Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Yên Bái: Kết quả triển khai một số đề tài, dự án khoa học
- Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ nhằm góp phần vào việc khai thác có hiệu quả những ưu thế của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KH-CN) tỉnh Yên Bái.
Đồng bào Mông thực hiện canh tác lương thực theo hướng bền vững trên đất dốc. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Những tiến bộ KH-CN, nhất là lĩnh vực nông lâm nghiệp, thông qua các đề tài dự án, đã được Trung tâm tổ chức triển khai như: công nghệ nuôi cấy mô tế bào; khảo nghiệm các cây trồng lâm nghiệp; trồng thử nghiệm tập đoàn cây ăn quả; ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu,... bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, phục vụ thiết thực vào phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Năm 2008, Trung tâm đã được Hội đồng khoa học (HĐKH) tỉnh phê duyệt thực hiện Dự án khoa học: “Cải tạo, nâng cấp vườn thực nghiệm đảo hồ Thác Bà để xây dựng vườn lưu giữ một số giống cây ăn quả đầu dòng". Sau một năm triển khai thực hiện, đơn vị đã đánh giá được thực trạng vườn cây ăn quả đảo hồ Thác Bà, trên cơ sở thực trạng và các số liệu theo dõi của các năm trước đã tiến hành tuyển chọn được 5 giống (giống cam Navelline, Marrs Orange, quýt Red Madarin, bưởi Diễn, bởi Xã Đoài) để tiếp tục theo dõi và chăm sóc.
Đồng thời, đã tiến hành quy hoạch lại toàn bộ diện tích trồng cây trên đảo theo thuyết minh Dự án đã được HĐKH phê duyệt; tiếp tục chăm sóc 5 giống cây ăn quả đầu dòng trồng năm 1999 theo đúng yêu cầu kỹ thuật đặt ra và theo dõi các chỉ tiêu khoa học. Lựa chọn, trồng mới và bước đầu theo dõi một số chỉ tiêu khoa học của 998 cây ăn quả đầu dòng có năng suất, chất lượng, sạch bệnh đã được một số đơn vị trong và ngoài tỉnh tuyển chọn làm cây đầu dòng để lưu giữ, bảo tồn phục vụ cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học trong những năm tới. Thông qua quá trình thực hiện Dự án đã giúp cho cán bộ kỹ thuật của đơn vị từng bước nâng cao trình độ chuyên môn về lĩnh vực trồng cây ăn quả có múi.
Đối với phát triển kinh tế – xã hội ở vùng cao, Trung tâm đã thử nghiệm một số giống cây lâm nghiệp ở vùng thấp lên trồng đều không đem lại hiệu quả, trong đó có các dòng bạch đàn nuôi cấy mô U6, PN14, PN2. Tuy nhiên qua quá trình khảo sát tại huyện Mù Cang Chải cho thấy giống bạch đàn trắng được trồng từ năm 1993 hiện sinh trưởng, phát triển rất tốt. Vì vậy, Trung tâm đã đề xuất Dự án. “Tuyển chọn, nhân giống cây bạch đàn trắng hiện có tại huyện Mù Cang Chải bằng phương pháp nuôi cấy mô và xây dựng mô hình trồng thử nghiệm tại vùng cao tỉnh Yên Bái".
Trong 6 tháng đầu năm 2009, đơn vị đã phối hợp với Viện nghiên Cứu cây nguyên liệu giấy Phù Ninh khảo sát tại địa bàn huyện Mù Cang Chải và thu thập được 20 cây bạch đàn trắng đưa vào hồ sơ. Kết quả đã tuyển chọn được 5 cây trội, sinh trưởng, phát triển tốt làm cây đầu dòng phục vụ công tác nuôi cấy mô tế bào.
Ngoài ra, để góp phần phát triển chăn nuôi đại gia súc ở huyện Mù Cang Chải, đơn vị đã phối hợp với UBND huyện Mù Cang Chải tư vấn, chuyển giao Dự án Kết quả đã xây dựng được mô hình trồng cỏ Guatemala trên diện tích 1,5ha tại 3 xã Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha. Tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cỏ, đồng thời cung ứng giống cỏ và hỗ trợ vật tư để phục vụ xây dựng mô hình. Tại huyện Trạm Tấu, Trung tâm đã chuyển giao Dự án: “Xây dựng mô hình canh tác trên đất nương rẫy của đồng bào Mông, huyện Trạm Tấu theo hướng bền vững kết hợp nông lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc”. Dự án do UBND huyện Trạm Tấu thực hiện, thuộc Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2004-2010 tại xã Trạm Tấu.
Công nghệ được đưa vào trong xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất nương rẫy kết hợp với chăn nuôi đại gia súc là sự kết hợp của hệ thống canh tác bền vững trên đất dốc theo mô hình nông lâm kết hợp và chăn nuôi bán chăn thả. Đây là công nghệ đơn giản phù hợp với trình độ và tập quán canh tác của đồng bào Mông, phát huy được thế mạnh của vùng cao về đất đồi rừng và chăn nuôi đại gia súc. Về hiệu quả kỹ thuật, các hộ tham gia mô hình, nhân dân trong khu vực và nhân dân các thôn bản nắm bắt được qui trình gieo trồng lúa nương, trồng cỏ, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc. Đặc biệt, nhân dân biết được cách xây dựng mô hình canh tác theo hướng bền vững kết hợp nông lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc.
Thông qua việc thực hiện mô hình đã xác định được cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho mô hình canh tác theo hướng bền vững, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho nhân dân.Về hiệu quả xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo, nhân dân yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng di dân tự do.
Nâng cao hệ số sử dụng đất, góp phần hạn chế tình trạng đốt nương làm rẫy, chặt phá rừng, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào việc xoá bỏ tình trạng tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn huyện Mô hình cũng là địa điểm học tập kinh nghiệm sản xuất thiết thực cho các hộ dân trong thôn bản và nhân dân các thôn, các xã lân cận, giúp người dân nắm vững giải pháp canh tác bền vững trong điều kiện sản xuất chủ yếu là đất đồi dốc.
Đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng chè Yên Bái và tổ chức sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, Trung tâm đã xây dựng Dự án: “Ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học Sao xanh trong trồng chè và rau tại tỉnh Yên Bái”.
Thời gian thực hiện từ tháng 01/ 2009 đến tháng 12/2009. Phân bón HCSH Sao Xanh cung cấp chất dinh dưỡng hữu cơ dễ hấp thụ cho cây trồng, giúp cho cây trồng hấp thụ tối đa lượng dinh dưỡng cần thiết có trong môi trường đất, nước, không khí và làm tăng chất lượng sản phẩm; giúp cho cây trồng tăng cường khả năng phân nhánh hữu ích, sinh trưởng tốt; tăng khả năng ra hoa, đậu quả; hạn chế và làm mất khả năng hoạt động của một số loại vi sinh vật có hại với cây trồng.
Nhờ kết cấu vững chắc của tập hợp khuẩn trong chế phẩm, đã ức chế khả năng hoạt động hoặc tiêu diệt các vi khuẩn có hại, nấm bệnh trong đất cũng như trên bề mặt thân lá của cây. Xạ khuẩn có trong Sao Xanh còn có khả năng sinh ra chất kháng sinh, chất ức chế được nguồn bệnh tăng sức đề kháng và sức miễn dịch cho cây trồng. Nhờ đó, cây trồng có sức đề kháng tốt với các loại sâu và bệnh hại. Bón phân HCSH Sao Xanh còn cải tạo đất, giữ nước, bảo vệ hệ vi sinh vật trong đất, cải thiện môi trường trồng trọt và sức khỏe cho người lao động, đồng thời lợi nhuận kinh tế trên một đơn vị diện tích tăng lên.
Thực hiện mới Đề tài: "Ứng dụng công nghệ sinh học trong phân lập giống cấp I nấm mộc nhĩ; nấm sò; nấm Linh chi” sau thời gian tiếp thu công nghệ và triển khai, đến nay Trung tâm đã phân lập thành công giống cấp I với 3 loại nấm trên. Kết quả tại mô hình đối chứng cho thấy 3 loại giống nấm này khá ổn định về chất lượng giống, đặc biệt là giống nấm mộc nhĩ cho quả thể to, dày và năng suất. Đây là một thành công của Trung tâm, và cũng là một tín hiệu vui cho người nuôi trồng nấm trên địa bàn tỉnh từ nay không còn băn khoăn về chất lượng giống nấm.
Nguyễn Thanh Sơn
Các tin khác
Ngày 28-6, tại hội thảo “Rotavirus – Bảo vệ sớm hôm nay, phòng ngừa cho tương lai”, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Trần Ngọc Hữu cho biết cứ 2 trẻ em nhập viện vì tiêu chảy thì một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra.
YBĐT - Thế kỷ XXI là thế kỷ của nền kinh tế trí thức. Trong nền kinh tế trí thức khoa học – công nghệ (KH-CN) là lực lượng sản xuất trực tiếp làm biến đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất của nền kinh tế quốc dân, làm cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế một cách bền vững. Công nghệ của nền kinh tế tri thức là công nghệ hiện đại, “công nghệ sạch”; công nghệ tạo ra những hàng hóa siêu bền và “sạch”; “chất xám” chiếm một tỷ trọng rất lớn trong giá trị hàng hóa.
Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Viện Y học trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho thấy virus cúm A/H1N1 đã biến thể sang một chủng virus khác, có khả năng tự sinh sôi một cách dễ dàng trong cơ thể người.
Bộ Y tế vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. Quy chuẩn mới này có hiệu lực từ ngày 1-12-2009, bãi bỏ Quyết định số 09/2005/QÐ-BYT ngày 13-3-2005 của Bộ trưởng Y tế về việc ban hành tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch.