Người “thầy” mang sắc áo vàng của nắng
- Cập nhật: Thứ tư, 23/9/2015 | 10:24:40 AM
YênBái - YBĐT - Nói về tai nạn giao thông, trung tá Vũ Đình Việt đau đáu một điều: “Tai nạn giao thông là hiểm họa triền miên gắn với đời sống của xã hội. Dịch bệnh và chiến tranh có thể kết thúc nhưng tai nạn giao thông không có ngày kết thúc”. Phải chăng từ nỗi đau đáu này mà người cảnh sát giao thông (CSGT) ấy càng thêm nỗ lực trong tuyên truyền pháp luật giao thông, những mong góp công sức của bản thân cho mọi người, mọi nhà có cuộc sống bình an bởi an toàn giao thông (ATGT).
Trung tá Vũ Đình Việt (bên trái, hàng trên) trao giải cho các thí sinh tại một hội thi tìm hiểu Luật giao thông của ngành Giáo dục và Đào tạo.
|
Có lẽ rất nhiều học sinh ở nhiều trường trên địa bàn thành phố Yên Bái không lạ gì chú CSGT ấy vì đã từng được nghe người “thầy” mang sắc phục vàng của nắng giảng những bài học về pháp luật ATGT. Có em có khi còn chẳng biết hoặc chẳng nhớ tên người thầy đặc biệt nọ nhưng những bài giảng của "thầy" thì lại ít quên. Bởi đấy là những bài giảng dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thân với sự an toàn của chính bản thân các em mỗi ngày tham gia giao thông dù rằng thực ra tự thân nội dung những bài giảng vốn rất khó “nhằn" - luật mà! Và cái tài tình của người CSGT làm công tác tuyên truyền pháp luật ATGT như trung tá Vũ Đình Việt - Đội phó phụ trách Đội Xử lý, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh) nằm ở chỗ đó.
Với nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật giao thông trong học đường, lựa chọn hình thức truyền tải nào cho phù hợp với từng lứa tuổi học sinh ở mỗi cấp học là điều mà trung tá Việt tính đến đầu tiên ngay từ ngày đầu làm công việc này. Không ngại mày mò để có những bài giảng sáng tạo, trung tá Việt không chỉ chịu khó tìm tòi những hình ảnh để minh họa sinh động cho bài giảng mà còn sưu tầm, sáng tác cả thơ ca, hò vè phụ trợ đắc lực cho nội dung tuyên truyền. Đơn cử như với học sinh ở lứa tuổi tiểu học, Luật Giao thông đường bộ được "thầy" Việt chuyển tải bằng thứ ngôn ngữ đơn giản, phù hợp với tư duy lứa tuổi này, cũng có thể được gửi gắm qua những câu chuyện, những tình huống giao thông nho nhỏ vừa thu hút sự chú ý lắng nghe của các em vừa để các em dễ hiểu, dễ nhớ hơn.
Còn nhớ, thời gian trước, khi xe đạp được đông đảo học sinh sử dụng hơn bây giờ, những quy định của pháp luật về ATGT liên quan đến chiếc xe đạp được trung tá Vũ Đình Việt gắn với những câu thơ: “…Đi xe đạp phải cần đảm bảo/ Đủ chuông, phanh, đèn tốt trước sau/ Chớ nên đùa giỡn đuổi nhau/ Cũng không hối hả đi mau lấn đường/…Không phóng xe từ sân ra phố/ Muốn rẽ ngang phải nhớ xin đường/ Tới ngã tư chớ coi thường/ Phải chờ có lệnh chỉ đường hãy sang/ Không đi xe hàng ngang gẫu chuyện/ Chớ buông tay sĩ diện khoe tài..”. Những vần thơ hàm chứa đầy đủ quy định của luật khi sử dụng xe đạp khiến luật không còn khô khan, khó hiểu, khó nhớ nữa, đã được “thầy” Việt mang đi "giảng" cho học sinh ở nhiều trường học. Học luật bằng thơ còn tạo cho các em thêm niềm hứng thú tiếp nhận. Nhiều em học sinh từ thuộc thơ mà hiểu luật, thuộc luật, luôn tự ý thức khi sử dụng xe đạp tham gia giao thông.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật ATGT, trung tá Vũ Đình Việt luôn nêu cao ý thức trách nhiệm là làm sao để hiệu quả tuyên truyền cao nhất có thể. Vì thế, trung tá Việt luôn tư duy để có thể có những hình thức tuyên truyền mới mẻ, có tác động mạnh tới ý thức người dân. Năm 2013, trung tá Việt đã bỏ công sức, thời gian thực hiện một phóng sự truyền hình không ngoài mục đích mang nội dung tuyên truyền pháp luật ATGT đến người dân bằng những hình ảnh sống động nhất để tác động mạnh mẽ nhất tới ý thức chấp hành pháp luật ATGT của mọi người.
Suốt ba tháng trời cần mẫn với từng hình ảnh thực tế hay góp nhặt từng chút tư liệu hình ảnh, xây dựng lời bình, trung tá Việt đã hoàn thành tác phẩm bằng một sự cố gắng hết mình, không mệt mỏi. Phóng sự đã được đồng nghiệp đánh giá cao, được sử dụng tuyên truyền tại các khu vực đông dân cư trên địa bàn thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, huyện Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ. Ngoài thể hiện bằng tiếng phổ thông, phóng sự còn được thể hiện bằng tiếng Thái, tiếng Mông và tiếng Dao, in sao ra hơn 300 đĩa, tuyên truyền tại rất nhiều xã, phường trên phạm vi toàn tỉnh. Quả thật, hình ảnh về những tai nạn giao thông kinh hoàng, những nỗi đau bởi tai nạn giao thông, những hành vi thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường… đã có tác dụng rất lớn trong việc tác động tới cảm xúc, từ đó, tác động tới ý thức người dân trong việc chấp hành pháp luật ATGT.
Nhớ lại thời điểm xoay xở làm sản phẩm tuyên truyền này, trung tá Việt bảo rằng: "Điều quan trọng nhất là tôi đã nỗ lực hết mình để hoàn thành, mang lại một hình thức tuyên truyền luật sinh động hơn, tác động mạnh mẽ tới ý thức của người dân hơn trong xây dựng ý thức chấp hành luật giao thông. Đó mới là điều tôi khiến tôi hài lòng với nỗ lực của mình".
Tuyên truyền luật đạt hiệu quả cao đã khó, lại phải tự biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền lại thêm khó khăn cho những cán bộ trong lực lượng CSGT làm nhiệm vụ này. Trước nay, mọi tài liệu phục vụ các buổi lên lớp giảng luật từ trong học đường hay ở các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, trong lực lượng công an của trung tá Việt đều do bản thân anh kỳ công tìm tòi, biên soạn. Không những thế, năm 2012, trung tá Việt còn biên soạn 3 bộ tài liệu phục vụ tuyên truyền về pháp luật ATGT sử dụng Công an tỉnh, các ban, ngành, các trường học và được lực lượng CSGT các địa phương trong tỉnh sử dụng trong công tác tuyên truyền trên địa bàn. Những điều đó cho thấy không chỉ sự vững chắc trong chuyên môn nghiệp vụ mà còn là cả tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, say nghề trong con người trung tá Việt. Có lẽ cũng bởi những điều này mà ngay cả trong thời điểm trước đây, khi điều kiện phục vụ cho công tác tuyên truyền pháp luật ATGT còn khó khăn, thiếu thốn thì trung tá Việt vẫn khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Hơn 30 năm công tác, trong đó rất nhiều năm làm tuyên truyền pháp luật ATGT để trung tá Việt hiểu và gắn bó với công việc này. Gắn bó, trách nhiệm và nhiệt tình với người “thầy” mang sắc áo vàng ấy cuối cùng cũng là để làm sao người dân hiểu, nắm rõ và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT, góp phần cho cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà và cả xã hội bình an, hạnh phúc bởi ATGT.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT – Vào hồi 5h15 phút sáng 23/9, tại Km 130+700 (đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) đoạn qua thôn 11, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 2 người chết và 7 người bị thương.
YBĐT - Cứ mỗi dịp tiếng trống khai trường vang lên, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) học đường lại thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành và dư luận. Làm thế nào để cổng trường an toàn, không xảy ra ùn tắc sau mỗi giờ tan tầm? Làm thế nào để học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT khi tham gia giao thông? Đây thực sự luôn là “bài toán” khó.
Khoảng 10g45 ngày 20-9, trên quốc lộ 212, đoạn qua thôn Lộc Trù, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, xảy ra vụ tông xe giữa xe máy và xe tải khiến hai thanh niên tử vong tại chỗ.
Một vụ tai nạn xảy ra trên giao lộ đường Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Văn Lũy (phường Hòa Phú, TP mới Bình Dương) chiều 20-9 giữa xe container và xe khách 16 chỗ làm 4 người bị thương.