Theo Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô đang được Bộ GTVT xây dựng, một loạt tính năng mới sẽ được đề xuất bổ sung.
Cụ thể, bên cạnh tính năng cảnh báo bằng âm thanh cho lái xe trong các trường hợp: xe chạy quá tốc độ, lái xe điều khiển phương tiện quá 4 giờ liên tục; thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô còn phải có cảnh báo đối với trường hợp lái xe không thực hiện đăng nhập trước khi phương tiện di chuyển nhằm xác định rõ người lái xe. Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung quy định cụ thể để làm cơ sở cài đặt tốc độ, thời gian lái xe liên tục theo bản đồ số trên thiết bị giám sát hành trình.
Về phần mềm, Bộ GTVT đề xuất bỏ yêu cầu tương thích với các hệ điều hành Microsoft Windows để phần mềm có thể xây dựng trên nhiều nền tảng, có khả năng hiển thị thông tin về tài xế, phương tiện, có khả năng quản lý, khai thác dữ liệu, báo cáo thống kê.
Xung quanh những nội dung mới của Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.
- Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào trước đề xuất bổ sung tính năng cho thiết bị giám sát hành trình để quản lý chặt hơn tốc độ và thời gian lái xe liên tục của tài xế kinh doanh vận tải?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Thiết bị giám sát hành trình thì Luật giao thông đường bộ 2008 cũng đã đề cập, đưa nhúc nhắc vào, nhưng chưa luật hóa nên chưa bắt buộc doanh nghiệp phải lắp. Ngay thời điểm đó, chúng tôi rất mong mỏi máy báo được tốc độ chạy, nhưng khi ấy chưa có bản đồ số, bản đồ về tốc độ. Vì thế, các xe chạy cứ chạy, tài xế không nghe được báo động ở trên xe, người ở nhà quản lý cũng vậy. Chỉ đến khi xảy ra tai nạn thì mới ồ lên, xe này chạy quá tốc độ.
Bây giờ yêu cầu như vậy thì cần phải đồng bộ. Thiết bị đó phải được cải tiến, đáp ứng được các tính năng, cùng với đó, bản đồ tốc độ phải ăn khớp với nhau. Điều này rất khó, không đơn giản. Phải có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý với app này, ví dụ chạy trong khu đông dân cư giới hạn 50km/h nhưng không báo được cho thiết bị, lái xe và doanh nghiệp thì đấy là khó khăn.
Nếu không thì vẫn cứ cọc cạch, chả đâu vào đâu. Và cái lo lắng lớn nhất là số lượng xe bây giờ lên tới hàng vạn, hàng triệu phương tiện, việc quản lý hết sức phức tạp. Cần có sự sàng lọc để quản lý, chứ số liệu truyền về, chưa bàn về chất lượng đường truyền, thì số liệu ấy vẫn là số liệu "chết”, chưa có tác dụng điều hành trực tiếp ngay. Tôi nghĩ, Thông tư đưa vào như thế là rất tích cực. Nên lấy ý kiến của nhà sản xuất thiết bị, cơ quan quản lý đường bộ. Chứ đưa ra mà không thực thi được thì vô hiệu.
- Vâng, Dự thảo Thông tư cũng có điểm mới đề cập đúng vấn đề ông chia sẻ là: làm sao phân tích được dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của hàng chục vạn xe. Cụ thể, Dự thảo Thông tư có nêu: Phần mềm cần tương thích trên nhiều nền tảng, có tính năng giám sát trực tuyến, quản lý, khai thác, truy cập, báo cáo, thống kê phục vụ công tác quản lý.
Ông Nguyễn Văn Thanh: Đúng, về điều này phải áp dụng khoa học công nghệ vào, không thể trông mong vào sức người. Các thiết bị giám sát hành trình cần sàng lọc, chỉ báo cáo vi phạm thôi, cần đặt hàng, yêu cầu các nhà sản xuất để họ đáp ứng.
Các nước người ta đi trước mình nhiều rồi. Xu thế của thế giới là đưa 4.0 vào quản lý, không phải thủ công nữa. Vấn đề là khoa học kỹ thuật có đáp ứng được, đưa vào cập nhật để xử lý được hay không. Áp dụng được thì phục vụ rất đắc lực cho công tác quản lý của nhà nước, của doanh nghiệp, và đặc biệt là góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo VOV)