Từ 1/1/2025, xe điện sẽ có tem kiểm định riêng

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/12/2024 | 10:44:47 AM

Từ 1/1/2025, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường sẽ có màu tem kiểm định riêng.

Xe điện sẽ có tem đăng kiểm riêng. Ảnh: Tư liệu
Xe điện sẽ có tem đăng kiểm riêng. Ảnh: Tư liệu

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 53/2024  quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, phương tiện giao thông phân theo mức độ tự động hoá gồm: phương tiện thông thường và phương tiện thông minh.

Trong đó, phương tiện giao thông thông thường là xe cơ giới mà người lái thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ điều khiển chuyển động của xe ngay cả khi được hỗ trợ bởi các hệ thống an toàn chủ động trên xe.

Phương tiện giao thông thông minh được phân loại theo cấp độ tự động hóa một phần hoặc toàn phần hoạt động điều khiển phương tiện.

Theo đó có 5 cấp độ tự động hoá; xe có các cấp độ 1, 2, 3 được gọi là xe cơ giới cho phép tự động hóa một phần và các xe có cấp độ 4, 5 là xe cơ giới cho phép tự động hóa toàn phần hoạt động điều khiển phương tiện, xác định lộ trình và xử lý tình huống khi tham gia giao thông đường bộ.

Các cấp độ này được phân loại và định nghĩa trong tiêu chuẩn ISO/SAE PAS 22736:2021 Phân loại và định nghĩa đối với các thuật ngữ liên quan đến hệ thống tự lái của xe cơ giới.

Tem kiểm định riêng cho xe điện 

Ngoài ra, tại Thông tư 53/2024 cũng phân loại xe cơ giới theo năng lượng sử dụng, gồm xe cơ giới chỉ có động cơ sử dụng nhiên liệu xăng hoặc diesel và xe cơ giới thân thiện môi trường (là xe cơ giới sử dụng năng lượng hoặc công nghệ giúp giảm phát thải cacbon trực tiếp khi vận hành so với xe cơ giới thông thường).

Các xe thân thiện môi trường gồm: xe thuần điện PEV hoặc BEV, xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy PFCEV hoặc FCEV, xe sử dụng nhiên liệu hydro.

Trong đó, xe thuần điện PEV là xe cơ giới sử dụng hệ thống truyền động điện. Xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy PFCEV là xe cơ giới điện sử dụng pin nhiên liệu thuần túy, trong đó hệ thống pin nhiên liệu là nguồn năng lượng duy nhất trên xe cho hệ thống động lực của xe.

Xe hybrid điện HEV, Thông tư 53/2024 định nghĩa là xe cơ giới được dẫn động bằng hệ thống truyền động hybrid điện (bao gồm cả xe sử dụng nhiên liệu tiêu thụ chỉ để nạp điện cho thiết bị tích trữ điện năng).

Xe hybrid điện HEV gồm có: Xe hybrid điện nhẹ MHEV là xe hybrid điện; động cơ (mô-tơ) điện có chức năng hỗ trợ động cơ đốt trong khởi động, hỗ trợ tăng tốc, phanh tái tạo và cung cấp năng lượng cho hệ thống phụ trợ. Xe khôngcó khả năng nạp điện được từ nguồn điện bên ngoài; Xe hybrid điện hoàn toàn FHEV là xe hybrid điện có khả năng di chuyển hoàn toàn chỉ bằng năng lượng điện trong những điều kiện nhất định (như bắt đầu di chuyển từ trạng thái đứng yên, di chuyển ở tốc độ thấp...). Xe không có khả năng nạp điện được từ nguồn điện bên ngoài; Và xe hybrid nạp điện ngoài PHEV là xe hybrid điện có khả năng nạp điện được từ nguồn điện bên ngoài.

Về dấu hiệu nhận biết, Thông tư quy định xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường khi tham gia giao thông được nhận biết bằng tem kiểm định có nền màu xanh lá cây.

Chi tiết mẫu tem sẽ được quy định tại Thông tư quy định trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu, cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Hiện nay, Việt Nam có 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện. Số lượng xe ôtô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại nước ta gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Năm 2021, chỉ có 167 xe ôtô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 75.000 xe taxi và chạy dịch vụ các loại, trong đó riêng xe thuần điện có gần 30.000 chiếc, chiếm xấp xỉ 40%.

Theo đại diện Cục Đường bộ, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.

Lộ trình chuyển đổi xanh nêu rõ: năm 2040, Việt Nam từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đối với xe chạy dịch vụ, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2030, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác
Kia Syros

Dựa trên những thông tin và hình ảnh bị rò rỉ, Kia Syros sẽ có một thiết kế mạnh mẽ và vuông vắn, kết hợp giữa kiểu dáng của MPV và SUV.

Từ ngày 1/12, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam triển khai đường dây nóng 1900.633.800 để tiếp nhận và giải đáp các thông tin về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Cửa kính tam giác phía sau xe có nhiều công dụng bất ngờ. (Ảnh minh họa)

Hầu hết các mẫu xe ô tô đều có cửa kính tam giác phía sau, vậy nó có tác dụng gì?

Từ ngày 1/12/2024, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện như cũ, ở mức từ 10 đến 12% giá trị xe.

Từ ngày 1/12/2024, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện như cũ, ở mức từ 10 đến 12% giá trị xe.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục