Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu ở kỳ họp thứ 6 và dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới đây (tháng 5.2024).
Trong dự thảo mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, luật đã quy định cụ thể thời hạn của giấy phép lái xe. Dự thảo luật quy định giấy phép lái xe bao gồm các hạng: A1; A; B1; B; C1; C; D1; D2; D; BE; C1E; CE; D1E; D2E và DE.
Theo đó, giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn; giấy phép lái xe hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
Giấy phép lái xe các hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Cũng theo dự thảo luật, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy; người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE; người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE; người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE.
Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 29 chỗ ngồi phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định độ tuổi của người lái xe trong lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Người có độ tuổi, sức khỏe đáp ứng quy định của luật này để được cấp giấy phép lái xe phải được đào tạo theo nội dung lý thuyết và thực hành theo chương trình đào tạo quy định cho từng hạng giấy phép lái xe.
Người học lái xe phải được đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe hoặc các hình thức đào tạo lái xe khác theo quy định để cấp mới hoặc nâng hạng giấy phép lái xe.
Việc đào tạo để nâng hạng giấy phép lái xe thực hiện cho trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B lên hạng C1 hoặc lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2; nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C1 lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2.
Ngoài ra còn có trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C lên hạng D1 hoặc lên hạng D2 hoặc lên hạng D; nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D1 lên hạng D2 hoặc lên hạng D; nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D2 lên hạng D; nâng hạng giấy phép lái xe từ các hạng B, C1, C, D1, D2, D lên các hạng giấy phép lái xe tương ứng BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.
Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe phải có giấy phép lái xe đang còn hiệu lực và có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe; người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng D1, D2, D tối thiểu phải có trình độ từ trung học cơ sở.
Giấy phép lái xe hạng C, D1, D2, D và các hạng BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE phải được đào tạo bằng hình thức đào tạo nâng hạng theo các điều kiện quy định.
Giấy phép lái xe thu hồi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người được cấp giấy phép lái xe không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ quan y tế đối với từng hạng giấy phép lái xe.
- Giấy phép lái xe được cấp sai quy định.
- Giấy phép lái xe đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt theo quy định nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng.
(Theo LĐO)