Dịp cuối tuần, chị Nguyễn Thị Hà lại lựa chọn phương tiện đường thủy ở Cảng Hương Lý, thị trấn Yên Bình để trở về nhà tại xã Cẩm Nhân, huyện Yên Bình. Phương tiện giao thông đường thủy vừa rẻ, vừa nhàn nhã hơn đi đường bộ bằng xe máy nhưng cái khó khăn nhất với chị là lúc lên, xuống tàu.
"Tôi không thể đưa xe lên xuống tàu được, người lái tàu sẽ phụ trách công việc ấy. Họ làm việc nhiều năm nên có sức khỏe, kinh nghiệm sẽ an toàn hơn. Khi mực nước hồ xuống thấp, tàu phải đậu xa vị trí cảng chính, chỗ xuống tàu không thuận lợi nên mình phải cẩn trọng, nhất là đối với trẻ em. Chiếc cầu xuống tàu chủ yếu làm bằng 1 đến 2 tấm ván gỗ được bắc từ thuyền vào bờ khi chênh vênh, tương đối khó khăn với người ít trải nghiệm” - chị Hà chia sẻ.
Chị Đào Thị Thanh ở Hà Nội thì đã có một trải nghiệm không như ý ngay trong lần đầu đến hồ Thác Bà. Chị Thanh chia sẻ: "Tôi biết đến du lịch hồ Thác Bà từ rất lâu, đây là điểm đến hấp dẫn đối với mọi du khách vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ. Tuy nhiên, dường như hệ thống bến cảng đã được đầu tư khá lâu, ít được sửa chữa nên nhà chờ tàu đơn giản, hàng dịch vụ ít hơn so với những địa điểm du lịch khác. Tôi muốn mua những nông sản địa phương hay quà lưu niệm đều không có”.
Cảng Hương Lý, hồ Thác Bà được xây dựng từ những năm đầu thập niên 70, cùng thời điểm với việc xây dựng đập thủy điện Thác Bà. Cảng được xây dựng trên một diện tích rộng khoảng 1 ha, có bến tàu, cầu cảng, kho bãi và các công trình phụ trợ khác. Việc xây dựng Cảng ban đầu nhằm phục vụ cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng, thiết bị và nhân lực cho công trình Nhà máy thủy điện Thác Bà. Sau khi công trình thủy điện hoàn thành, Cảng được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, hành khách và du lịch. Đây được xem là một cảng thủy nội địa lớn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào sử dụng, trải qua nhiều đợt sửa chữa, hiện khu vực Cảng có một khu nhà điều hành, một khu nhà nghỉ, một khu vực dịch vụ kết hợp nhà chờ tàu cùng hệ thống khuôn viên và đường dẫn xuống khu vực bến tàu du lịch, khu vực bến tàu khách, tất cả đang có dấu hiệu xuống cấp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ và an toàn giao thông ngay tại bến đỗ.
Mức nước xuống theo từng thời điểm khiến việc neo đậu, vận chuyển lên tàu gặp nhiều khó khăn.
Theo anh Hà Nguyên Ninh, thuyền trưởng tàu khách Ninh Anh, việc đón trả khách bằng phương tiện đường thủy gặp nhiều khó khăn vì khu vực xuống tàu phụ thuộc vào mức nước từng thời điểm của hồ Thác Bà.
Bến đỗ cho các tàu cũng chưa được xác định, chủ yếu là các lái tàu tự lựa chọn vị trí phù hợp. Cùng với đó, các hạng mục tại bến cảng, hệ thống phụ trợ dẫn lái xuống cấp và lưu lượng tàu chở hàng hóa qua khu vực gần Cảng đông ảnh hưởng đến việc ra vào bến của các tàu, thuyền.
"Tôi mong các cơ quan chức năng sớm có phương án khảo sát, đầu tư, xây dựng, cải tạo bến cảng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách và nhân dân được an toàn, để Cảng Hương Lý xứng tầm là cảng vận tải, hành khách lớn nhất của tỉnh Yên Bái", anh Ninh nói.
Hiện trên hồ Thác Bà có gần 60 tàu thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vận tải hành khách và tàu phục vụ khách du lịch đã được cấp phép hoạt động. Các tàu khách hầu hết là của Công ty Cổ phần Vận tải thủy bộ Yên Bái đi các tuyến cố định từ Cảng Hương Lý đi các xã vùng Đông Hồ của huyện Yên Bình và huyện Lục Yên.
Qua rà soát, các bến thủy nội địa trên hồ Thác Bà cơ bản đã được đầu tư từ nhiều năm trước và đều đã xuống cấp. Nhiều vị trí cầu cảng, bến neo đậu bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào, neo đậu. Hệ thống nhà chờ, hạng mục vệ sinh đã cũ. Hệ thống chiếu sáng còn thiếu hoặc hạn chế gây khó khăn cho việc neo đậu, cập bến vào ban đêm. Các hạng mục dịch vụ thiết yếu phục vụ hành khách như dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí... rất hạn chế.
Trước thực trạng xuống cấp của Cảng Hương Lý nói riêng và các bến thủy nội địa trên hồ Thác Bà nói chung, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa các bến theo kế hoạch. Tuy nhiên, việc nâng cấp, sửa chữa cần sớm được triển khai càng nhanh càng tốt để bảo đảm chất lượng dịch vụ, thúc đẩy phát triển vận tải hành khách, hàng hóa và hơn nữa là tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch hồ Thác Bà xứng tầm Khu du lịch quốc gia mà Chính phủ đã phê duyệt.
Văn Dương