Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định, nhân dân được giám sát công an nhân dân trong việc thi hành các quy định của pháp luật bảo đảm trật tự ATGT và việc chấp hành quy định của Bộ Công an về Quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.
So với Thông tư số 54/2009/TT-BCA ban hành ngày 2-10-2009 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT, Thông tư số 67/2019/TT-BCA đã bổ sung thêm hình thức giám sát phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Thông tư mới ban hành quy định rõ, việc giám sát phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.
Theo quy định, có 5 hình thức giám sát đối với cảnh sát giao thông, gồm: Thông qua các thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Riêng việc giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp phải thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự ATGT).
Làm rõ hơn quy định này, Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, khu vực bảo đảm trật tự ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ. Dây căng là dây có nền màu đỏ, hoặc vàng chiều rộng 5-10cm. Một số dây có in kèm theo dòng chữ "Khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.
Theo Trung tá Vũ Văn Hoài, thời gian qua, một số người dân chưa hiểu đúng về cách thức thực hiện quyền giám sát nên đưa sát máy ghi hình vào khu vực lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ và phát trực tiếp cho nhiều người xem. Việc này thường xảy ra khi các tổ công tác 141 Công an thành phố Hà Nội dừng xe kiểm tra bất thường với người tham gia giao thông có dấu hiệu vi phạm. Người dân cần hiểu rõ quyền giám sát phải được thực hiện theo đúng luật vì các lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát ma túy hóa trang tại các tổ công tác 141 đang làm nhiệm vụ bí mật.
Trao đổi về việc thực hiện Thông tư số 67/2019/TT-BCA, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, các quy định mới thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an trong phòng ngừa sai phạm, tiêu cực.
Thông qua giám sát, người dân có thể cung cấp thông tin, hình ảnh qua Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông các địa phương và các đội, trạm, trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông công an các tỉnh, thành phố. Ngoài ra còn qua kênh thông tin như các báo, trang thông tin điện tử... để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
"Các quy định pháp luật luôn tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, người dân cũng nên tạo điều kiện cho lực lượng chức năng làm việc. Không nên đưa sát máy ghi hình vào nơi cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ, như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm việc”, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết thêm.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, hiện nay, khi đi làm nhiệm vụ, các tổ công tác cũng được trang bị camera giám sát đặt trên xe và gắn trên người cán bộ, chiến sĩ. Hình ảnh ghi được từ các camera này sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm nên lãnh đạo đơn vị có thể biết được toàn bộ quá trình làm việc của tổ công tác. Nếu phát hiện có chống đối hoặc truy bắt tội phạm cần hỗ trợ thì đơn vị sẽ điều thêm cán bộ đến ngay. Bên cạnh đó, camera cũng ngăn ngừa cán bộ có vi phạm, tiêu cực.
(Theo HNMO)