Trong thời gian vừa qua, trước bối cảnh kinh tế chịu sức ép lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, giá vàng tăng cao,... đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô. Theo các chuyên gia, việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng khi bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam đang khá trầm lắng.
Theo dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính, từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/1/2025, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Từ ngày 1/2/2025 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo mức cũ.
Trước thông tin này, sản lượng ô tô lắp ráp trong nước bắt đang trên đà tăng trưởng. Tháng 5, lượng ô tô sản xuất lắp ráp thực tế nhiều hơn so với ước tính. Sang đến tháng 6, sản lượng ô tô lắp ráp tiếp tục được dự báo tăng.
Tháng 5/2024, sản lượng ô tô lắp ráp thực tế cao hơn so với ước tính gần 1.000 xe. Điều này cho thấy các doanh nghiệp ô tô đang tăng tốc sản xuất lắp ráp sau thông tin có thể được giảm 50% lệ phí trước bạ.
Bước sang tháng 6/2024, sản lượng ước tính tiếp tục tăng nhưng không nhiều. Tính từ đầu năm, các doanh nghiệp mới chỉ sản xuất ước tính khoảng 144.000 ô tô, vẫn thấp hơn khoảng 3,2% so với cùng kỳ năm goái.
Tuy nhiên, nếu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước được thông qua thì dự đoán sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp có thể còn tăng cao hơn. Theo dự kiến của Bộ Tài chính thì việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng (tương đương mức giảm theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP). Tổng số thu ngân sách dự kiến giảm là khoảng 5.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước có khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ lệ phí trước bạ, thuế TTĐB, thuế GTGT có thể tăng theo số lượng xe được bán ra.
Tuy có một số ý kiến trái chiều về việc nên giữ 100% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước hay thông qua chính sách giảm 50%, nhưng với bối cảnh thị trường ô tô sụt giảm nhưng lượng xe nhập khẩu về nước vẫn tăng cao, các chuyên gia lo ngại xu hướng của các hãng là chỉ lo nhập khẩu mà không chú trọng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Điều này có thể sẽ gây ra một số hệ luỵ không chỉ đến ngành ô tô mà tác động lên cả nền kinh tế.
Việc Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào thời điểm này được cho là đòn bẩy tác động tích cực cho ngành sản xuất ô tô trong nước giống như một giải pháp hỗ trợ tài chính, thúc đẩy tiêu dùng.
(Theo VOV)