng đường trong cuộc đời Đức Phật. Cho đến nay, không một khách du lịch nào được chụp ảnh những bức tranh tường đó, để tránh cho chúng bị phá hủy bởi sức nóng của đèn flash…

Hay Dhammayazika có kiểu kiến trúc khác biệt, ngũ diện thay vì tứ diện như phần lớn những ngôi đền khác ở Bagan, cùng những chi tiết trang trí tinh xảo trên mái và các đầu chóp của tháp. Dhammayazika đang được trùng tu tổng thể.

Thatbyinnyu và Ananda cũng là những ngôi đền có kiểu kiến trúc lạ, với tường trắng và những chóp tháp vàng vươn cao trên nền trời xanh. Nếu như Thatbyinnyu mang kiểu kiến trúc thuần Miến với những chi tiết trang trí đặc trưng, thì Ananda phần nào mang hơi hướng kiến trúc Trung Hoa với cụm đền phụ mái thấp và cong… Ananda được coi là ngôi đền đẹp nhất ở Bagan.

Dhammayan Gyi là ngôi đền được xây dựng từ năm 771 sau Công nguyên, kết hợp cả gạch nung và đá, giống như một tòa lâu đài nguy nga vĩ đại hơn là một ngôi đền, với bốn bức tượng Phật đứng khổng lồ ở cả bốn mặt đền, cùng với nhiều tượng Phật khác đặt rải rác trong đền. Dhammayan Gyi do nhà vua Narathu xây dựng gồm ba vòng hành lang kín chạy quanh ngôi đền, để phân định rõ ràng nơi cầu nguyện dành cho vua, quan và dân chúng theo vị trí từ trong ra ngoài.

Shwezigon là ngôi chùa độc đáo nhất ở Bagan. Khác với kiểu tháp gạch nung phổ biến ở Bagan, Shwezigon gần như được phủ vàng toàn bộ, với chóp cao hình chuông úp, hàng chuông gió treo trên đỉnh tháp reo lên lanh canh vui tai mỗi khi có gió. Shwezigon có hành lang dành cho người hành hương dài khoảng 2-300m chạy thẳng tới mặt chính của chùa.

Thế nhưng, điểm đến được nhiều khách du lịch lựa chọn nhất là Shwetandaw, ngôi đền cao nhất ở Bagan, và là nơi ngắm bình minh cũng như hoàng hôn đẹp nhất. Vào buổi chiều, bất chấp cái nắng oi ả, hàng trăm du khách từ khắp nẻo ở Bagan đổ về, hì hụi leo hàng trăm bậc thang dốc ngược để lên tới tầng cao nhất của Shwetandaw, tự chọn cho mình một chỗ ngồi phù hợp, lặng lẽ ngắm nhìn những ánh nắng cuối cùng của ngày đang rơi dần xuống qua những ngọn đồi xanh ngắt, qua mặt sông lấp lánh ánh bạc và qua những ngôi đền cổ u tịch lấp ló giữa lúp xúp cây của vùng bình nguyên.

Năng động New Bagan

Nằm xa nhất so với sân bay và mang cái tên đầy trẻ trung: Bagan mới, nhưng thực sự New Bagan không mang vẻ ồn ã, náo nhiệt như nhiều điểm du lịch khác. Những nhà hàng, quán cà phê nho nhỏ ven đường vẫn giữ được lối sống êm đềm giản dị, với hàng rào hoa phía trước, bàn ghế bằng tre, gỗ thô mộc, nhân viên phục vụ quấn longi và bôi thanakar (một loại bột dưỡng da đặc trưng của người Myanmar, được mài ra từ thân cây thanakar). Hầu hết những nhà hàng này không có máy lạnh, thậm chí không có quạt, và thường “khuyến mãi” trên bàn một vài chiếc quạt giấy. Thế nhưng, vẫn có “free wifi”, và đầy đủ món ăn từ Spaghetti, pizza cho tới bánh mì nướng của Pháp…

Đi dọc những con đường chạy xuyên từ Old Bagan qua New Bagan, cảm giác như ẩn giấu đằng sau vẻ ngoài trầm tĩnh và lặng lẽ kia là cả một sự chuyển mình.

Hai anh chàng Si Wint và Wai Linn cùng ở độ tuổi 8x, nhưng đã khá dày dạn kinh nghiệm trong làm dịch vụ du lịch. Cả hai cùng chung nhau mở một khách sạn nhỏ, chỉ chừng 10 phòng, nhà trệt, có tiểu cảnh, hồ cá, cây xanh. Nhân viên ít, chỉ chừng một vài người, cả Si Wint và Wai Linn cùng thay phiên nhau làm lễ tân, phục vụ phòng, lái xe đồng thời kiêm cả hướng dẫn viên cho khách ở Bagan. Điều đáng ngạc nhiên là những kiến thức và hiểu biết vô cùng phong phú của Wint và Linn về mảnh đất nơi mình sinh sống, về lịch sử và đặc trưng văn hóa của từng ngôi đền cổ, và khả năng diễn đạt tiếng Anh vô cùng tốt. Đưa khách đi thăm những ngôi đền đẹp nhất ở Bagan, Wint và Linn không ngần ngại trò chuyện với từng người coi đền hay bán hàng rong ở đây, vì qua họ, cả hai hiểu hơn về ngôi đền, và cũng từ đó có thêm những câu chuyện thú vị để kể lại cho khách.

Khác với Wint và Linn, Mya – cô gái 21 tuổi ở ngôi làng ven Old Bagan lại chỉ chăm chút cho những món đồ thủ công của mình. Với vốn tiếng Anh giao tiếp khá trôi chảy, Mya giúp cho du khách hiểu hơn về ngôi làng nhỏ bé của mình, cũng như những nghề truyền thống giúp cho dân làng có thêm nguồn thu nhập. Và kết quả, đương nhiên những vị khách phương xa tự nguyện bỏ tiền ra mua những chiếc túi, khăn, ống đựng bút, điện thoại hay những món đồ trang trí tự tay Mya làm ra.

Những người thợ vẽ bên những ngôi đền cổ cũng vậy. Nhiệt tình giới thiệu với khách về những bức tranh cát vẽ sự tích Phật được chép lại bên trong đền, khéo léo tiếp thị cho sản phẩm nghề của gia đình bằng những lời mời thân thiện không làm phật ý khách, thậm chí tặng cho khách món quà bất ngờ bằng chính những hình vẽ đơn giản…, họ dường như đang có được sự nhanh nhạy cần thiết để đón lấy cơ hội phát triển.

Theo ước tính mỗi năm có khoảng 300 nghìn du khách quốc tế đến với Bagan. Người ta cũng dự đoán thành phố nhỏ bé này trong tương lai có thể thay đổi nhanh chóng để đáp ứng được số lượng du khách ngày càng tăng. Bagan cũng đang đứng trước nhiều vấn đề như khả năng tài chính để tu bổ những ngôi đền bị hư hại, cần đến một quy hoạch đồng bộ giữa Old và New Bagan, hay những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại lên kinh đô cổ… Tuy nhiên, có thể tin rằng linh hồn của Bagan thì vẫn được giữ nguyên vẹn, bởi trái tim và tình cảm của từng người dân ở đây.


Những ngôi đền cổ nằm rải rác dọc đường từ New Bagan tới Old Bagan.




Rong ruổi khám phá Bagan với chiếc xe đạp.


Xe ngựa cũng là phương tiện được du khách ưa chuộng ở Bagan.


Giới thiệu tranh cát với du khách.


Món quà của họa sĩ Bagan.


Khách du lịch ngắm hoàng hôn trên đỉnh đền Shwetandaw.


Ráng chiều xuống dần.


Những vệt nắng cuối cùng đổ bóng trên những ngôi đền cổ.

(Theo NLĐ)

Các tin khác
Xung Khiêm Tạ là một di tích tại lăng vua Tự Đức được khởi công trùng tu vào sáng 22-5.

Sáng 22-5, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khởi công trùng tu các di tích Dũ Khiêm Tạ, Xung Khiêm Tạ, Khiêm Cung Môn thuộc lăng vua Tự Đức, có vốn đầu tư hơn 26,2 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, Công ty CP Tu bổ di tích Trung ương thi công.

Côn Đảo sở hữu những thực đơn vô cùng hấp dẫn gồm các món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Đã tới Côn Đảo, du khách sẽ muốn ở lại mãi.

Tạp chí du lịch hàng đầu của Mỹ - Travel & Leisure đã dành cho Côn Đảo vị trí số 1 trong danh sách những hòn đảo hoang sơ tuyệt đẹp trên thế giới. Tạp chí đưa lời khuyên tới tất cả những ai yêu thích du lịch, hãy tới Côn Đảo hè này! Côn Đảo, Việt Nam

Sáng 21-5, Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) đã tổng kết dự án "Tăng cường năng lực ngành du lịch Việt Nam trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, tập trung vào các chính sách có trách nhiệm với xã hội".

Cồn cát tuyệt đẹp tại Mũi Né.

Mùa hè đã đến và những bãi biển là lựa chọn hàng đầu của nhiều khách du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục