Siết chặt tải trọng, kéo giảm tai nạn giao thông
- Cập nhật: Thứ hai, 25/8/2014 | 10:06:33 AM
YBĐT - Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trật tự an toàn giao thông (TT ATGT), đặc biệt là tình trạng xe quá tải gây hư hỏng nhiều tuyến đường, kéo theo đó là nguy cơ mất ATGT, thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã cùng với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để siết chặt hoạt động vận tải, nhất là tình trạng xe quá tải trọng.
Cán bộ thanh tra giao thông hướng dẫn xe vào trạm cân để kiểm tra tải trọng.
|
Có thể nói, tình trạng xe quá tải gây hư hỏng nhiều tuyến đường, mất ATGT từ lâu đã làm đau đầu các ngành chức năng và gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, phải đến khi Ủy ban ATGT Quốc gia lựa chọn Năm ATGT 2014 là năm “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” thì nhiều giải pháp để kiểm tra tải trọng xe mới được các ngành chức năng tập trung triển khai, nhất là hoạt động cân kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ. Tại Yên Bái, hoạt động kiểm soát tải trọng xe đã được ngành giao thông vận tải và các lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt từ giữa năm 2013. Đặc biệt, bước sang năm 2014, khi tỉnh được tiếp nhận trạm cân tải trọng lưu động thì công tác siết chặt tải trọng xe đã dần được khép kín tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Quang Bình - Phó chánh thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải), Trạm trưởng Trạm cân tải trọng lưu động, từ khi tiếp nhận trạm cân đến nay, liên ngành Giao thông vận tải - Công an tỉnh đã tổ chức 3 đợt cân trên tuyến quốc lộ 70. Cụ thể, đợt 1 từ 10-22/11/2013, đợt 2 từ 15-22/1/2014.
Qua 2 đợt này đã kiểm tra 700 lượt xe, phát hiện gần 600 xe vi phạm quá tải, xử phạt gần 600 triệu đồng. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Yên Bái cùng với nhiều địa phương trên cả nước đã đồng loạt triển khai cân từ 1/4 đến nay. Tính đến 17/8, đã kiểm tra 5.113 lượt xe, phát hiện 488 xe vi phạm, bắt hạ tải trên 10.700 tấn hàng, xử phạt 320 trường hợp, tạm giữ giấy phép lái xe trên 300 trường hợp, thu nộp ngân sách trên 1,8 tỷ đồng. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 4 tháng qua (từ 1/4-31/7), Yên Bái đã dẫn đầu cả nước về tỉ lệ xử lý xe vi phạm tải trọng.
Được biết, thời gian đầu khi triển khai trạm cân gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng hoặc mưa gió kéo dài khiến cho cân thường xuyên bị trục trặc; địa điểm đặt trạm cân gặp nhiều khó khăn, nhất là bãi để hạ tải, rồi trang thiết bị, nhân lực phục vụ việc hạ tải. Ngoài ra, chỗ ăn ở, sinh hoạt và làm việc của cán bộ chiến sỹ nơi đặt trạm cân còn gặp khó khăn, chủ yếu phải đi thuê nhà dân. Trong khi đó, nhân lực thiếu, kinh phí phục vụ cho hoạt động trạm cân rất hạn chế. Nhiều lái xe còn tỏ thái độ chống đối, không hợp tác như: đỗ xe chờ trời mưa vượt trạm, né trạm, san tải, “cò” dẫn đường đi vào đường cấm và các tuyến đường đô thị gây hư hỏng và bức xúc trong nhân dân... Nắm bắt và lường trước được những khó khăn, vướng mắc trên, ngành giao thông vận tải và các ngành chức năng đã chủ động đề ra nhiều giải pháp khắc phục, duy trì hoạt động của trạm cân.
Ông Mai Văn Bộ - Chánh thanh tra giao thông cho biết: “Bên cạnh việc xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản phục vụ cân xe, đơn vị cũng thường xuyên tập huấn cho các cán bộ chiến sỹ tham gia trạm cân, nhất là về qui trình vận hành và bảo trì các thiết bị của trạm cân tải trọng. Nhờ đó, hoạt động của trạm cân đến nay đã cơ bản ổn định. Một số cán bộ, chiến sỹ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh, tuyên truyền giải thích với lái xe và trong vận hành kỹ thuật trạm cân”.
Cùng với việc duy trì hoạt động của trạm cân tải trọng lưu động, ngành giao thông vận tải còn phối hợp với các địa phương duy trì hoạt động kiểm soát tải trọng tại nhiều tuyến tỉnh lộ. Tại huyện Văn Chấn, ngành đã phối hợp với Công an huyện thành lập tổ tuần tra kiểm soát liên ngành để siết chặt hoạt động chở quá tải trên các tuyến tỉnh lộ 172 (Hợp Minh - Mỵ), tỉnh lộ 173 (Đại Lịch-Minh An).
Bên cạnh đó, tại nút giao IC 14 giữa đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường tỉnh lộ 166 (Yên Bái-Khe Sang), ngành cùng với lực lượng công an tỉnh, công an Văn Yên thành lập tổ kiểm tra tải trọng xe. Từ 22-30/7, tổ liên ngành đã cân được 268 xe, phát hiện 34 xe vi phạm, hạ tải 410 tấn, xử phạt trên 100 triệu đồng. Nhờ đó, hạ tầng cơ sở của những tuyến đường này đã phần nào được bảo vệ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Có thể nói, với nhiều giải pháp quyết liệt từ tuyên truyền cho đến siết chặt và khép kín kiểm tra tải trọng trên nhiều tuyến đường, hoạt động xe chở quá tải trọng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được hạn chế rất nhiều, số xe vi phạm giảm hẳn. Cũng nhờ đó, tình hình tai nạn, va chạm giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, các vụ tai nạn và va chạm giao thông được kéo giảm, nhân dân đi lại được thuận tiện, dễ dàng hơn.
Hùng Cường
Các tin khác
Xe cấp cứu chở bệnh nhi 7 tháng tuổi trên đường từ Quảng Trị vào Bệnh viện Trung ương Huế thì gặp tai nạn khiến 3 người tử vong, gồm bệnh nhi, mẹ cháu bé và tài xế.
Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
YBĐT - Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông không chỉ gây nên những mất mát cho mỗi người, mỗi gia đình mà còn gây ra gánh nặng cho toàn xã hội. Do vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân, gia đình và những người khác cần được những người tham gia giao thông ý thức và trách nhiệm hơn.
Sáng 18-8, một chiếc xe khách chở 12 người bệnh bất ngờ bốc cháy dữ dội khi đi trên đường Trường Chinh đoạn qua phường Tân Hưng Thuận, quận 12. TP Hồ Chí Minh.