Ba năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp
- Cập nhật: Thứ ba, 1/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 14/01/2008 về việc ban hành quy chế quản lý nhà nước về hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Quyết định số 1810/2007/QĐ-UBND ngày 24/10/2007 về việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Hiện đang hoàn tất thủ tục hỗ trợ 2 trăm triệu đồng đối với Chỉ dẫn địa lý Văn Yên cho sản phẩm quế huyện Văn Yên.
|
Quyết định số 36/2006/QĐ-TTg ngày 8/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Chương trình 68 có hai mục tiêu cơ bản là: nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với ba nội dung cụ thể: tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thông tin về sở hữu trí tuệ.
Thực hiện Chương trình này, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 129/QĐ-UB ngày 13/4/2006. Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái là cơ quan quản lý các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm triển khai Chương trình, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 14/01/2008 về việc ban hành quy chế quản lý nhà nước về hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Quyết định số 1810/2007/QĐ-UBND ngày 24/10/2007 về việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đây là 2 văn bản quy phạm quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, đăng ký quyền và từng bước khai thác phát triển tài sản trí tuệ.
Tính đến hết tháng 6/2009, toàn tỉnh có 119 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó 99 đơn đăng ký nhãn hiệu, 16 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 4 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích. Số văn bằng được Cục sở hữu trí tuệ cấp là 76 văn bằng, trong đó 64 văn bằng nhãn hiệu, 9 văn bằng kiểu dáng công nghiệp, 3 văn bằng sáng chế/giải pháp hữu ích. Trong 3 năm thực hiện Chương trình số lượng đơn sở hữu công nghiệp tăng đáng kể, chiếm tỷ lệ 55% tổng số đơn đăng ký từ năm 1994 đến nay.
Sở Khoa học và Công nghệ đã đặc biệt quan tâm tới công tác tư vấn, đề xuất hướng dẫn đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển nhãn hiệu tập thể một số sản phẩm mang tính đặc trưng của tỉnh Yên Bái như: Gạo Chiêm Hương Đại Phú An, Gạo nếp Tú Lệ và Hồng chùm không hạt Lục Yên. Triển khai thực hiện Dự án “Xác lập quyền đối với Chỉ dẫn địa lý “Văn Yên” cho sản phẩm quế của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 2750/QĐ-BKHCN ngày 19/11/2007, Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ do Trung ương quản lý.
Đến nay, dự án đã hoàn thiện, được nghiệm thu cấp cơ sở và đang trình Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước; xúc tiến việc triển khai xây dựng giai đoạn 2 Dự án quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Quế Văn Yên theo Quyết định số 567/QĐ-BKHCN ngày 09/4/2009 của bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt danh mục các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp để tuyển chọn thực hiện trong năm 2009-2010.
Năm 2008 - 2009, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình UBND tỉnh Quyết định hỗ trợ kinh phí cho 5 đơn vị được nhà nước bảo hộ quyền gồm 3 giấy chứng nhận nhãn hiệu, 1 nhãn hiệu tập thể, 5 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, với tổng số tiền là 46 triệu đồng. Hiện đang hoàn tất thủ tục hỗ trợ 2 trăm triệu đồng đối với Chỉ dẫn địa lý Văn Yên cho sản phẩm quế huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái.
Đánh giá một số ưu điểm và tồn tại:
* Ưu điểm:
- Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phối hợp tốt giữa Cục sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ và địa phương. Sau 3 năm thực hiện Chương trình, số lượng đơn, văn bằng chứng nhận bảo hộ tăng nhanh trên 5 lĩnh vực (nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp).
- Hoạt động thông tin tuyên truyền về lĩnh vực sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp; tài sản trí tuệ đã được coi trọng.
- Đã tập chung nghiên cứu một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh, xây dựng kế hoạch và lộ trình báo cáo Ban quản lý Chương trình xem xét hỗ trợ thực hiện 2007 - 2010 và những năm tiếp theo.
- Bước đầu làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị (tổ chức, cá nhân) sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; tham mưu kịp thời chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
* Một số khó khăn và tồn tại:
- Trong quá trình quản lý thực hiện Chương trình tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn như: định giá tài sản trí tuệ, xây dựng và triển khai mô hình chuyển giao tài sản trí tuệ. Đối với mô hình nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu Chỉ dẫn địa lý còn lúng túng trong việc xây dựng tổ chức quản lý, quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu, quy chế sử dụng nhãn mác, bao bì sản phẩm; hệ thống tuyên truyền và quảng bá… do vậy cần có sự hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí để hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương thực sự có hiệu quả.
- Sự phối hợp hoạt động về sở hữu trí tuệ giữa các sở, ban, ngành, đơn vị ở một số lĩnh vực chưa thực sự tốt, cụ thể: Công tác phổ biến tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, việc tư vấn hỗ trợ xác lập quyền bảo hộ, xúc tiến thương mại, hoạt động khai thác, phát triển thương hiệu đã được bảo hộ còn hạn chế và thiếu đồng bộ, công tác kiểm tra, thanh tra, thẩm định về sở hữu trí tuệ chưa được tăng cường, còn bất cập với thực tiễn…
- Một số doanh nghiệp khi sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng không tra cứu, tìm hiểu kỹ dẫn đến xâm phạm quyền của người khác. Đặc biệt, một vài doanh nghiệp lấy việc sao chép các kiểu dáng, nhãn hiệu của doanh nghiệp khác phục vụ cho mục đích hoạt động kinh doanh của mình; một số ít trường hợp văn bằng chứng chỉ bảo hộ đã hết thời hiệu nhưng vẫn sử dụng,…
Tiếp tục thực hiện Chương trình những năm tiếp theo:
Để góp phần thực hiện chương trình hành động KH&CN khi nước ta là thành viên WTO, đồng thời tạo lập cơ chế chính sách để doanh nghiệp (tổ chức, cá nhân) nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu mạnh, xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ tài sản trí tuệ của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Công tác sở hữu trí tuệ cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng dẫn xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp thông qua chính sách hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Tập trung vào một số sản phẩm có định hướng và thế mạnh tại địa phương như: chè, quế, gỗ, khoáng sản, gạo đặc sản, vật liệu xây dựng...
Hai là, xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương giai đoạn 2010 - 2015 tầm nhìn 2020, từ đó làm cơ sở để lựa chọn sản phẩm mũi nhọn, xây dựng lộ trình phát triển, quảng bá thương hiệu mạnh của tỉnh.
Ba là, tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ (cán bộ chuyên môn) doanh nghiệp về các chính sách, pháp luật sở hữu công nghiệp và lợi ích, giá trị của tài sản trí tuệ; từng bước đưa hoạt động sở hữu công nghiệp trở thành một bộ phận của hoạt động sản xuất và kinh doanh, đưa sở hữu trí tuệ trở thành giá trị tài sản đích thực của các doanh nghiệp.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện tốt và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ được bảo hộ, thanh tra, xử lý tranh chấp vi phạm quyền bảo hộ.
Năm là, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt: Dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Văn Yên cho sản phẩm quế của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” và Dự án “tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Suối Giàng cho sản phẩm chè của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái” trong năm 2009 - 2010.
Sáu là, xây dựng cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ để phục vụ công tác quản lý và hỗ trợ tra cứu trước khi xác lập quyền cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bảy là, tăng cường phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra, thẩm định; chống hàng giả, chống gian lận thương mại, chống vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, giải quyết tranh chấp (nếu có) trên địa bàn.
Vũ Viết Nhất - (Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái)
Các tin khác
Các nhà khoa học vừa cảnh báo về tình trạng hút thuốc lá trên thế giới hiện nay. Theo Hội ung thư Mỹ, sẽ có gần 6 triệu người trên thế giới tử vong trong năm tới do các căn bệnh liên quan đến hút thuốc lá như bệnh ung thư, tim mạch và một loạt căn bệnh khác.
Theo tính toán về dự báo khí hậu của Viện Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường từ nay cho đến tháng 10, nhiệt độ cả nước có xu hướng tăng so với trung bình nhiều năm, riêng vùng Sơn La, Quảng Nam, Vĩnh Long có thể giảm. Bà Đào Thị Thuý, Trung tâm nghiên cứu Khí tượng- Khí hậu cho biết, các điều kiện của El Nino có khả năng phát triển trong 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 10).
Y học hiện đại ngày càng có thêm nhiều thành tựu, nhưng những siêu bệnh dịch vẫn luôn ám ảnh và đe dọa loài người…
Các nhà khoa học thông báo lần đầu tiên họ phát hiện một chủng virus HIV mới có nguồn gốc từ khỉ đột, và virus mới này có thể tái tạo trong tế bào người.