Để có những chuyến đi, hành trình an toàn, theo các chuyên gia, các lái xe và đặc biệt là các chị em nên lưu ý một số quy tắc cơ bản như: chỉnh ghế ngồi cho phù hợp, lái xe tập trung, không đi giầy cao gót...
1. Chỉnh ghế ngồi cho phù hợp
Một tài xế dù mới hay đã có kinh nghiệm, trước khi cầm vô lăng việc quan trọng nhất là phải điều chỉnh ghế ngồi sao cho phù hợp với bản thân. Không ngồi quá xa hay quá gần vô-lăng, hãy điều chỉnh ghế để có một vị trí thoải mái nhất.
Điều này không chỉ giúp tài xế bớt mệt mỏi trong quá trình lái mà còn giúp có vị trí quan sát tốt nhất và không gây ảnh hưởng khi cần xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.
Việc đầu tiên khi lên xe trước khi lái là điều chỉnh vị trí ngồi cho thoải mái và phù hợp với mình. (Ảnh minh họa: KT).
Ngoài ra, việc điều chỉnh vị trí ngồi đúng cách còn giúp tài xế hạn chế những tổn thương khi có va chạm xảy ra. Các tài xế cũng phải nhớ thắt dây an toàn trước khi lái xe.
2. Điều chỉnh gương chiếu hậu
Sau khi chỉnh ghế, thì việc điều chỉnh gương chiếu hậu trong và ngoài xe ô tô là một trong những quy tắc vô cùng quan trọng trước khi bạn lái xe trên đường. Vì nó giúp bạn quan sát được các phương tiện, chướng ngại vật hai bên và phía sau xe trong quá trình điều khiển xe trên đường và khi lùi.
Vì vậy sau khi đã có tư thế ngồi lái phù hợp, các tài xế bắt đầu điều chỉnh gương chiếu hậu để có tầm quan sát tối ưu nhất. Đặc biệt, đối với những xe lạ thì đây là điều vô cùng quan trọng. Nhiều tài xế từng ví: "Gương chiếu hậu của ô tô giống như đôi mắt thứ 2 của tài xế khi tham gia giao thông".
3. Không đi giầy cao gót khi lái xe
Theo các chuyên gia lái xe an toàn, khi lái xe ô tô, các nữ tài xế nên đi giầy đế bằng và thoải mái, tuyệt đối không mang giày cao gót hoặc bốt giày cao để lái xe ô tô.
Việc đi giày cao gót khi lái xe là hoàn toàn không hợp lý, khi đạp và mắc kẹt chân ga thì không chỉ gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông xung quanh mà còn là mối hiểm họa cho chính các chị em phụ nữ lái xe. Vì thế hãy luôn để một đôi giày riêng mỗi khi lái xe, còn khi dừng thì đổi sang giầy cao gót hoặc bốt cao sau.
Việc dùng giày cao gót sẽ khiến phụ nữ gặp khó khăn khi điều khiển chân ga, chân phanh, thậm chí luống cuống đạp nhầm từ chân phanh sang chân ga, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách nguy hiểm, khi di chuyển trên các tuyến đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc.
4. Lựa chọn trang phục gọn gàng, thoải mái
Không chỉ có giầy cao gót hay bốt cao có thể gây nguy hiểm cho các chị em khi lái xe, mà trang phục quá rườm ra, gò bó... cũng là yếu tố có thể gây ra những tai nạn không đáng có.
Theo Nguyễn Anh Tuấn - một giáo viên dạy lái xe ở Hà Nội, việc nhiều chị em khi lái xe hay mặc áo chống nắng, quấn khăn, đội mũ, mắc váy lòe xòe... đã vô tình đang gây nguy hiểm cho chính bản thân, người đi đường hay ngồi trong xe khi lưu thông trên đường phố. Bởi trang phục không phù hợp sẽ khiến bản thân khó quan sát khi lái xe, không kịp xử lý nếu có tình huống bất ngờ hay bị vướng, kẹt vào các chi tiết trên xe gây tai nạn.
"Do vậy, quan nhiều năm kinh nghiệm, tôi khuyên các chị em đặc biệt là mới lái nên chọn trang phục cho phù hợp khi lái xe. Nếu trường hợp phải sử dụng các trang phục cầu kỳ thì hãy nên sử dụng phương tiện công cộng: Taxi, Grap... cho đam bảo an toàn" - anh Tuấn lưu ý.
Lựa chọn trang phục phù hợp sẽ giúp chị em lái xe an toàn hơn. (Ảnh minh họa: KT)
5. Thử chân ga, chân phanh nhiều lần
Sau khi đã điều chỉnh ghế và kính chiếu hậu, thì một điều khác quan trọng cần kiểm tra trước khi cho xe lăn bánh chính là chân ga, phanh (xe số tự động) và thêm chân côn (xe số sàn).
Với thao tác kiểm tra này bạn sẽ biết độ nặng, nhẹ của chân côn, ga và phanh. Điều này sẽ giúp bạn biết điều phối lực ở chân khi tác động lên các chân giúp đảm bảo không có sự cố ngoài ý muốn nào xảy ra trên đường.
Đặc biệt là đối với phanh, trước khi nổ máy, bạn hãy đạp vào chân phanh 3 - 5 lần, nếu chân phanh cứng lại và đứng yên thì hệ thống trợ lực phanh còn hoạt động tốt. Khi xe nổ máy, chân phanh sẽ phải từ từ hạ xuống vị trí ban đầu chứ không được đứng yên tại vị trí đó.
Còn nếu bạn không nổ máy mà đạp chân phanh thấy hẫng và muốn nhấn bao nhiêu lần cũng được có nghĩa hệ thống trợ lực chân không đã mất tác dụng. Lúc này, tốt nhất bạn nên gọi thợ đến kiểm tra tại chỗ hoặc gọi xe cứu hộ, đừng mạo hiểm đưa xe ra đường.
6. Không nên quá áp sát xe phía trước và lùi quá gần với vật cản phía sau
Đối với những tài xế mới lái xe thì việc căn (ước lượng) khoảng cách từ đầu hay đuôi xe tới vật cản, phương tiện trên đường... là điều có nhiều khó khăn.
Vì vậy, khi tham gia lưu thông trên đường hay lùi xe, các tài xế mới hãy cho xe dừng/đỗ xa (đỗ non) hơn bình thường để tránh những va chạm không đáng có.
Đồng thời, hãy giữ khoảng cách đối với các xe phía trước để có nhiều thời gian xử lý hơn trong trường hợp tình huống bất ngờ xảy ra. Không nên bám quá sát với các phương tiện phía trước.
7. Không dùng điện thoại khi đang lái xe
Dù là lái mới hay cũ, việc sử dụng điện thoại khi lái xe là một điều tuyết đối không được làm. Vì chỉ một giây phút lơ là là bạn hoàn toàn có thể gây ra tai nạn. Đặc biệt là đối với tài xế mới khi thao tác xử lý chưa thuần thục và kinh nghiệm cũng chưa nhiều.
Không sử dụng điện thoại khi lái xe vì dễ gây mất tập trung.
Một nghiên cứu từ Viện Giao thông Công nghệ Virginia (Mỹ), cho thấy, nhắn tin khi lái xe có thể tăng nguy cơ vụ va chạm tăng lên 23 lần so với khi tập trung lái xe.
8. Không xem phim khi lái xe
Hiện nay, hầu hết các mẫu xe đều được trang bị màn hình giải trí nên nhiều người thường sử dụng để xem phim khi lên xe. Tuy nhiên, đây là một thói quen rát nguy hiểm vì gây xao nhãng cho tài xế.
Vì vậy, khi lái xe các tài xế không nên bật phim vì sẽ khiến bạn xao nhãng, không tập trung cho việc điều khiển xe. Điều này sẽ rất dễ dẫn đến tai nạn hoặc va chạm với các phương tiện giao thông khác.
Mối nguy lớn nhất đối với các tài xế trên đường là những người điều khiển phương tiện khác, do đó hãy luôn luôn tập trung nhìn đường thay vì chiếc điện thoại hay màn hình trên ô tô của mình.
Ngoài ra, một số chị em còn tranh thủ trang điểm khi lái xe và đây cũng là một thói quan nguy hiểm. Vì vậy, dù đã lái lâu hay mới lái, chị em nên bỏ ngay thói quen này nêu không muốn xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.
Xao nhãng khi lái xe sẽ rất dễ xảy ra các va chạm không mong muốn. (Ảnh minh họa: KT).
9. Không đạp thốc ga và phanh gấp
Đối với các tài xế mới thì việc cảm nhận chân côn, phanh và ga chưa được hoàn toàn chính xác và có thể điều khiển theo ý muốn. Vì vậy, bạn nên đi chậm, bình tĩnh để làm quen và cảm nhận chân côn, ga, phanh. Không đạp thốc ga khi cầm lái vì có thể bạn không làm chủ được sức mạnh của xe khi tăng tốc khiên xe lao đi mất kiểm soát...
Điều này rất dễ tạo ra những tình huống khó xử lý và có khả năng gây ra tai nạn đáng tiếc.
10. Tạo thói quen khóa các cửa khi lên xe và quan sát khi xuống xe
Dù là người mới hay cũ, nam hoặc nữ lái xe thì đây là những thói quen bạn nên tập và duy trì vì nó sẽ giúp bạn và người khác được an toàn hơn.
Đầu tiên, việc khóa cửa các xe khi lên sẽ giúp những hành khách nhỏ tuổi hay không quen đi ô tô không mở được cửa khi xe đang chạy và cũng giúp thông báo cho người lái biết chắc chắn các cửa xe đã được đóng đúng cách.
Còn mỗi khi xuống xe, dù là người lái hay ngồi ở vị trí nào của xe thì cũng nên quan sát phía sau rồi hãy mở và nên mở từ từ để tránh nguy hiểm cho người đi đường.
(Theo VOV)