Đứa trẻ được “thiết kế gene” sắp ra đời
- Cập nhật: Thứ ba, 23/12/2008 | 12:00:00 AM
Em bé này đã được “thiết kế” từ đầu để không mang một gene có thể gây ra căn bệnh ung thư vú, qua đó sẽ vĩnh viễn không mắc phải bệnh này.
Quá trình "thiết kế gene"
|
Công nghệ gene đang từng bước tiến sâu vào đời sống nhân loại. Hôm 19/12, báo chí Anh cho biết nước này chuẩn bị đón chào sự ra đời của đứa bé đã được trải qua việc chọn lọc gene đầu tiên.
Loại gene quái ác
Tờ Telegraph cho biết đứa trẻ sẽ được sinh ra tại London và là con của một cặp vợ chồng không muốn nêu danh tính. Người vợ, một phụ nữ London 27 tuổi, đã quyết định làm điều gì đó để thay đổi định mệnh của con sau khi chứng kiến một số người thuộc ba thế hệ gia đình nhà chồng mắc bệnh ung thư vú dù mới đang trong độ tuổi 20.
Người chồng 28 tuổi hiện đang có mang gene gây bệnh mang tên BRCA1 đột biến. Về lý thuyết, gene BRCA1 đột biến có 80% khả năng gây ra căn bệnh ung thư vú và 60% gây bệnh ung thư buồng trứng. Nếu sinh sản tự nhiên, con đẻ của cặp vợ chồng này sẽ có 50% khả năng phải thừa hưởng loại gene nói trên. Gene này đã xuất hiện trong người bà, mẹ, chị và một họ hàng của anh. Tất cả họ đều được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư vú.
Người mẹ từng tâm sự với Telegraph về quyết định của chị: “Chúng tôi đã trải qua thời gian chị anh ấy bị ốm vì thế chúng tôi thấy nguy cơ căn bệnh có thể xuất hiện ở con tôi. Tôi nghĩ chuyện này (việc lựa chọn gene) là điều chúng tôi phải thử tiến hành. Bởi nếu chúng tôi có một đứa con gái và nó bị bệnh vì loại gene này, tôi sẽ không thể nhìn mặt con bé và nói rằng nguyên nhân do tôi đã không cố gắng cứu nó”
Chọn lọc giống hiện đại
Để có được đứa con như ý muốn, hai vợ chồng phải chấp nhận sử dụng phương pháp thụ tinh qua ống nghiệm (IVF) và phải cho phép giới khoa học can thiệp vào các phôi thai của họ.
Bác sĩ Paul Serhal ở Đại học các bệnh viện London (UCH) là người trực tiếp tiến hành việc chọn lọc gene. Ông sử dụng kỹ thuật mang tên chẩn đoán gene trước khi cấy phôi (PGD) để giúp cặp vợ chồng bất hạnh. Kỹ thuật này bao gồm việc tạo nên các phôi thai thông qua IVF. Sau đó người ta đợi các phôi phân chia ra khoảng 8 tế bào và lấy một trong số đó để xem xét mẫu gene.
Thông qua khâu này, các chuyên gia về gene di truyền sẽ phát hiện được liệu phôi thai nào có gene BRCA1 bình thường hoặc gene BRCA1 đột biến. Gene đột biến sẽ bị loại bỏ trong khi gene BRCA1 bình thường được giữ lại. Phôi thai đã qua chọn lọc sau đó sẽ được gắn vào tử cung của người mẹ để bắt đầu quá trình mang thai bình thường.
Về quy trình kỹ thuật, việc lựa chọn phôi kiểu này không phải khó. Nhưng khó khăn lớn nhất người ta gặp phải là rào cản về đạo đức. Được biết, để có thể chọn lọc phôi cho cặp vợ chồng nói trên, bác sĩ Serhal đã phải chờ được sự đồng ý từ Cơ quan Phôi thai và Sinh sản người (HFEA) của Anh.
Những người gây trở ngại cho rằng vẫn có những phần trăm khả năng, dù nhỏ, cho thấy gene BRCA1 đột biến không gây bệnh ung thư. Việc chọn lọc và loại bỏ những phôi thai mang gene này, vì thế có thể sẽ dẫn tới việc loại bỏ những đứa trẻ khỏe mạnh. Bên cạnh đó, bệnh ung thư vú có thể không nguy hiểm tới tính mạng nếu người ta phát hiện sớm và phẫu thuật cắt bỏ bên vú mang mầm bệnh trước khi ung thư phát triển mạnh hơn.
Vì những lý do trên nên trước khi cấp phép cho Serhal được sử dụng PGD, HFEA đã phải tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến để tìm hiểu xem liệu phương pháp này có gây ra vấn đề về đạo đức nếu áp dụng cho cặp vợ chồng trên hay không. Serhal cho biết kết quả là công chúng đã phản ứng tích cực, theo hướng ủng hộ.
Vẫn còn sự phản đối
Năm ngoái, có một cặp vợ chồng khác cũng muốn được chọn lọc gene. Người chồng có tên Matthew và người vợ tên Helen tin rằng chỉ thông qua việc chọn lọc gene, con cái họ mới thoát khỏi thảm kịch mất mạng vì các căn bệnh nguy hiểm.
Lý do để họ chọn lọc gene là mẹ và bà của Helen đều mất mạng do ung thư.“Tôi đã sống phần lớn đời mình với ung thư và cái chết. Tôi sợ việc tới lượt mình cũng mắc bệnh ung thư và truyền nguy cơ lại cho con cái. Việc này (lựa chọn gene), cho chúng tôi cơ hội đảm bảo con gái chúng tôi sẽ không bao giờ phải trải qua những điều tương tự” - Helen nói.
Dù mục đích của việc chọn lựa gene như cặp Matthew - Helen mong muốn tiến hành là rất tốt đẹp, nhưng các tổ chức bảo vệ cuộc sống đã lên tiếng phản đối dữ dội. Theo họ, đây là hành động xóa sổ những đứa trẻ không hoàn hảo và kỹ thuật PGD là một công cụ để “tìm kiếm và tàn sát”.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Muốn giữ được nguồn cá giống tốt qua mùa đông, nhất là một số giống cá có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, có khả năng chịu đựng kém như cá chim trắng, cá rô phi, cá trôi Ấn Độ, người ương nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:
Ngày 10.12, lễ trao giải thưởng Nobel 2008 đã diễn ra long trọng tại Thuỵ Điển và Na Uy, với sự hiện diện của hoàng gia hai nước, các giáo sư đại học danh tiếng, chính trị gia và các nhà ngoại giao.
Ngày 11-12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn các cơ quan vũ trụ khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 15. Tại đây, GS-TSKH Nguyễn Khoa Sơn - Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ vũ trụ (Viện KH-CN Việt Nam) cho biết, dự án phóng vệ tinh VNREDSat-1 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương. Dự án VNREDSat-1 có tổng kinh phí khoảng 70 triệu USD được đầu tư bằng vốn ODA.
Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ngày 30-11 cho biết: sức khỏe của bệnh nhân Võ Thành Trung, 51 tuổi, ngụ ở Sóc Trăng đã ổn định sau khi thay quai động mạch chủ đoạn lên ngực.